Đà Nẵng chuyển giao mô hình chính quyền điện tử cho 17 địa phương

(Dân trí) - Chiều 24/7, Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng tổ chức hội nghị tập huấn và ký kết biên bản hợp tác chuyển giao mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng đến các 17 Sở Thông tin – Truyền thông trên cả nước.

Theo đó, 17 Sở Thông tin – Truyền thông trên gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Quảng Nam…

Tại buổi lễ, Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng đã chuyển giao cho 17 Sở Thông tin – Truyền thông địa phương bạn tài liệu kiến trúc tổng thể chính quyền điện tử TP Đà Nẵng, tài liệu mô tả hạ tầng CNTT, tài liệu mô tả nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử TP Đà Nẵng, đĩa CD chứa mã nguồn Danang eGov Platform và các ứng dụng vận hành trên nền tảng này, kèm tài liệu hướng dẫn sử dụng và cài đặt hệ thống.

Lễ ký kết chuyển giao mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng cho 17 địa phương (Ảnh: Khánh Hồng)

Lễ ký kết chuyển giao mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng cho 17 địa phương (Ảnh: Khánh Hồng)

Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng: Đây là sản phẩm mà TP Đà Nẵng cùng với các đối tác đã tìm tòi và xây dựng trong gần 7 năm qua.

“Để triển khai thành công nền tảng chính quyền điện tử TP Đà Nẵng tại các địa phương, trước hết là cần sự dấn thân của lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông; sự quan tâm và lãnh đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương; sự phối hợp của các sở, ban, ngành; sự đầu tư tài chính phù hợp và có đội ngũ cán bộ CNTT đủ sức tiếp nhận và hệ hành hệ thống”, ông Sơn chia sẻ.

Mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng với thành phần cơ bản là nền tảng ứng dụng DNG eGov Platform nhằm tạo ra một hệ thống ứng dụng chính quyền điện tử toàn diện, thống nhất, thích hợp cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp. Phát triển từ khung egovframe của Hàn Quốc (đã áp dụng trong khoảng 433 dự án chính phủ điện tử trên thế giới, được chuyển giao miễn phí cho TP Đà Nẵng thông qua Cơ quan xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc). Mô hình chính quyền điện tử TP Đà Nẵng được thể hiện dưới nhiều góc độ: thiết kế tổng kế, mô hình nghiệp vụ, mô hình dịch vụ trực tuyến, trục tích hợp dữ liệu…

Việc áp dụng mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng cho phép phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến mức độ cao với chi phí thấp. Theo số liệu báo cáo của Đà Nẵng, từ năm 2013 – 2014 đã triển khai thêm khoảng 400 dịch vụ công nhận trực tuyến mức độ 3,4 với chi phí phát triển bình quân giảm 50% tính trên một dịch vụ.

Góp phần trong việc hiện đại hóa nền tảng hành chính công: Năm 2014, Đà Nẵng xếp thứ nhất về chỉ số sẵn sàng và phát triển ứng dụng CNTT ICT Index của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước, tỷ lệ đơn vị đạt mức tốt tăng từ 5,3% lên 23,7%, mức yếu giảm từ 57,8% xuống 26,3%.

Mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng đã được quốc tế công nhận thông qua các giải thưởng: eAsia Award 2013 và WeGo 2014 về thu hẹp khoảng cách số, 2011 FutureGov về phát triển chính quyền điện tử.

Khánh Hồng


Ashley Madison là mạng xã hội gây tranh cãi và chịu nhiều sự chỉ trích nhất hiện nay