1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Sắp có thêm DN truyền hình trả tiền để phá độc quyền

Trước lo ngại của dư luận thời gian gần đây về vị thế độc quyền của VTV trên thị trường truyền hình trả tiền (THTT), Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết sẽ sớm tiến hành rà soát tất cả các đơn xin cấp phép mạng mới để tránh tình trạng thâu tóm thị trường.

Sắp có thêm DN truyền hình trả tiền để phá độc quyền


Phát biểu tại Hội nghị Giao ban Quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT sáng 8/3, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thừa nhận, việc VTV đang nắm trong tay tới 3 công ty con là VCTV, SCTV và K+ tại thời điểm này đúng là có nguy cơ dẫn tới độc quyền. Bởi suy cho cùng, cả 3 công ty con này đều trực thuộc VTV, tức là "gà cùng một mẹ" nên không thể coi là có sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

 

Nguy cơ độc quyền!

 

Theo ước tính sơ bộ, VCTV hiện đang nắm hơn 1 triệu thuê bao, SCTV nắm 1,5 triệu thuê bao còn K+ có trong tay hơn 400.000 thuê bao. Tức là sơ sơ, VTV đã kiểm soát hơn 3 triệu thuê bao trên tổng số khoảng 4,5 triệu thuê bao THTT của cả nước, tức là hơn 70% thị phần. Cũng trong 3 năm qua, VCTV và SCTV đã nhiều lần tăng cước thuê bao, từ 44.000 đồng/tháng lên 110.000 đồng/tháng hiện nay. Cũng có nghĩa là giá cước đã tăng gấp gần 3 lần.

 

Với quy mô thị trường THTT tại Việt Nam còn nhỏ, nhiều tiềm năng, nhiều DN viễn thông, hạ tầng đã tỏ ý muốn gia nhập thị trường này như Viettel và FPT. Tuy nhiên, trong khi không gặp bất cứ khó khăn nào về mặt công nghệ, hạ tầng vì các DN này chỉ cần tận dụng mạng lưới hiện có để triển khai cung cấp dịch vụ, thì họ lại vướng phải vấn đề giấy phép kinh doanh.

 

Nguyên nhân là vì trước đó, VCTV, SCTV cùng với Hiệp hội THTT đã kiến nghị với các Bộ, ngành chức năng không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp, với lý do các DN bên ngoài không được sản xuất nội dung truyền hình. Tuy nhiên, đại diện của Viettel, FPT đã có những phản ứng khá gay gắt trước quan điểm này. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, VTV không thể cố tình đồng nhất nội dung truyền hình với hạ tầng công nghệ để cung cấp dịch vụ truyền hình. Trên thực tế, với sự phát triển chóng mặt của Công nghệ hiện nay, các hãng công nghệ có đầy đủ điều kiện để nắm bắt các công nghệ truyền hình mới để cung cấp cho người dùng với mức giá tối ưu nhất. Ngược lại, các đài truyền hình chỉ mạnh về làm nội dung chứ không thể cập nhật xu hướng công nghệ nhanh bằng các hãng hạ tầng, viễn thông.

 

“Sẽ ưu tiên DN đủ nguồn lực”

 

"Truyền hình hiện nay là phải dính tới đám mây, tới IPv6, tới Internet. Không cho các hãng viễn thông, công nghệ khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền là lãng phí tài nguyên, nguồn lực một cách đáng tiếc", ông Bình chia sẻ trong một sự kiện của ICT Press Club hồi cuối tháng 12/2012.

 

Cũng có quan điểm tương tự như ông Bình, trong lễ Tổng kết Hoạt động 2012 của Bộ TT&TT, đại diện Viettel đã kiến nghị Bộ TT&TT cần sớm xem xét cho các doanh nghiệp viễn thông như Viettel được nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền.

 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đồng tình rằng hiện tại, các văn bản quản lý của Bộ TT&TT đã tách bạch được rõ giữa nội dung THTT với hạ tầng mạng THTT, và kiến nghị từ phía các DN viễn thông, hạ tầng là xác đáng. "Nếu VTV tranh thủ thời gian này để thôn tính thêm các DN nhỏ hơn thì sớm muộn cũng độc quyền", Thứ trưởng lo ngại. Chính vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các Cục Viễn thông, Cục Phát thanh - Truyền hình phải tiến hành rà soát ngay tất cả các đơn xin cấp phép mới của DN, nhất là những DN lớn, nhiều nguồn lực, đang sở hữu nền tảng khách hàng  trên 100.000 thuê bao.

 

Quan điểm của Bộ, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, là ưu tiên những nhà mạng, những DN đã đầu tư hạ tầng rồi. "DN nào có khả năng, có nguồn lực tài chính lớn thì nên cấp phép để tránh tình trạng không cạnh tranh được hoặc bán giấy phép lại cho người khác". Nguyên tắc cơ bản là thị trường THTT cũng giống như thị trường Viễn thông: không thể cùng một lúc, một tập đoàn lớn lại nắm cổ phần sở hữu ở nhiều doanh nghiệp khác nhau. "Nắm thị phần tới gần 80% rồi 3-4 lần tăng giá cước như thời gian qua là không được", Bộ trưởng kết luận.

 

Theo Trọng Cầm

VietNamNet