“Đại gia” nhảy vào thị trường sách số

Chắc hẳn hiện nay, không có ai biết sử dụng Internet mà lại không từng nghe nói đến sách số hay sách điện tử. Thuật ngữ này đã trở nên phổ thông đến mức gần như biến thành một dạng cliché (từ ngữ sáo rỗng).

Rất nhiều người có thể thao thao bất tuyệt với bạn bè về cái hay của sách điện tử mặc dầu chưa chắc họ đã hiểu hết ý nghĩa của từ này. Vậy sách số là gì mà có sức hấp dẫn đến vậy?

 

Sách số là gì?

 

Hiểu theo cách đơn giản nhất, sách số (digital books) hay sách điện tử (e-books) là phiên bản dạng số (hay điện tử) của sách. Nội dung của sách số có thể lấy từ sách giấy hoặc mang tính độc lập tùy thuộc vào người xuất bản. Một số người thường sử dụng thuật ngữ này để chỉ luôn cả thiết bị dùng để đọc sách dạng số (còn gọi là book – reading appliances hay e-book readers).

 

Đồng nhất như vậy là chưa chính xác vì trên thực tế, sách số được thiết kế để đọc trong nhiều môi trường khác nhau (web, PC, thiết bị giải trí cầm tay) chứ không phải chỉ có thiết bị chuyên dùng để đọc sách số. Nếu có giới hạn nào đó (ví dụ: định dạng .PRC chỉ đọc được trên máy loại PDA) thì đó là do người xuất bản sách có chủ ý muốn thu hút một đối tượng độc giả riêng biệt nào đó. Nói cách khác, sách số tồn tại (hay ít nhất là cũng nên như vậy) độc lập với thiết bị dùng để truy xuất và xem chúng.

 

Sức hấp dẫn của sách số

 

Cùng với sự phát triển của Internet, sách số đã nhanh chóng giành được chỗ đứng của mình trong xã hội. Nhiều người (kể cả ở Việt Nam) đã nhanh chóng chuyển qua đọc loại sách này. Thậm chí, một số độc giả còn bắt đầu “rẻ rúng” sách giấy. Giờ đây, sách số có danh sách bán chạy (best seller lists) riêng của mình, và thậm chí có cả 2 giải thưởng trao tặng hằng năm là giải EPPIE (từ năm 2000) và Dream Realm Award (từ năm 2002). Tốc độ phát triển 2 con số mỗi năm của ngành công nghiệp sách số đã khiến các “đại gia” như Amazon, AbeBooks, Google và Microsoft phải lưu tâm và muốn nhảy vào “xí phần”.

 

Sự hấp dẫn của sách số là không thể phủ nhận. Có thể kể ra vài ưu điểm như sau: Tiết kiệm không gian lưu trữ. 500 cuốn sách số có thể chứa gọn trong một CD; có rất nhiều sách số miễn phí trên Internet (nếu không bàn đến chất lượng); cho phép tìm kiếm sách nhanh chóng với từ khóa; thay đổi kích cỡ chữ dễ dàng. Có thể sao lưu và chia sẻ dễ dàng; chi phí phân phối thấp; lỗi chính tả trong sách có thể chỉnh sửa dễ dàng; có thể dùng được với phần mềm chuyển chữ viết thành âm thanh (text-to-speech) nên thích hợp với người khiếm thị. Đọc sách số trông có vẻ sành điệu hơn là sách giấy; giúp bảo vệ môi trường (vì không dùng giấy để in sách).

 

Nhược điểm của sách số

 

Mọi thứ trên thế giới đều có nhược điểm và sách số cũng không phải là ngoại lệ. Sách số có những nhược điểm chính sau:

 

- Đọc lâu dễ gây mỏi mắt.

 

- Thiết bị đọc sách đắt tiền nhưng thời gian dùng pin lại có giới hạn.

 

- Quyền lợi của người mua sách số chưa rõ ràng (đối với sách số có phí).

 

- Số hóa sách dễ dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền.

 

Trong đó, hai nhược điểm cuối cùng là hai lý do chính khiến một số người và tổ chức còn ngần ngại khi đến với sách số.

 

Sách số trong thế kỷ 21

 

Do ưu điểm nhìn chung lấn át khuyết điểm nên trong thế kỷ 21, sách số sẽ vẫn tiếp tục phát triển nhưng với tốc độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào một số điều kiện, chẳng hạn có giải quyết được vấn đề bản quyền hay không. Vấn đề này chủ yếu phải trông chờ vào sự thỏa hiệp của các nhà xuất bản và tác giả với những nhà cung cấp sách số miễn phí. Các nhà xuất bản cũng nên thấy rằng sách số vẫn có thể đóng vai trò hỗ trợ cho việc bán sách giấy, chứ không chỉ là đối thủ cạnh tranh vì trên thực tế, vẫn có nhiều người coi sách số để nắm nội dung rồi mới đi mua sách giấy. Và cho dù có phát triển đến đâu thì sách số cũng không thể “tiêu diệt” sách giấy được.

 

Ngoài ra, đối với sách số có phí, pháp luật nên có những quy định rõ ràng về quyền lợi của người mua nếu thư viện sách số của họ bị mất cắp hoặc hư hỏng, họ có quyền đòi đền bù hay không (nếu còn giữ hóa đơn) và họ có quyền từ chối việc người bán sách thu thập thông tin cá nhân không. Điều này nghe có vẻ lạ tai với người Việt Nam vì hiện nay, chúng ta vẫn đang coi sách số miễn phí là chính nhưng một khi đã gia nhập WTO và đặc biệt là nếu muốn phát triển ngành công nghiệp nội dung số thì nước ta cũng không thể không lưu tâm đến vấn đề này.

 

Theo Thanh Vũ

Người Lao động