1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Dấu hiệu nhận biết website hoặc ứng dụng lừa đảo, "lùa gà"

Nam Đoàn

(Dân trí) - Gần đây, nhiều người dùng bị tội phạm lừa đảo dẫn dụ tham gia đầu tư tại các sàn giao dịch được quảng cáo lãi suất cao, cam kết trả lợi nhuận lớn; đáng chú ý có đường dây lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Dấu hiệu nhận biết website hoặc ứng dụng lừa đảo, lùa gà - 1
Hàng chục tỷ đồng tiền mặt bị phong tỏa trong vụ bắt giữ siêu lừa tiktoker Mr Pips (Ảnh: Công an Hà Nội).

Công an quận Cầu Giấy mới đây đã bắt giữ tiktoker Mr Pips (Phó Đức Nam). Trong quá trình điều tra, nhà chức trách thu giữ 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 mô tô hạng sang của các đối tượng. Tổng tài sản bị thu giữ, phong tỏa ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Trong vụ việc này, có một sinh viên Đại học FPT (22 tuổi, Quảng Ninh) đã bị chiếm đoạt 8 tỷ đồng và nghĩ đó chỉ là may rủi khi đầu tư.

Một vụ việc khác, vào đầu tháng 12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội tiếp nhận trình báo của bà T. (trú tại Hà Nội) về việc đã kết bạn và trò chuyện với tài khoản Facebook "Nguyễn Thị Thùy Dung".

Sau một thời gian, đối tượng trên mời bà T. tham gia đầu tư tiền ảo thông qua website mcprimetrusted.com.

Bà T. sau đó làm theo hướng dẫn từ đối tượng, tiến hành tạo tài khoản và chuyển tiền để đầu tư. Nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn, bà T. đã nạp 5 tỷ đồng để được nhận 350.000 USD (giá thị trường tương đương 9 tỷ đồng).

Khi muốn rút số tiền lãi trên, bà T. bị các đối tượng yêu cầu phải đóng hàng loạt các loại phí như phí bảo hiểm, phí chuyển tiền... Tổng cộng, bà T. đã chuyển hơn 9 tỷ đồng và bị chiếm đoạt.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS đã chỉ ra những dấu hiệu giúp người dùng nâng cao cảnh giác với website, ứng dụng lừa đảo.

Dấu hiệu nhận biết website hoặc ứng dụng lừa đảo, lùa gà - 2

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS (Ảnh: CTV).

Hứa hẹn lợi nhuận "khủng"

Các website hoặc ứng dụng lừa đảo thường thu hút người dùng bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận cao bất thường hoặc không có rủi ro. Các đối tượng thường sử dụng các cụm từ như "lãi suất khủng", "đảm bảo an toàn vốn", hoặc "kiếm tiền dễ dàng trong thời gian ngắn"...

 Website dùng tên miền lạ

Những website lừa đảo có thể sử dụng tên miền nước ngoài (không có ".vn") hoặc các tên miền cố tình gây nhầm lẫn với các tổ chức uy tín.

Sử dụng hệ thống thanh toán trung gian

Những đối tượng lừa đảo thường sử dụng hệ thống thanh toán bất thường, yêu cầu chuyển khoản thông qua các trung gian không rõ ràng như tài khoản cá nhân, ví điện tử, tiền điện tử.

Ngoài ra, việc rút tiền thường rất khó khăn, chỉ được thực hiện khi đạt hạn mức cao hoặc bị kéo dài thời gian xử lý.

Thúc ép, thúc giục người dùng thực hiện việc chuyển tiền

Các đối tượng lừa đảo thường có hành vi tạo áp lực đến người dùng, liên tục liên lạc, gọi điện thúc ép người dùng đầu tư ngay lập tức, sử dụng các từ khóa như "cơ hội hiếm có", "sắp hết thời gian ưu đãi", "chỉ dành cho một số ít người tham gia" để thao túng tâm lý người dùng.

Nền tảng không có giấy phép hoạt động

Một hệ thống đầu tư tài chính hợp pháp luôn có sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Người dùng cần thận trọng khi tham gia vào các nền tảng website, ứng dụng đầu tư, đặc biệt quan tâm đến vấn đề pháp lý. Nếu nền tảng không công khai các giấy phép này, đó là một dấu hiệu lừa đảo, rất có khả năng người dùng đang bị dụ dỗ vào một bẫy lừa đảo.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản nạn nhân.