Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021:

Điểm sáng từ Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh

TS. Bùi Quang Hưng

(Dân trí) - Trong những năm gần đây, chuyển đổi số là đề tài nhận được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội.

Điểm sáng từ Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh - 1

Quang cảnh buổi đánh giá hiệu quả thí điểm Trung tâm giám sát Điều hành Đô thị thông minh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Ngày 27/04/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa khai mạc Tuần lễ chuyển đổi số với chủ đề "Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức". Kéo dài đến hết ngày 30/04, chương trình bao gồm nhiều hoạt động chính như các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, triển lãm chuyên ngành trên nhiều lĩnh vực chuyển đổi số.

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số là đề tài nhận được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" vào ngày 03/06/2020, nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực đã diễn ra trên cả nước nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của chương trình.

Trong bối cảnh đó, Thừa Thiên - Huế liên tục là điểm sáng trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số và đô thị thông minh. Ở giai đoạn 1, Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông đã phát huy được hiệu quả bước đầu trong việc giám sát giao thông và trật tự đô thị, tiếp nhận phản ánh hiện trường, giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công và một số tiện ích khác. 

Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đa dạng và phức tạp về quản lý nhà nước, giám sát, điều hành các nhiệm vụ chuyên môn và cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho toàn xã hội trên một nền tảng thống nhất, tiến một bước xa hơn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) để tích hợp hệ thống ở mức sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo khai thác hiệu quả các phần mềm và hệ thống hiện có một cách đồng bộ, đồng thời đưa vào sử dụng thêm hơn 20 dịch vụ và tiện ích mới...

Từ hệ thống tích hợp này, quá trình giám sát các hoạt động của đô thị được trực quan hóa trên một nền tảng chung, dữ liệu được quản lý tập trung, và các công nghệ khai phá dữ liệu lớn được ứng dụng để đưa ra các báo cáo số thông minh, xác định xu hướng, bước đầu dự đoán, dự báo, giúp lãnh đạo địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, du khách…

Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai trương, nâng cấp, bổ sung Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế với sự phối hợp của AIC Group. Sau hơn một năm, hiện Trung tâm đã nâng cấp, tích hợp và triển khai thêm được các hợp phần như: giám sát tình hình xử lý văn bản; giám sát tình hình xử lý hồ sơ dịch vụ công; giám sát hoạt động cư trú trên địa bàn; giám sát các phương tiện ra, vào tỉnh; giám sát môi trường nước, môi trường không khí; hệ thống họp thông minh; theo dõi tình hình hoạt động của hệ thống phản ánh hiện trường; quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên toàn tỉnh; theo dõi lượng mưa, mực nước trên sông; giám sát tình trạng ngập lụt; giám sát người ra vào Huế; hỗ trợ phòng chống dịch; nền tảng quản lý camera tập trung và bản đồ số camera; bản đồ số cơ sở y tế, du lịch, giáo dục; hệ thống báo cáo số; thử nghiệm hệ thống phân tích, dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội…

Toàn bộ mô hình TT GSĐH ĐTTM tỉnh Thừa Thiên - Huế ở giai đoạn 2 đều tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Bộ TTTT, có tính toán tới đặc thù của địa phương. Đặc biệt, từ sau khi được nâng cấp và mở rộng, Thừa Thiên - Huế đã triển khai thí điểm được hệ thống báo cáo động theo thời gian thực với nhiều chỉ tiêu được kết nối trực tiếp từ cấp cơ sở qua hệ thống nhập liệu thông minh. Một số mô hình dữ liệu và thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) đã bước đầu được đưa vào thí điểm để mô phỏng, dự báo các chỉ tiêu KT-XH của địa phương, tự động giám sát, phát hiện và cảnh báo bất thường, các lỗi vi phạm qua hình ảnh camera từ các lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cung cấp dịch vụ hành chính công… Hệ thống giám sát, dự báo và hỗ trợ phòng chống thiên tai cũng là một hợp phần tạo điểm nhấn… Ngoài ra, ứng dụng miễn phí "Hue-S" dành cho người dân cũng được bổ sung nhiều tính năng thông minh, hữu ích như cung cấp thông tin về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bản đồ số y tế, giáo dục, giao thông, cảnh báo tắc đường…

Để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho toàn hệ thống, hợp phần giám sát an ninh mạng (SOC) cũng đã được bổ sung với khả năng giám sát được chia thành nhiều lớp khác nhau: giám sát lớp mạng, lớp ứng dụng, lớp máy chủ và các thiết bị đầu cuối. Ngoài việc tự động giám sát và cảnh bảo, hỗ trợ xử lý sự cố, đảm bảo các dịch vụ từ TT GSĐH luôn được bảo vệ an toàn trước sự tấn công của tin tặc, hệ thống SOC này còn đưa trực tiếp các báo cáo lên ứng dụng của cơ quan quản lý, điều hành và đội ngũ cán bộ chuyên môn, đồng thời kết nối với các cơ quan quốc gia như Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT để được hỗ trợ kịp thời nếu phát sinh tình huống nghiêm trọng.

Phát biểu tại chương trình đánh giá hiệu quả vận hành thí điểm Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 24/12/2020, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TTTT đã khen ngợi những thành tích toàn diện mà tỉnh đã đạt được trong lĩnh vực này, khẳng định hệ thống mới được nâng cấp của Thừa Thiên - Huế không những đáp ứng được tất cả các chỉ tiêu mà còn có những hợp phần vượt quá thang đo do Bộ TTTT đặt ra. 

Nhìn chung, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và đoàn đánh giá của Bộ TTTT ghi nhận những kết quả hết sức đáng khích lệ và trực quan đã đạt được dù mới chỉ thí điểm và mở rộng sau một thời gian ngắn tại Trung tâm Giám sát Điều hành Đô thị Thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự kiến, những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả tại đây sẽ được tổng hợp lại để giới thiệu làm điển hình, khuyến khích các địa phương, đơn vị tham khảo, thực hiện theo nhằm tạo ra hiệu quả đồng bộ trong quá trình thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ TTTT, nhằm mang lại các tiện ích thiết thực và cụ thể cho các nhóm đối tượng hưởng lợi trong toàn xã hội.

Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương và sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chuyên môn như Sở TTTT, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp các tiện ích và dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên - Huế có được thành công như hiện nay chính là sự hưởng ứng, đón nhận nhiệt tình của cộng đồng, người dân. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ đầu Thừa Thiên - Huế đã xác định lấy người dân làm trung tâm khi bắt tay vào xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và các hoạt động chuyển đổi số khác, đồng thời thực hiện các chương trình truyền thông liên tục và rộng rãi để toàn xã hội hiểu được về lợi ích và ý nghĩa của chương trình. Thiết nghĩ, đây là kinh nghiệm quý cần được nhân rộng bởi lẽ hiện nay có một số địa phương khác cũng đã triển khai thử nghiệm hệ thống đô thị thông minh tương đối đồng bộ, tuy nhiên chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả do thiếu sự tham gia, sử dụng hệ thống của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.