1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

“Cú bắt tay” lịch sử giữa Apple, Samsung nói lên điều gì

(Dân trí) - Cả thế giới này ai cũng rõ Apple và Samsung “thù hằn”, ghét như “hất nước đổ đi” và “cạnh khoé” nhau không biết mệt mỏi như thế nào. Nhưng 2 gã khổng lồ này đang có “cú bắt tay” chưa từng thấy.

Kể từ khi CEO quá cố Steve Jobs ra mắt iPhone đầu tiên vào năm 2007, và tiếp sau đó là hàng loạt dịch vụ và sản phẩm ăn theo iPhone đã giúp Apple thành công qua từng năm tháng, trở thành một trong những công ty đắt giá nhất hành tinh.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, Apple nổi tiếng luôn “kín cổng cao tường”, không cần giao lưu với bất kỳ ai, hay nói chính xác là không “mở” cho bất kỳ đối tác nào, nói gì đến Samsung - đối thủ không đội trời chung. Các dịch vụ của Apple chỉ được sử dụng và hỗ trợ trên chính các sản phẩm của Apple. Có thể hiểu, “Quả táo” không có ý định và không muốn “bắt tay” với bất kỳ đối tác nào để nhằm mở rộng, tăng đối tượng người dùng. Người ta gọi là “chơi ngông”, không cần sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như thay đổi. Doanh số iPhone ngày càng giảm vì thiếu sự sáng tạo về thiết kế và tính năng chậm đổi mới. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, Apple luôn trong tình trạng “chạy theo” các đối thủ để “sao chép” các tính năng đã trở nên phổ biến trên hệ điều hành Android. Dù iPhone vẫn có một lượng người dùng trung thành rất lớn nhưng chắc hẳn số người dùng này cũng không ít lần ngậm ngùi vì phải chờ đợi một tính năng tưởng như đơn giản nhưng lại không được trang bị trên iPhone.

Quan điểm "đóng kín cửa" của Apple cũng đã dần thay đổi khi hãng đã đưa tay ra để nắm lấy các hợp đồng hợp tác từ các hãng bên ngoài, như đưa Apple Music lên loa thông minh Amazon Echo, hay tích hợp iTunes và hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, "cú bắt tay" với Samsung mới là điều chưa ai từng nghĩ đến vì 2 hãng này thường xuyên đối đầu và không ít lần kéo nhau ra toà để giải quyết "ân oán".

“Cú bắt tay” lịch sử giữa Apple, Samsung nói lên điều gì - 1

Apple đã phải bắt tay với đối thủ để mở ra hướng đi mới cho mình.

Đầu năm nay, tại Triển lãm CES lớn nhất thế giới, Samsung đã tuyên bố sẽ tích hợp dịch vụ Apple Music lên sản phẩm Smart TV của mình. Đây là một điều kỳ lạ và không ai nghĩ sẽ có thể xảy ra trong bối cảnh Apple và Samsung luôn “đối đầu” nhau trong tất cả các lĩnh vực. Những người có mặt trong khán phòng của buổi họp báo hôm đó đều giật mình và có chút hoài nghi liệu thông tin này có đúng không, Apple sao chịu hợp tác với Samsung được? Và sau chút bối rối, bất ngờ, cả khán phòng tràn ngập tiếng vỗ tay như để chào mừng cho 1 kỷ nguyên mới, giữa những đối thủ “không đội trời chung”.

Sau gần 4 tháng công bố về “cú bắt tay lịch sử”, Samsung cho biết, kể từ hôm nay, ứng dụng Apple Music có mặt trên các mẫu Samsung Smart TV phiên bản 2018 đến 2020 cho tất cả người dùng tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Hãng này cho biết, người dùng ứng dụng Apple Music có thể nghe hơn 60 triệu bài hát, xem video âm nhạc chất lượng và khám phá hàng ngàn danh sách bài hát (playlist).

Nói về việc hợp tác với Apple, ông Salek Brodsky, Phó Tổng Giám đốc mảng Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược và Phát Triển Kinh Doanh của Samsung, cho biết: “Chúng tôi là nhà sản xuất TV đầu tiên cung cấp ứng dụng Apple TV, và nay chúng tôi sẽ là thương hiệu đầu tiên mang đến dịch vụ Apple Music trên Smart TV. Quan hệ đối tác của chúng tôi với tập đoàn Apple giúp mang đến cho người dùng nhiều tùy chọn giải trí đa dạng, nhất là khi họ muốn có thêm nhiều nội dung trên dòng Smart TV”.

Về thương vụ mà ông cho rằng rất khó tin này, Gene Munster, là một nhà phân tích theo dõi Apple nhiều năm đánh giá: “Đây là một dấu hiệu cho thấy Apple đang sẵn sàng thay đổi chiến lược phần cứng là trên hết (hardware-first), và hợp tác với các bên thứ 3 để tăng doanh thu phần dịch vụ”.

Nhiều quý liên tiếp, các nhà phân tích đều cho rằng doanh thu iPhone đã thấp hơn so với dự đoán. Chính vì vậy, mảng dịch vụ được xem là “mỏ vàng” mà hãng này cần phải khai thác.

“Với dịch vụ là một phần quan trọng trong bánh xe quay của Apple, và là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng, CEO Tim Cook và Apple cần phải nhân đôi việc phát triển nội dung và tìm kiếm đối tác phân phối”, Dan Ives, một nhà phân tích của công ty Wedbush Securities, nhận định.

“Thương vụ này cho thấy Apple không còn coi Samsung là đối thủ như vẫn từng”, Michael Gartenberg, cựu giám đốc marketing của Apple nói. “Có nhiều điều cả Apple và Samsung đều nên lo lắng. Hãy coi kẻ thù của kẻ thù là bạn”.

Apple được cho là đang tìm cách để tăng lượng người dùng để cạnh tranh với đối thủ Spotify. Đây cũng là điều giúp hãng này “đối đầu” với Netflix and Amazon Prime vốn đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Apple buộc phải có những cái bắt tay chưa từng có để đạt được độ phủ tốt nhất cho sản phẩm của mình.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, thương vụ này là một tín hiệu cho thấy Apple sẽ không có kế hoạch ra mắt TV như các tin đồn từ nhiều năm nay.

Minh Anh