Cư dân mạng hoang mang vì nạn trộm cắp nick YM

"Cái nick của mình dùng mấy năm trời, có cả đối tác, bạn bè, anh chị ở cơ quan. Chỉ sợ chúng nó lấy rồi chat nhăng cuội, mất dạy cái gì trong đó thì chết", một nạn nhân mới bị mất tài khoản Yahoo phân trần.

Mánh tung hỏa mù của "nick tặc" khiến nhiều người tưởng đang nói chuyện với người thân của mình.

 

Theo lời kể của nạn nhân của trò trộm cắp nick chat, hầu hết đều bị lừa theo theo 1 kiểu: 1 người thân đang trò chuyện thân mật trên mạng bỗng muốn mượn hòm thư Yahoo để gửi gấp một bức thư nào đó với lý do kiểu "hòm thư của tao lâu không dùng, bị lỗi rồi".

 

Vì lời đề nghị xuất phát từ nick của người rất thân như bạn bè lâu năm, người thân gia đình, người yêu, v.v... nên nạn nhân thường đồng ý đưa ngay tài khoản (username) và mật khẩu ngay.

 

Vì Yahoo sử dụng 1 tài khoản chung cho tất cả các dịch vụ của mình như chat, email, gửi hình ảnh, ... nên kẻ thủ ác có thể đổi mật khẩu và "đá" người chủ thật trên Yahoo Messenger ra ngoài. Tài khoản mới chiếm đoạt lại được sử dụng để lừa đảo tiếp. (Theo cơ chế hoạt động của YM, mỗi tài khoản (username) khi đăng nhập (login) trên 1 máy tính thì YM sẽ tự động thoát (logout) tài khoản đó trên những máy tính hoặc thiết bị khác). Những thông tin riêng tư trao đổi qua email cũng bị "nick YM tặc" dòm ngó.

 

“Mình hoàn toàn ko nghi ngờ gì, thì người tự xưng nick đó hỏi mượn nick của mình đúng với chiêu bài trên kia, mình đồng ý, vì nghĩ rằng chẳng có gì quá to tát. Sau đó mình out ra và đi ăn trưa, đầu giờ chiều bắt đầu giờ làm việc, mình vào nick mình mãi ko được. Nghĩ mạng công ty bị out, đi thử các máy khác cũng ko vào được. Linh tính mình đã bị lừa, mình gọi điện cho chị Thuỷ thì nhận được câu trả lời xin lỗi, và cũng là nạn nhân của trò trên”, một thành viên có nick nowwhat trên diễn đàn TTVN Online chia sẻ.

 

Thủ đoạn của dân “đạo nick” khiến thật giả lẫn lộn. Người dùng thường khi không vào được nick chat của mình mới gọi điện cho người chủ nick vừa hỏi mượn email. Nhưng kết quả cũng nhận được câu trả lời “cậu cũng bị lừa như tớ, tớ cũng vừa bị ăn cắp nick mà chưa lấy lại được” mà không biết thật giả thế nào. Bản thân người chủ của nick YM đã lừa nowwhat cũng là một nạn nhân. Chị bị đối tác hiểu nhầm là thủ phạm, bị xỉ vả nặng nề vì “chả hiểu đánh cắp nick Yahoo để làm gì”.

 

Tâm lý hầu hết người bị lừa lấy nick chat đều rất âu lo. Việc trao đổi thông tin bằng tin nhắn trên mạng đã trở nên phổ biến và trở thành công cụ làm việc của nhiều người. Một số công ty yêu cầu nhân viên lập nick Yahoo theo mẫu và sử dụng như công cụ kinh doanh và hỗ trợ khách hàng.

 

Có những tài khoản đã sử dụng nhiều năm, phục vụ cho cả công việc lẫn giao tiếp bạn bè. Đơn cử trường hợp bạn nowwhat ở trên đã sử dụng nick Yahoo của mình từ khi ra trường, đi làm và đến nay đã được 6 năm. Cũng vì thế mà khi bị đánh cắp nick chat, bạn đã phải thức đến 3 giờ đêm để lập một tài khoản mới, gọi điện thanh minh và cảnh báo cho mọi người.

 

Thanh Loan, một phóng viên tại Hà Nội, trở thành nạn nhân của trò tinh quái này khi nhận được đề nghị mượn email “để gửi thư gấp” từ cô bạn thân hồi đại học. Vì nick chat này được dùng thường xuyên để trao đổi công việc nên ngay trong buổi chiều hôm đó Loan đã phải tất tả nhờ bạn bè biết về công nghệ để khôi phục lại mật khẩu tài khoản của mình.

 

Thống kê cho thấy hầu hết nạn nhân đều là những người có hiểu biết không nhiều về tin học, hầu hết chỉ giới hạn trong những kỹ năng sử dụng máy tính văn phòng. Một số thậm chí nhờ bạn lập nick chat hộ, hoàn toàn không biết những thông tin khai trong bản đăng ký. Đó cũng là lý do khiến khi bị đổi mật khẩu, chủ tài khoản không thể khôi phục lại quyền kiểm soát của mình. Mặt khác, mánh “tung hỏa mù” của những kẻ trộm nick khiến nhiều người cả tin sập bẫy bởi lời đề nghị được đưa ra tưởng như từ những người vốn rất thân thuộc với nạn nhân.

 

Hiện tại, cư dân trên mạng vẫn tự cảnh báo cho nhau về trò lừa đảo này. Giải pháp để chống lại nạn “đạo nick” chủ yếu nằm ở sự cảnh giác của người dùng. Mỗi nickname đều thể hiện 1 con người thật trên không gian ảo, việc bảo vệ tài khoản cũng giống như bảo vệ những giấy tờ cá nhân khác như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân,... và không nên chia sẻ bừa bãi.

 

Nếu thực sự cần thiết, người cho mật khẩu YM nên xác minh đúng người bằng các phương tiện khác như gọi điện thoại. Ngoài ra, việc ghi nhớ thông tin cá nhân đã khai báo, điều khoản sử dụng, quy trình khôi phục mật khẩu cũng là những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình khi cần thiết.

 

Theo Hưng Hải

VietNamNet