Đà Nẵng học xây dựng thành phố thông minh từ các nước Tây, Bắc Âu
(Dân trí) - Các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình tại hội thảo quốc tế "Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng" diễn ra sáng 20/5.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Cũng từ năm 2014, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Kế thừa hạ tầng, nền tảng, kinh nghiệm và kết quả đạt được, năm 2018, thành phố đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh; chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…
Đặc biệt ngày 28/8/2021, Đà Nẵng đã ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" để giải quyết "điểm nghẽn" của thành phố, để mở ra không gian phát triển mới, cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.
"Để triển khai thành phố thông minh thành công, chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính", ông Minh nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng. Hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tế về giao thông thông minh tại Áo, xây dựng đô thị thông minh tại Anh, Hà Lan…; những tham luận về tổng quan xây dựng đô thị thông minh, các chính sách phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.
Ông Hans-Peter Glanzer - Đại sứ Áo tại Việt Nam - cho biết thành phố Vienna khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp với những quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Mục tiêu của thành phố là thúc đẩy việc đi lại mà không sử dụng ô tô.
Và mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là 80% di chuyển "xanh", 20% di chuyển bằng ô tô cá nhân và ít nhất 10% di chuyển bằng ô tô điện. Tiến tới việc chuyển đổi sang đi lại bằng xe điện, đặc biệt là trong dịch vụ hậu cần và vận chuyển.
Ông Daniel Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TPHCM - cho biết tại Hà Lan, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững. Đó là việc nâng cao khả năng sống, tính bền vững và tính toàn diện của thành phố.
Thành phố thông minh là một hành trình liên tục, không phải là điểm đến cuối cùng. Các thành phố thay đổi với tốc độ chóng mặt, thật khó để dự đoán người dân sẽ cần và ước gì trong 30 năm tới.
Theo ông Daniel Coenraad Stork, giống như Đà Nẵng, du lịch rất quan trọng đối với Hà Lan. Xem xét đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, Hà Lan đặt mục tiêu phát triển Hà Lan thành một điểm đến đáng sống, phổ biến và có giá trị trong tương lai.
"Chúng tôi đã tạo ra một tầm nhìn dài hạn cùng với lĩnh vực này. Với tầm nhìn này, chúng tôi truyền cảm hứng, kết nối và tạo điều kiện cho các thành phố, khu vực, chủ sở hữu doanh nghiệp và các bên liên quan khác", ông Daniel Coenraad Stork nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan chủ động nghiên cứu các mô hình, tiêu chuẩn, giải pháp đã chia sẻ tại hội thảo để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh; đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại thành phố và tiếp cận xu hướng, tiêu chuẩn của thế giới.
Ông Minh cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh.