Công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chiến dịch cứu trợ tại Nepal?

(Dân trí) - Nhiều công nghệ mới đã được áp dụng trong chiến dịch cứu hộ tại Nepal giúp cứu được nhiều người sống sót sau thảm họa. Bên cạnh đó, những khoản tiền lớn cũng đã được quyên góp thông qua những chiến dịch huy động trên mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến.

Thực tế đã chỉ ra rằng công nghệ đã góp phần không nhỏ vào chiến dịch cứu hộ sau trận động đất kinh hoàng diễn ra ngày 25/4 vừa qua tại Nepal. 

Với nhiều người, sự giúp đỡ đối với nạn nhân Nepal được thể hiện thông qua sự chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, kêu gọi các chiến dịch quyên góp để ủng hộ cho nạn nhân Nepal trên các mạng xã hội... Trong khi đó, nhiều công nghệ mới đang được áp dụng cho các chiến dịch giải cứu tại Nepal, như những hình ảnh vệ tinh về tình trạng đổ nát tại Nepal cũng được sử dụng để phân tích về mức độ thiệt hại, cảm biến FINDER với kích cỡ bằng một chiếc vali của NASA được sử dụng để xác định nhịp tim người dưới đống đổ nát, từ đó phát hiện ra các nạn nhân còn sông sót...

“Chúng tôi có thể thấy mọi ngóc ngánh của đất nước Nepal bằng vệ tinh của mình. Chúng tôi có thể bao phủ toàn bộ khu vực, những ngôi làng ở ngoại ô và cả trên đỉnh núi Everest”, Shay Har-Nor, Giám đốc cao cấp của công ty hình ảnh vệ tinh Digital Global, hãng đang sở hữu 4 vệ tinh hình ảnh mặt đất, đang tham gia vào chiến dịch cứu trợ và phân tích thiệt hại tại Nepal.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chiến dịch cứu trợ tại Nepal?
Nhiều công nghệ mới đang được áp dụng cho các chiến dịch cứu hộ tại Nepal. Trong hình là thiết bị với tên gọi FINDER của NASA, giúp xác định nhịp tim bên dưới đống đổ nát để phát hiện nạn nhân còn sống sót.

Sau khi trận động đất xảy ra, Digital Global đã đưa các hình ảnh chụp vệ tinh của mình đến các cơ quan chức năng tại Nepal và các hãng công nghệ lớn khác để giúp các hình ảnh vệ tinh này trở thành một công cụ mạnh nẽ hơn, giúp người dùng có thể xác định được các tuyến đường bị hư hại, những tòa nhà bị tàn phá hoặc vị trí tập trung của những người sống sót...

Hơn 40.000 người, bao gồm cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tại Nepal, đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh do Digital Global chia sẻ để nắm bắt các thông tin cần thiết về tình hình thiệt hại tại quốc gia này.

Việc sử dụng các máy bay không người lái để phục vụ công tác cứu hộ tại Nepal cũng trở nên rất phổ biến.

Team Rubicon, một tổ chức cứu trợ phi lợi nhuận cũng đã gửi các tình nguyện viên đến khu vực bị tàn phá của Nepal. Nhóm cứu trợ này đã sử dụng các máy bay không người lại để chụp lại hình ảnh những khu vực bị tàn phá khó tiếp cận để xác định các phương án cứu hộ.

Công ty Aeryon Labs (Canada) cũng đã mang 3 hệ thống máy bay không người lái đến Nepal, mang theo máy ảnh nhiệt để xác định người còn sống sót từ trên cao, đồng thời được trang bị ống kính độ phân giải cao cho phép xác định gương mặt các nạn nhân từ độ cao hơn 300m. Những ống kính này còn cho phép tạo ra bản đồ 2D và 3D các khu vực bị tàn phá.

Bên cạnh đó, máy bay không người lái cũng được sử dụng để tiếp ứng thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhu yếu phẩm cho những khu vực ở xa mà giao thông bị chia cắt do hư hại về đường sá.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong chiến dịch cứu trợ tại Nepal?
Máy bay không người lái điều khiển từ xa được sử dụng phổ biến tại Nepal để chụp ảnh trên cao những khu vực bị thiệt hại, đặc biệt những khu vực khó tiếp cận

Những cảm biến mặt đất cũng được sử dụng cho các chiến dịch cứu hộ. Hôm 5/5 vừa qua, 4 người đàn ông Nepal đã được cứu sống sau khi bị chôn vùi 3 mét dưới đống đổ nát nhờ vào sử dụng thiết bị FINDER (Finding Individuals for Disaster and Emergency Response - Tìm kiếm người trong thảm họa và ứng phó khẩn cấp) do NASA thiết kế. FINDER lần đầu tiên được áp dụng trong chiến dịch giải cứu trận động đất ở Haiti năm 2010, sử dụng công nghệ vi sóng radar để phát hiện nhịp tim của nạn nhân bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát. Ngay sau trận động đất ngày 25/4, chính phủ Mỹ đã gửi 2 thiết bị FINDER đến để hỗ trợ các đội cứu nạn tại Nepal.

Hai “gã khổng lồ công nghệ” là Facebook và Google cũng đã nhanh chóng có những phản ứng để giúp đỡ các nạn nhân sau khi trận động đất kinh hoàng tại Nepal diễn ra.

Trong đó, Facebook đã cho ra mắt tính năng đặc biệt với tên gọi “Facebook Safety Check”. Dựa vào thông tin địa lý của người dùng trên Facebook, nếu những người đang sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi vụ động đất, Facebook sẽ đưa ra câu hỏi về tình trạng của người dùng. Khi nhận được thông báo của Facebook, người dùng có thể xác nhận rằng họ “Tôi đang an toàn” hoặc “Tôi không ở trong khu vực bị ảnh hưởng” như một cách để gửi thông điệp đến bạn bè và người thân của mình trên Facebook để làm trấn an những người thân của mình.

Về phía mình, Google cũng đã mở cửa trang web “Person Finder” để mọi người có thể tìm kiếm thông tin các nạn nhân của thảm họa động đất, hoặc cung cấp thông tin về các nạn nhân. Công cụ này sẽ giúp người dùng có thể tìm kiếm dễ dàng hơn thông tin các nạn nhân để  họ biết được tình trạng của người thân hay bạn bè của mình. Người dùng có thể tìm kiếm tung tích của một người bằng bất kỳ thông tin nào mà họ biệt, như họ tên, giới tính, tuổi, địa chỉ nhà hay thậm chí sử dụng hình ảnh hoặc sử dụng địa chỉ mạng xã hội của người đó để tìm kiếm tung tích hoặc cũng có thể chia sẻ thông tin của mình để nhận được các thông báo nếu một người khác chia sẻ các thông tin có liên quan đến người mà bạn đang tìm kiếm.

Viber, ứng dụng gọi điện miễn phí qua Internet, cũng đã mở cửa dịch vụ Viber Out (dịch vụ gọi điện có thu phí đến mọi số điện thoại bất kỳ, kể cả điện thoại cố định) để cho phép người dùng sử dụng dịch vụ này gọi điện miễn phí đến Nepal, như một cách để liên hệ với người thân đang sống tại đât.

Nhiều chiến dịch quyên góp, gây quỹ được tiến hành trên các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến cũng đã huy được được hàng triệu USD để ủng hộ cho các nạn nhân tại Nepal.

Cần phải thừa nhận rằng với sự phát triển của công nghệ không chỉ giúp con người thuận tiện hơn trong cuộc sống của mình mà giờ đây công nghệ còn đóng những vai trò lớn và vô cùng quan trọng trong các chiến dịch cứu trợ, cứu nạn khi những thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Phạm Thế Quang Huy