Năm 2014, xu hướng phablet (smartphone lai máy tính bảng) được đánh giá sẽ là phổ thông, bao trùm lên mảng thiết bị cầm tay. Trong cuộc chiến khốc liệt này, các nhà sản xuất phải tìm được điểm độc đáo của riêng mình. Đó gần như là điều bắt buộc.
Xuất hiện chính thức tại Việt Nam từ 8/12/2013, N1 là thiết bị cao cấp nhất của Oppo tính tới thời điểm này, được hãng đặt nhiều kỳ vọng. Tuy được trang bị hàng loạt tính năng nổi bật như camera xoay, cảm ứng lưng O-Touch, phụ kiện O-Click và hệ điều hành ColorOS… nhưng mẫu phablet này vẫn chưa thể tạo đột phá.
Thiết kế
Oppo N1 có thiết kế tương đối ấn tượng. Cảm nhận của người dùng khi bắt đầu mở hộp có thể gói trong 2 từ “kỹ lưỡng”. Đánh giá sản phẩm nằm ở phân khúc cao cấp, nhà sản xuất đầu tư rất kỹ ngay từ khâu vỏ hộp, đóng gói, khiến người dùng có cảm giác mình đang mở hộp một sản phẩm cao cấp.
Quay trở lại chiếc N1, những đường nét xử lý tinh xảo có thể nhận thấy ở bất cứ chi tiết nào. Điểm nhấn của thiết kế có lẽ là ở khu vực camera xoay 206°, với những đường viền mạ kim loại khá bắt mắt.
Xét tổng quan, những thiết kế bên ngoài của Oppo tuy đẹp nhưng không tạo điểm nhấn để thấy được sự khác biệt, ngoài khu vực camera. Những đường nét vẫn bo tròn tạo cảm giác “hiền hòa”, không cá tính.
N1 có thiết kế "hiền hòa", không mấy cá tính
Lớp vỏ của Oppo rất dễ làm sạch, chỉ cần dùng lòng bàn tay miết nhẹ vào lưng máy, những vết bẩn sẽ biến mất. Nhà sản xuất cho biết lớp vỏ này đã trải qua 14 công đoạn đánh bóng, khiến nó bóng bẩy nhưng không hề lưu lại dấu vân tay. Đây là một điểm cộng.
Hoạt động
OPPO N1 sử dụng vi xử lý lõi tứ Snapdragon 600 tốc độ 1,7GHz của Qualcomm và đồ họa Adreno 320, RAM 2GB, màn hình 5,9 inch Full HD, mật độ điểm ảnh 377 ppi. Tuy rất mạnh nhưng đây không phải cấu hình mạnh nhất được trang bị trên phablet hiện nay. Dù vậy, với cấu hình này, máy chạy rất mượt mà và không hề có hiện tượng “giật” khi chạy những ứng dụng phổ thông như duyệt web, xem phim full HD…
Khi mở trang web với rất nhiều ảnh, bộ nhớ RAM đầy, máy bắt đầu hơi giật. Tuy điểm benchmark của N1 cũng như những thiết bị Androi “khủng” luôn rất cao nhưng với tôi, khi so sánh giữa các thiết bị Android với thiết bị iOS cùng cấu hình trong việc duyệt web nặng, iOS luôn mang lại sự hài lòng hơn.
Chụp ảnh
N1 được trang bị những tính năng hoàn toàn mới. Thiết bị này là điện thoại Android đầu tiên trang bị module 6 thấu kính (6p lens), sử dụng màn hình 5,9 inch Full HD, camera Stacked CMOS (Sony) 13MP, khẩu độ F2.0.
N1 là smartphone Android đầu tiên sở hữu camera xoay 206°, một thiết kế rất độc đáo cho phép sử dụng 1 Camera cho tất cả các góc chụp
Và đặc biệt hơn cả, camera trước và camera sau trên N1 là một, với việc tạo camera xoay 2060, nhà sản xuất tạo cho người dùng nhiều trải nghiệm mới khi chụp ảnh. Oppo cho biết trục xoay camera đã vượt qua 100.000 lần xoay thử nghiệm, tương đương với việc mỗi ngày xoay 40 lần, có thể dùng liên tục trong 7 năm, do vậy việc xoay camera có thể thực hiện thoải mái mà không sợ hỏng.
Trong điều kiện ánh sáng tự nhiên, những bức ảnh khá hài hòa. Tuy nhiên trong điều kiện thiếu sáng, các bức ảnh trở nên noise trông thấy. Trên thực tế, việc phơi sáng liên tục trong 8 giây với khẩu độ luôn mở F2.0, khi chụp ban đêm cũng chỉ “viết lên” các dải ánh sáng run rẩy chứ không thể so sánh với máy ảnh chuyên nghiệp với ống kính gồm các lá khẩu và đặt lên chân máy cố định.
Tuy vậy, với các tính năng này, Camera của N1 có thể đối đầu được với hầu hết phablet cùng mức giá.
Cảm ứng mặt lưng O-touch
Tấm cảm ứng kích cỡ 3x4cm ở mặt lưng của N1 thực sự là một nét mới, nhưng thực tế nó chưa thật phát huy tác dụng như lời quảng cáo của nhà sản xuất. Tấm cảm ứng O-Touch có thể giúp thực hiện nhiều loại thao tác khác nhau, như nhấp đúp để khởi động camera, nhấn giữ 0,5 giây để chụp ảnh; trên giao diện mạng xã hội, nhấn giữ vào O-Touch để thực hiện tin nhắn thoại, sau khi gửi đi xong có thể trượt qua trái để xóa, trượt lên xuống để cuộn – lật trang khi đọc sách, lướt web…
Mặt sau của máy, phần diện tích cảm ứng mặt lưng O -Touch thiết kế không có khác biệt gì so với phần còn lại
Tuy nhiên sử dụng thực tế cho thấy do lưng máy quá rộng nên thao tác một ngón tay khi vuốt vào O-Touch không thật chính xác, rất dễ kéo nhầm.
Dung lượng pin
Đây thực sự là một điểm sáng trên thiết bị này. N1 được thiết kế dung lượng pin lên đến 3.610mAh và sử dụng thực tế cho thấy pin trên thiết bị này rất “khỏe”.
Nếu sử dụng với các ứng dụng phổ thông: nhắn tin, thoại. nhận gửi email, chụp ảnh, mang xã hội… thiết bị cho thời gian sử dụng pin thường lên tới 3 ngày. Đây là một con số rất ấn tượng. Tuy vậy thời gian để sạc đầy pin cũng kéo dài khá lâu, khoảng 4-5 tiếng.
Hệ điều hành Color OS
Oppo tỏ ra rất chú trọng tới người dùng khi tùy biến Color OS trên nền tảng Android 4.2. Color OS là HĐH rất thân thiện và dễ dùng, và vẫn mang đầy đủ các đặc điểm của Android. Các ứng dụng của Google được nhúng thẳng vào HĐH và khi nhập tài khoản Google vào, máy sẽ đồng bộ nhanh chóng tất cả các thông tin cá nhân của bạn, bạn có thể sử dụng ngay tức thị các note, danh bạ, email...
Color OS thể hiện được nhiều cá tính cho chủ nhân sử dụng, từ những thứ “lặt vặt” nhất.
Nhà sản xuất trang bị tính năng Quick Reach, bạn vẽ một ký tự hoặc hình ảnh bất kỳ và gán nó vào một ứng dụng bất kỳ, máy sẽ truy cập ngay vào ứng dụng đó. Chẳng hạn bất kể khi màn hình đang tắt hay mở, tôi viết chữ F là ứng dụng Facebook chạy lập tức. Nói chung HĐH này là một điểm cộng.
phụ kiện O-Click
N1 được tặng kèm một đồ chơi có tên “O-Click”, khá hay. Thiết bị này đồng bộ với N1 và 2 máy có thể “gọi nhau” trong phạm vi 50m.
***
Nhìn chung, N1 là một thiết bị có những tính năng đột phá. Mặc dù vậy, thiết kế của máy chưa thực sự cá tính và trọng lượng nếu có thể nhẹ hơn thì sẽ hấp dẫn hơn nhiều. Và điều quan trọng, nếu như thiết bị thế hệ kế tiếp (N1 mk2) ra mắt với những cải tiến mạnh mẽ hơn, liệu giá bán sẽ cao hơn hay có thể đẩy xuống thấp hơn mức 12,6 triệu đồng hiện nay? Đây chính là những câu hỏi mà bất kỳ nhà sản xuất nào cũng phải trả lời trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này.
Bảo Khánh