Dịch thuật trong game online: Vấn đề còn bỏ ngỏ

“Mật mã Da Vince” (The Da Vinci Code) được đánh giá là một thảm họa dịch thuật năm 2005 nhưng xem ra nếu so với những “công trình Việt hóa” game online hiện nay thì vẫn… chưa thấm vào đâu.

Trò đùa “Việt hóa”

 

Đứng đầu danh sách “cao thủ” có lẽ vẫn là PTV - Giành lại miền đất hứa của FPT. Mặc dù chỉ có một trong số bốn cụm máy chủ của game này sử dụng hệ thống tên các món đồ và quái vật tiếng Việt. Nhưng chừng đó là quá đủ để nhiều game thủ phải… choáng váng.

 

Ngày 2/9/2005, PTV mở cửa server Thiên Hà (tên gốc tiếng Anh dùng chung cho các nước khác là Galantia) làm nhiều người thắc mắc không biết có phải vì Galantia nghe… hao hao giống Galaxy (thiên hà) hay không.

 

Đến khi bắt đầu chơi, các game thủ mới thật sự thấy “sốc”. Thanh kiếm Slayer được đổi tên thành… “Tàn đao kiếm”.Cái tên mới này hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến nghĩa của tên gốc, chưa kể đã có “đao” lại còn có “kiếm”, cuối cùng không hiểu nó là vũ khí gì. Tương tự, chiếc áo giáp Extreme Armor được dịch sang tiếng Việt là giáp… Rồng đen, có lẽ chỉ vì người ta… thích thế. Một số tên “khó nhằn” như Dryad, vốn xuất phát từ thần thoại châu Âu, được “chuyển ngữ” thành Mộc tiên; trong khi từ Titan, bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp vẫn được giữ nguyên…

 

Mọi chuyện còn trở nên tồi tệ hơn khi PTV cập nhật nhiệm vụ chuyển cấp thứ ba. Để được thăng cấp, người chơi phải tiêu diệt một số quái vật. Nhiệm vụ đưa ra tên gốc (tiếng Anh) trong khi đám quái vật đã… chuyển sang dùng tên Việt từ lâu (!). Kết quả là các game thủ nhốn nháo vì không biết đâu là quái vật mình cần tìm.

 

F, một game thủ đang chơi cùng lúc 4 game online (PTV, MU, Lineage 2 và Gunbound) cho biết: “Điển hình là 2 game MU và PTV, hệ thống tên các monster (quái vật), item (đồ dùng), nhân vật đều dựa vào thần thoại, văn hóa Tây phương, nhưng khi chuyển ngữ thì toàn là các yếu tố Đông phương, y như râu ông này cắm cằm bà kia”. Cũng đồng tình với F,‎ Klyhrs, nữ game thủ PTV, nói về chất lượng dịch thuật của game này một cách ngắn gọn: “Rất tệ!!!”

 

Nỗi khổ mang tên… Hán Việt

 

Võ Lâm Truyền Kỳ của Vinagame có ưu thế hơn PTV do dịch từ tiếng Trung, lại dựa trên các tiểu thuyết kiếm hiệp nên việc dịch thuật có vẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng chẳng có mấy người chơi hiểu được ‎nghĩa của các từ Hán Việt dùng trong đó.

 

Hỏi mười người l‎ý do họ thích Võ Lâm Truyền Kỳ hơn các game khác thì có đến chín người kể ra yếu tố kiếm hiệp, nhưng khi hỏi họ ý nghĩa tên của các chiêu thức thì gần như chẳng ai trả lời được. Cả những cái tên “lừng lẫy giang hồ” như Dịch Cân Kinh thì cũng chưa chắc có được 10% số người chơi hiểu đúng (dù họ biết rõ Dịch Cân Kinh có tác dụng gì). Còn những chiêu “phức tạp” như Chu Cáp Thanh Minh, Hoành Tảo Lục Hợp, Vô Ngã Vô Kiếm… có lẽ sẽ vẫn mãi mãi là ẩn số.

 

Lỗi không chỉ ở các nhà cung cấp!

 

F vui vẻ nói: “Những game mình chơi đều “dính líu” tới thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu. Khi tìm hiều về thần thoại đã rất hứng thú rồi, được ngắm những nhân vật, những con thú thông qua cách thiết kế của mỗi game thì... trên cả tuyệt vời. Có cảm giác giống như mình được nhập vào chính những câu chuyện thần thoại đó vậy”. Game thủ này cho biết cậu rất say mê các yếu tố văn hóa, thần thoại trong game và cũng là tác giả nhiều tranh đăng trên trang chủ của game PTV.

 

Nhưng những game thủ như F rất hiếm. Hầu hết game thủ Việt Nam (kể cả người chơi game online lẫn offline) đều chỉ chăm chú “cầy level” chứ chẳng cần quan tâm đến gì khác. Với họ, tìm hiểu các yếu tố văn hóa trong game chỉ là chuyện của những kẻ “thừa hơi rỗi việc”.

 

Sự “dễ tính” quá mức này của game thủ chính là một phần lý do khiến các nhà cung cấp xem nhẹ việc dịch thuật trong game, nhiều khi dẫn đến những lỗi hết sức… ngớ ngẩn. Các dịch giả PTV làm người chơi phải giật mình khi dịch Sting-ray, trong tiếng Anh có nghĩa là cá đuối, thành… khủng long. Game thủ không biết làm gì hơn ngoài việc kêu ca trên diễn đàn. May sao lời than vãn của họ cũng đến được tai “nhà trức trách”. Cá đuối lại trở về làm cá đuối nhưng vẫn còn vô khối cái tên đáng được xếp vào top…”bó tay chấm com”.

 

Giải pháp nào cho vấn đề dịch thuật?

 

Ngay cả khi Vinagame đã phải tổ chức một cuộc thi dịch game Ragnarok Online thì dường như giải pháp chung hiệu quả nhất vẫn là… giữ nguyên tất cả tên các đồ vật, quái vật, kỹ năng; chỉ dịch lời thoại. Các game như Khan, Cao bồi không gian, Gunbound… đã chọn “lối thoát” này. Có thể nhiều người chơi không ủng hộ nhưng chắc chắn là sẽ không trượt theo vết xe đổ của PTV hay Võ Lâm Truyền Kỳ, lại đỡ tốn công sức.

 

Mùa hè đang đến gần, một loạt game mới sắp ra mắt giới mộ đạo nhưng chưa thể nói chất lượng dịch thuật sẽ ở mức nào. Các nhà cung cấp vẫn chỉ chăm chăm quảng cáo về cách chơi hấp dẫn, đồ họa đẹp mắt, âm thanh sống động…

 

Klyhrs cho biết: “Đôi khi người ta nghĩ những cái tên trong game được đặt không chủ đích, nhưng thật ra phía sau đó là cả một nền văn hóa…” F, Klyhrs và một số game thủ khác khẳng định họ sẵn sàng tham gia dịch game nếu có cơ hội, nhưng sự nhiệt tình đó có được các nhà cung cấp để ‎ý đến hay không thì chưa ai dám khẳng định. Chỉ có một điều đã chắc chắn: nếu các game thủ vẫn cứ thờ ơ như hiện nay thì những yếu tố văn hóa trong game đều trở nên vô nghĩa. Và sẽ không có gì là sai nếu các bậc “phụ huynh” nói rằng game chỉ là thứ vô bổ.

 

Theo Hoàng Minh

Tuổi trẻ