Dân nghiện "audio" săn "thuốc độc"
"Thuốc độc bảng A" là từ lóng ám chỉ các loại linh kiện quý hiếm dành cho thiết bị âm thanh. Những linh kiện này phần lớn là đồ quân sự hoặc công nghiệp cũ nay không được dùng nữa thải ra, nhưng lại rất phù hợp cho việc chế tác thiết bị âm thanh.
Những món linh kiện đang đắt như tôm tươi tại chợ Nhật Tảo (TPHCM) là các loại choke (cuộn cảm), nguồn, bóng đèn, tụ điện chịu điện áp cao, dây mạ bạc. Một cuộn cảm 5H/100mA cách đây khoảng một năm chỉ có 80.000-100.000 đồng, nay đã lên tới 200.000-300.000 đồng. Đắt vậy mà cứ có cục nào là hết cục đó, kể cả những cục đã hỏng cũng được mua đem về quấn lại vì nó có lõi sắt rất tốt so với lõi mới ra sau này.
Trước sự săn lùng ráo riết của các tay chơi, chợ Nhật Tảo đã hình thành một nhóm cơ hội luôn túc trực thường xuyên. Cứ có món gì mới là họ nhảy vào tranh nhau lựa mua trước, sau đó sang tay lại cho người cần. Đèn nắn 5AR4 sau khi được những người đứng chợ "giành giựt" với giá 15.000 đồng đã được sang tay tại chỗ cho khách mua với giá gấp 10 (150.000 đồng).
Ngoài ra, ở đây còn có một số người làm hàng chuyên nghiệp, có thứ gì mới là họ đem về gắn vào máy thử ngay. Thử xong, thấy tốt, lại quay ra chợ vét sạch. Nhưng cũng có lắm lúc, quay về nhà thử xong, quay lại đã hết hàng. Do vậy, những người này thường "mua mù", nếu về thử không được thì lại thải ra cho khách mua hàng. Loại thứ ba là những người không biết lắp ráp gì nhưng lại thích sưu tầm, thấy thứ gì hay là mua về để đó.
|
Nhiều loại linh kiện nguyên thủy được chế tác cho quân sự, nhưng qua mày mò của giới chơi audio, đã trở thành linh kiện chuyên dùng. Chẳng hạn như đèn 6C33C dùng cho máy bay Mic, đèn GM70 dùng cho xe tăng, nay đã trở thành những sản phẩm cho ampli đèn được phổ biến rộng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Theo giới sưu tầm thì linh kiện quân sự được chế tác theo tiêu chuẩn đặc biệt với ngân sách không giới hạn nên nếu biết sử dụng đúng chỗ, phù hợp, thì không loại linh kiện nào qua mặt được. Có những cục nguồn chạy quá tải, nóng đến nứt vỏ kim loại, xì nhựa đường ra mà vẫn hoạt động bình thường; cắm nhầm điện áp gây đứt dây sơ cấp, ngắt nguồn mà vẫn không sao. Đó là lý do mà những linh kiện này cứ có là bị vét sạch mặc bất chấp sự phản đối kịch liệt của giới kinh doanh linh kiện hàng hiệu (loại dân dụng dành cho audio).
Anh Trần Đại Linh, một chuyên gia thiết kế mạch đèn điện tử ở quận 7 cho biết, "một trong những tiêu chí của hi-end là quý hiếm. Những linh kiện tốt mà ai cũng có thể mua và sở hữu được thì không hiếm. Còn những đồ hiếm do hiện tại không còn sản xuất nữa hoặc sản xuất với số lượng hạn chế nhưng không tốt thì lại không quý. Đồ quý là đồ có linh kiện tốt, có tiền cũng khó mua được".
Người sưu tầm có khi chỉ "máu mê" thiết bị âm thanh chứ không sử dụng. Gần đây anh Linh đã tậu được một cặp đèn khổng lồ 750TH. Cặp đèn này nếu không gặp được anh Linh thì chắc mấy người bán cũng tháo đuôi đèn ra để làm bể cá! Vì cặp đèn này nếu được lắp thành ampli cũng chẳng ai dám sử dụng, nó ngốn điện tương được hai cái máy lạnh và nóng hơn lò nướng. Một tay chơi ở quận 11 thì tự hào kể về lịch sử của những con tụ đã tuyệt chủng, những bộ đèn cổ nhưng còn mới tinh, những bóng đèn không thể tìm thấy trên thị trường. Tối trước khi đi ngủ anh lấy ra ngắm rồi lại cất vào.
Theo Sài Gòn tiếp thị