Đề án số hóa truyền hình sẽ kết thúc vào năm 2020
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Số hoá truyền hình Việt Nam đề nghị các thành viên của Ban tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, quyết tâm đảm bảo tiến độ, kết thúc thành công đề án số hóa truyền hình vào năm 2020.
Tại cuộc họp Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức tại Hà Nội ngày 11/6/2019, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Số hoá truyền hình Việt Nam đánh giá quá trình triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất tốt dù trong quá trình thực hiện có nhiều nội dung, chi tiết phải điều chỉnh song xét về mặt tổng thể đến nay Đề án đã khá thành công.
Thứ trưởng cho rằng, sự thành công đến từ nhiều yếu tố trong đó phải kể tới sự vào cuộc của các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng đã tích cực đầu tư cho số hoá truyền hình; việc khai thác sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để trang bị đầu thu cho người dân;
Từ đó, Thứ trưởng mong muốn giai đoạn tới, các thành viên của Ban tiếp tục phát huy tinh thần tích cực; khắc phục những khiếm khuyết trong công tác truyền dẫn phát sóng, hỗ trợ đầu thu, tuyên truyền,… hoàn thiện các nội dung liên quan để đạt được tiến độ đã đề ra, đặc biệt là trong Giai đoạn IV – Giai đoạn cuối cùng, quyết định sự thành công của Đề án.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Tần số VTĐ - Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án số hoá ngay từ bây giờ cần lên kế hoạch chi tiết cho Giai đoạn IV của Đề án, đảm bảo không bị trì hoãn, trượt tiến độ; đồng thời sớm tổ chức buổi làm việc việc với VTV về vấn đề triển khai truyền dẫn phát sóng số tại các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên và Lai Châu - Đây là 04 tỉnh thuộc Giai đoạn IV của Đề án, nhưng hiện tại chưa có doanh nghiệp nào có kế hoạch truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Thứ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp như: DTV, SDTV… sớm cân nhắc đầu tư phủ sóng số trên địa bàn 04 tỉnh phía Bắc nêu trên.
Về thời điểm ngừng phát sóng tương tự tại địa bàn 12 tỉnh nhóm III, Thứ trưởng thống nhất: Đảm bảo ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (ATV) đối với các trạm phát sóng chính trên địa bàn 10 tỉnh, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng và Ninh Thuận từ 24 giờ ngày 30/6/2019 và 02 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 24 giờ ngày 15/7/2019.
Về đề nghị điều chỉnh mốc ngừng phát sóng ATV đối với các trạm phát lại tại 09 tỉnh Nhóm II (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và Khánh Hòa) từ 24 giờ ngày 30/9/2019 sang 30/11/2019, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo cân nhắc phương án tắt ATV trước tại các tỉnh đã đảm bảo điều kiện, điều chỉnh đối với các tỉnh còn lại nhưng không nên lùi quá 01 tháng.
Về công tác thông tin tuyên truyền: Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án yêu cầu Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xem xét cập nhật, bổ sung tài liệu tuyên truyền cho sát thực hơn; cân nhắc thời điểm tuyên truyền hợp lý; chạy tít thông báo trên các đài truyền hình địa phương. Cục Tần số VTĐ phối hợp với Cục Viễn thông tổ chức việc gửi tin nhắn tới các thuê bao di động trong vùng sẽ tắt sóng ATV vào 30/6/2019 tới đây.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số VTĐ báo cáo nội dung điều chỉnh cũng như kết quả của cuộc họp Tiểu ban lên Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Số hoá truyền hình Việt Nam để thống nhất triển khai.
Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ, nhất là trong giai đoạn IV của Đề án không những giúp thực hiện thành công Đề án mà còn tạo tiền đề quan trọng cho nhiều chương trình, đề án phát triển viễn thông, quy hoạch băng 700MHz cho 5G và khi vùng phủ sóng số rộng, cả người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi.
Gia Linh