“Dế” bán cổ điển trở thành mốt
Tưởng những con dế xuất hiện cách đây chừng 5 năm chẳng ai thèm để mắt tới, vậy mà, vẫn nghe đâu đấy tiếng reng...reng... xưa cổ thuở nào vang lên giữa “rừng” laptop, PDA , smartphone đang lướt nét vèo vèo trong quán cafe Wi-Fi.
Cách đây khoảng hơn chục năm, những người có khả năng tậu và sử dụng những chiếc điện thoại nhãn hiệu Motorola, Ericsson được xem là VIP. Đặc điểm của những điện thoại này là khá kềnh càng và nặng nề. Khi Motorola ra đời StarTac 70 thế hệ đầu tiên, sản phẩm này ngay lập tức được xem là một sự đột phá lớn: Lần đầu tiên một điện thoại màn hình lớn, dáng gập, bé nhỏ xuất hiện. Hoài niệm của nhiều người thời đó vẫn là sự sung sướng hạnh phúc khi cầm trên tay chiếc StarTac, đưa máy lên tai hay gập lại với tiếng “tạch” của lẫy màn hình.
Điện thoại cổ hiện đang được nâng niu như một vật báu, vì nó thể hiện cái thú chơi đồ của người sử dụng. Tuy nhiên, để trở thành vật quý hiếm thì nó phải đảm bảo được những tiêu chí rất khó tồn tại theo thời gian, như: Máy móc chưa sửa chữa, hình thức nguyên bản và đặc biệt là không được sơn sửa gì.
Nokia 6310i và 8910 trở lại
Những năm 2002, khi mua xe Mecerdes E240, khách hàng được tặng kèm chiếc điện thoại di động 6310i. Và cái tên 6310i nổi lên trong giới chơi điện thoại như một sản phẩm không dành cho thương mại.
Thoạt nhìn dễ lầm tưởng đây là chiếc di động thông thường: Thân dài, nặng, màn hình đơn sắc màu xanh nhỏ. Tuy nhiên, nó lại kết hợp hài hòa yếu tố cổ điển lẫn hiện đại: Tích hợp công nghệ Bluetooth đầu tiên, máy có thể truy cập Wap (GPRS), gửi và nhận email. Phone book chứa được 500 số, gửi tin nhắn kèm hình ảnh, chức năng ghi âm cuộc gọi. Giao diện thân thiện, đơn giản, không có hiện tượng treo máy như các dòng smartphone cũ.
Được nâng cấp từ phiên bản Nokia 6310 trước đó, Nokia 6310i vượt trội ở hỗ trợ Java, cho phép download nhiều chương trình về máy qua cổng Blutooth hay cáp nối. Đặc biệt, mẫu điện thoại đi kèm theo xe còn được dùng như điều khiển từ xa. Hệ thống Bluetooth giữa máy và xe kết hợp chặt chẽ giúp điện thoại có thêm các chức năng như kích hoạt mở cửa tự động, chế độ điện đàm rảnh tay.
Dáng máy rắng rỏi, trông rất “tây” và hợp với quý ông. Thời gian dùng pin lâu (480 giờ chờ và 6 giờ đàm thoại), sóng khỏe. Chính vì lẽ đó mà sản phẩm hiện đang được rất nhiều anh em là dân kinh doanh, dân hitech ưa dùng. Trước đây mỗi máy có giá chừng 100 USD, nay đã tăng nhẹ lên 110 USD tùy vào độ mới cũ.
Dẫu không còn ở đỉnh cao như những năm 2000 với nickname vui nhộn “cởi áo”. Xong, có thể thấy Nokia 8910 vẫn mang trong mình phong độ của những ngày đầu. Đó chính nhờ kiểu thiết kế sang trọng dành cho doanh nhân bởi lớp vỏ titan, phím bấm mạ crôm không lỗi mốt. Các tính năng hỗ trợ công việc tốt: Truy cập Wap, Bluetooth. Quay số bằng giọng nói, thu âm, danh bạ lưu 500 số. Chức năng gọi hội nghị và trả lời tự động trên xe hơi...
Riêng với dân thích thiết kế thì vỏ của 8910 cũng có nhiều đất để dụng võ. Với các loại mấy đã quá cũ vẫn có thể tân trang sơn phết lại nhìn xa xa phong cách hơi giống 8800 của doanh nhân thành đạt.
Blackberry bền, rẻ, đẹp
Không quá ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ đang có xu hướng tìm đến các series 6230 và 7230 khá xưa của Blackberry. Sức mạnh của Blackberry nằm ở sự đơn giản, bền bỉ nổi tiếng, các tính năng đều hết sức cần thiết và thiết kế độc đáo. Bàn phím Qwerty của Treo thuận tiện trong khâu soạn thảo văn bản, màn hình đơn sắc nhưng thể hiện nhiều biểu tượng thông tin làm việc như trên O2 nhưng pin khỏe (sử dụng trong 4 ngày). Giá một máy tại Việt Nam tầm 1,5 - 2 triệu đồng.
Dù không nhiều tính năng như các PDA hiện đại nhưng Balckberry luôn có những chức năng kết nối nhất định: Nhận gửi e-mail trên EDGE tốc độ cao, đồng bộ hóa dữ liệu không dây trên lịch, sổ danh bạ, các ghi nhớ, tin nhắn, gửi và nhận các bức ảnh lưu trữ trong bộ nhớ với Microsoft Outlook...
Việc gửi nhận e-mail, SMS trên 7230 còn được bảo vệ bởi hệ thống mã hóa Des và AES. Máy cũng cho phép người dùng truy cập tới 10 tài khoản doanh nghiệp hoặc cá nhân bao gồm Microsoft Exchange, IBM Lotus Domino và nhiều tài khoản ISP khác. Người dùng sẽ cảm thấy thích thú bởi việc quản lý thông tin trên máy khá thuận lợi, hỗ trợ quản lý SMS thông minh theo dạng cửa sổ chat rất hay. Công cụ tìm kiếm đa dạng.
Độ “dế” cổ
Một năm trước, Siemens SL45 và Motorola Star - Tac bỗng nổi lên như cồn nhờ sự hóa phép kỳ diệu của những “mod” điện thoại đất Hà Thành. Cuộc đổi đời của SL45 chính thức bắt đầu vào tháng 10/2005 khi nhóm Nex7 đã cho ra đời khoảng 30 mẫu Auora được chế lại từ SL45 với vỏ làm bằng gỗ, không có anten nổi. Tháng 11/2005, phiên bản kế tiếp mang tên gọi Amobie xuất xưởng với rất nhiều cải tiến. Chỉ có main và màn hình SL45 là được giữ lại, hầu hết đã bị thay đổi. Thân máy, bàn phím bằng gỗ trông rất giống Mobiado hàng hiệu cao cấp. Máy đọc được thẻ nhớ lên đến 2 GB, nghe nhạc bằng loa ngoài. Hỗ trợ Java mang lại khá nhiều ứng dụng như cài đặt trò chơi, văn bản, phần mềm nghe nhạc có thêm chức năng điều chỉnh bass/treble. Pin cũng được tăng năng lượng để dùng được trường kỳ hơn (chờ và đàm thoại được trong 1 tuần).
Dưới bàn tay khéo léo của dân “mod”, cuộc đời chìm nổi của Star-Tac sang trang. Trọng Minh hay còn được làng “mod” điện thoại gọi là MinhĐT đã thay đổi được cục diện của Star-Tac từ trong ra ngoài. Điểm yếu của các Star-Tac cũ là pin dùng rất nhanh hết, chỉ vỏn vẹn một ngày. Màn hình màu xanh khá tối và hay hỏng cáp. Khắc phục được các nhược điểm này, anh Minh đã “chế” lại với pin của Nokia, nên máy dùng được hơn hai ngày, thay cable và cả màu đèn màn hình. Sau cùng là trang điểm lại lớp vỏ ngoài.
Anh Minh cũng cho biết, phần lớn các điện thoại bán cổ điển thường được cải thiện pin, màu màn hình, sơn phết lại vỏ hoặc thiết kế mẫu mã bên ngoài cho ấn tượng. Nokia 6230 từng là “đỉnh” của thế hệ mobile nhạc và chụp hình xuất sắc, duy chỉ có thiết kế là chưa thật sự hấp dẫn. Qua bàn tay khéo léo, dân “mod” đã lấy “ruột” của 6230 đặt vào trong lớp vỏ điện thoại gỗ tự sáng chế nhìn không khác Mobiado rất độc đáo.
Với những người chơi điện thoại cổ, “độ” máy như một sự chinh phục thực sự. Tìm kiếm và sử dụng nó cũng giống như một sự đam mê.
Theo Xã Hội Thông Tin