Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập, nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
(Dân trí) - Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.
Sáng nay (19/7) tại Hà Nội, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Cục và đón nhận huân chương lao động hạng Nhì. Tham dự buổi lễ là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng các đại diện từ Bộ, Ban, Ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục góp phần khơi dậy khát vọng dân tộc. Đó là khát vọng phát triển đất nước sánh vai cường quốc năm châu, Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. "Đây là sứ mệnh mới của báo chí cách mạng", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Hùng cũng nêu ra những trọng điểm cần lưu ý. Một trong số đó là vai trò quản lý của Cục Báo chí để tạo ra môi trường thuận lợi cho báo chí phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, vừa ngang tầm thời đại, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn.
"Phát triển sẽ sinh ra những vấn đề mới. Nhưng phát triển thì mới có nguồn lực để xử lý vấn đề mới. Ngoài ra, phát triển mới không bị tụt hậu, không bị thôn tính", Bộ trưởng nêu rõ. "Phát triển là mục tiêu, ổn định là tiền đề, đổi mới là động lực phát triển, hướng tới đáp ứng yêu cầu mới của đất nước".
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục báo chí Lưu Đình Phúc cho rằng sự ra đời của Cục từ 20 năm trước đã đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn Hóa - Thông tin (VH-TT) thời kỳ này.
Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện. Cùng với đó, phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng, mang theo nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cục trưởng Lưu Đình Phúc nhắc lại tư tưởng, chỉ đạo của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, rằng: "Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao".
Trên tinh thần này, truyền thống, văn hóa của Cục Báo chí đã bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước, từ đó mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng. Tất cả đều giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và trong cuộc sống. Từ đó có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của "người gác cổng thông tin".
Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28/8/1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Cùng với đó, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng "thu thập và truyền bá các tin tức trong nước", đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí.
Trong 62 năm qua, từ năm 1945 (thời điểm thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền), đến năm 2007 (thời điểm thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông), đã có 16 lần cơ quan tiền thân của Cục báo chí bị nhập, tách, đổi tên Bộ.
Ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí. Đến ngày 27/7/2007, Cục Báo chí lúc này chính thức trực thuộc Bộ TT&TT.
Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.
Từ đó, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Công tác xây dựng chính sách, pháp luật được đặc biệt quan tâm, tạo nền móng hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của báo chí qua các thời kỳ.