Công nhân nhà máy Apple "kêu trời" vì cơm có giòi, nhà vệ sinh mất nước

T.Thủy

(Dân trí) - Các công nhân tại một nhà máy lắp ráp iPhone ở Ấn Độ cho biết, bữa cơm có giòi hay nhà vệ sinh không có nước… là những vấn đề mà họ đang đối mặt và phải chấp nhận để được làm việc tại đây.

Một nhà máy sản xuất iPhone với khoảng 17.000 công nhân của Foxconn, đối tác lắp ráp sản phẩm lớn nhất của Apple, đặt tại thị xã Sriperumbudur (bang Tamil Nadu, Ấn Độ) đã phải đóng cửa vào tuần trước, sau một cuộc biểu tình của các công nhân làm việc tại đây vì điều kiện làm việc và sinh hoạt không được đáp ứng đủ.

Nhà máy lắp ráp iPhone của Apple, nơi xảy ra vụ ngộ độc tập thể dẫn tới biểu tình bạo loạn (Ảnh: Sudarshan Varadhan).

Nhà máy lắp ráp iPhone của Apple, nơi xảy ra vụ ngộ độc tập thể dẫn tới biểu tình bạo loạn (Ảnh: Sudarshan Varadhan).

Vụ biểu tình diễn ra sau khi 250 nữ công nhân làm việc tại nhà máy bị ngộ độc tập thể sau bữa ăn tại nhà máy. Nhiều công nhân đã bị cảnh sát bắt giữ vì có hành động quá khích và bạo lực; tuy nhiên, phần lớn những người này đã được trả tự do.

Mới đây, Apple đã cử một đoàn kiểm tra đến nhà máy. Sau khi kiểm tra điều kiện sống và sinh hoạt của các công nhân, đoàn xác định nhà máy này không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường làm việc và sinh hoạt dành cho công nhân. Apple đã cảnh báo, yêu cầu Foxconn phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Apple về môi trường làm việc mới được phép mở cửa nhà máy trở lại.

Tuy nhiên, dường như mức độ còn nghiêm trọng hơn so với những gì mà đoàn kiểm tra của Apple ghi nhận.

Hãng tin Reuters đã phỏng vấn các nữ công nhân đang làm việc tại nhà máy này, những người đều yêu cầu giấu tên vì sợ ảnh hưởng đến công việc của mình. Họ cho biết, các công nhân phải ở chung trong những căn phòng có từ 6 đến 30 người, trong đó nhiều người phải ngủ trên sàn. Thậm chí, nhà vệ sinh chung trong khu sinh hoạt không có nước hay những bữa ăn trong nhà máy có giòi đã trở nên phổ biến và đây có thể là nguyên do dẫn đến vụ ngộ độc tập thể mới xảy ra gần đây.

"Những người sống trong ký túc xá luôn bị bệnh, không bệnh này thì bệnh khác, từ dị ứng, da liễu đến ngộ độc thực phẩm", một nữ công nhân giấu tên cho biết. "Những vụ ngộ độc trước đây chỉ xảy ra với số lượng nhỏ nên chúng tôi không làm lớn chuyện vì nghĩ rằng nó sẽ được khắc phục. Nhưng giờ đây, nó đã ảnh hưởng đến rất nhiều người".

Luật quản lý nhà ở cho người lao động tại bang Tamil Nadu, nơi đặt nhà máy của Foxconn, quy định mỗi công nhân phải được cung cấp không gian sống ít nhất 11 mét vuông và khu sinh hoạt phải tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn cháy nổ do địa phương quy định. Nhưng dường như nhà máy của Foxconn đã không đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Nhà máy của Foxconn tại Sriperumbudur chủ yếu là công nhân nữ, ở độ tuổi từ 18 đến 22, phần lớn đến từ vùng nông thôn của bang Tamil Nadu. Những công nhân làm việc tại nhà máy sẽ nhận được mức lương khoảng 140 USD/tháng (10.500 rupee Ấn Độ), nhưng phải trả cho Foxconn tiền nhà và tiền ăn.

Dù có môi trường làm việc và sinh hoạt không đảm bảo, các công nhân tại nhà máy này vẫn quyết tâm bám trụ công việc vì mức thu nhập tại nhà máy này vẫn ở mức khá và cao hơn đáng kể so với thu nhập từ các công việc khác trong khu vực.

Sau khi bị Apple và chính quyền bang Tamil Nadu cảnh báo về môi trường làm việc và sinh hoạt cho công nhân, Foxconn cho biết sẽ tái cơ cấu đội ngũ lãnh đạo tại nhà máy để cải thiện và đảm bảo các tiêu chuẩn sinh hoạt cho công nhân làm việc tại đây.

Hiện Apple và Foxconn chưa cho biết thời điểm nhà máy được mở cửa trở lại.

Apple đang dần chuyển dây chuyền sản xuất các sản phẩm của hãng từ Trung Quốc sang Ấn Độ để tận dụng nhân công giá rẻ tại quốc gia này, cũng như tránh bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ nhưng không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường làm việc trong nhà máy đã gây ra không ít bất ổn.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bạo loạn tại nhà máy lắp ráp iPhone đặt ở Ấn Độ. Cuối năm ngoái, công nhân làm việc tại nhà máy của hãng công nghệ Đài Loan Wistron, đặt tại khu công nghiệp Narsapura (bang Karnataka, Ấn Độ), đã đập phá nhà máy vì bị nợ lương trong một thời gian dài. Đây là nhà máy lắp ráp iPhone SE cho thị trường Ấn Độ.

Theo Reuters