Đầu tư công nghệ vào Việt Nam : “Ông lớn” đã vào

Việc cấp phép cho tập đoàn Intel đầu tư nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam với dự án trị giá 605 triệu USD ngày 28/2 vừa qua đã đưa Intel trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Nhà máy này có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 300 triệu USD, mức tương đương với 6 nhà máy cùng loại khác của Intel trên thế giới. Dự kiến vào năm 2007, nhà máy đi vào hoạt động và thu hút 1.200 công nhân. Phát biểu trong buổi trao giấy phép đầu tư, ông Craig Barret, chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Intel, cho biết: “Đây là bước đầu tiên trong tiến trình đầu tư lâu dài ở Việt Nam”.

Theo ông Barret, có rất nhiều đối tác để Intel lựa chọn, nhưng Việt Nam được “chọn mặt gửi vàng” vì có chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng và lợi thế về nguồn nhân lực có trình độ. Một yếu tố khác, là đặc thù của dự án của Intel đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên “chúng tôi phải chọn những nơi chính quyền có chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn”, ông Barret cho biết.

Ý nghĩa của việc Intel đầu tư vào Việt Nam, không chỉ nằm trong số vốn đầu tư, mà như đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sẽ mang lại cơ hội thu hút đầu tư. Theo ông Kunihiko Nishihara, tổng giám đốc Nidec Tosok (Việt Nam), khi một tập đoàn lớn đầu tư vào khu vực nào, các hãng vệ tinh sẽ đầu tư theo vào. Cơ hội cho Nidec, theo ông Nishihara, không phải là Intel, mà là các công ty vệ tinh. Ông Nishihara cho biết thêm, có khả năng trong 2 năm tới, Nidec sẽ sản xuất spindle motor cho máy tính tại Việt Nam, sau khi Intel hiện diện.

Về mặt công nghệ, tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc trung tâm nghiên cứu (Khu công nghệ cao TPHCM) phân tích, quyết định đầu tư của một tập đoàn lớn như Intel vào Việt Nam giúp các nhà sản xuất máy tính trong nước giảm giá thành, thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển.

Không chỉ ngành sản xuất máy tính được hưởng lợi, mà Internet băng rộng cũng có cơ hội phát triển. Ông Nghiêm Xuân Tịnh, phó giám đốc VDC cho biết, Intel là một trong những công ty ủng hộ WiMax – công nghệ không dây băng rộng - đang chuẩn bị triển khai ở Việt Nam. Với hạ tầng công nghệ ADSL đang phát triển như hiện nay, Việt Nam đủ điều kiện để ứng dụng WiMax.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

“Để thu hút các nhà đầu tư như Intel thì địa điểm và nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng” – ông Nguyễn Thịnh, giám đốc công ty phần mềm PSD, phân tích về địa – kinh tế. Để biến lợi thế đó thành lực hấp dẫn đầu tư, cần có nỗ lực của Chính phủ. Việc Intel chọn đầu tư vào phần sản xuất đầu cuối (back end), theo đánh giá của ông Thịnh, chỉ là bước khởi đầu. “Khi nắm bắt cơ hội, họ có thể thay đổi” - ông nói.

Để có sự thay đổi đó, ngoài nỗ lực của Intel, cần có thêm tác động của các nhân tố khác. Ông Thân Trọng Phúc, Tổng giám đốc Intel Việt Nam khái quát: “Nếu chính phủ có những nỗ lực dùng Intel như một tấm gương thực hiện dự án tốt, thu hút các nhà đầu tư thì cần có nỗ lực của Chính phủ. Điều đó, không tự nhiên xảy ra”. Và nếu có những nỗ lực đó, thì như các dự án của Intel ở Trung Quốc, Philippines hay Malaysia, sẽ có giai đoạn 2, với mức đầu tư xấp xỉ hoặc hơn giai đoạn 1.

Sự hào hứng về cơ hội từ nhà máy của Intel không ngăn người ta khỏi nghĩ về phát triển công nghệ trong nước. Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, với bề dày kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia cho rằng, Việt Nam khó có điều kiện tiếp cận công nghệ nguồn chỉ bằng thu hút đầu tư nước ngoài. Ông nói: “Chúng ta phải tạo ra năng lực khoa học, công nghệ nội sinh bằng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển nhân lực”.

Theo Quốc Khánh

Báo Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm