Công nghệ Châu Phi dấn bước vào thị trường Châu Âu

(Dân trí) - Châu Phi là khu vực có một thời gian dài sử dụng công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, một mạng lưới chuyển tiền xuất phát từ Kenya lại đang được áp dụng tại châu Âu và hứa hẹn sẽ tăng trưởng một cách mạnh mẽ.

Dùng ứng dụng điện thoại trả hóa đơn
 
M-Pesa hay "mobile money" trong ngôn ngữ tiếng Swahili phía đông châu Phi đã được Safaricom, công ty viễn thông di động lớn nhất Kenya, đối tác của tập đoàn khổng lồ Vodafone của Anh giới thiệu ở Kenya từ năm 2007. M-Pesa cho phép người dùng có thể nạp tiền điện thoại của mình bằng cách trả bằng tiền mặt tại các điểm đại lý nạp tiền điện thoại di động (mobile-money), và thường tại một trong những điểm mà họ đang thực hiện một giao dịch. Tương tự như vậy, người dùng có thể rút tiền từ tài khoản mobile-money tại các đại lý, hoặc khi xử lý một hóa đơn, gần giống như cách các khách hàng ở Châu Âu có thể nhận được tiền mặt ở một số siêu thị khi họ sử dụng các thẻ tặng tiền mặt của ngân hàng.
 
Các đại lý được thiết kế theo hình thức cửa hàng hoặc ki ốt. Dư nợ tín dụng có thể được gửi vào điện thoại theo dạng tin nhắn văn bản đặc biệt với số phí thấp. Phiên bản gửi tiền tiết kiệm cũng đang được thiết lập, cho phép mọi người có thể được nhận lãi tiền gửi mà không cần truy cập vào các hệ thống ngân hàng thông thường. Ngoài ra, người dùng không cần sử dụng đến hệ thống ngân hàng truyền thống, mà chỉ cần sử dụng ứng dụng có sẵn trên những chiếc điện thoại đơn giản nhất để trả các hóa đơn tiện ích, mua đồ uống trong một quán bar hoặc gửi tiền cho gia đình và bạn bè.
 
Công nghệ Châu phi dấn bước vào thị trường Châu Âu
Một khách hàng đang gửi tiền qua dịch vụ chuyển tiền bằng điện thoại di động có tên là M-Pesa, ở thủ đô Nairobi, Kenya.

Chỉ trong vòng mấy năm qua, dịch vụ M-Pesa đã phát triển theo cấp số nhân với khoảng 40 tỷ USD (30 tỷ EUR) chảy qua dịch vụ này chỉ tính riêng ở Kenya. Tại Kenya, hệ thống này đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày với hơn 18 triệu khách hàng sử dụng, tức là gần 2/3 dân số với hơn 8 triệu giao dịch mỗi ngày.

Dấn bước vào thị trường Châu Âu

Rumani là quốc gia gần nhất Vodafone đang khai thác và cũng là nước châu Âu đầu tiên thực hiện dịch vụ M-Pesa từ tháng 3.2013. Ông Michi Carstoiu - một kỹ sư ở thủ đô Bucharest, Rumani hào hứng cho biết ngay sau khi kích hoạt tài khoản điện thoại di động của mình tại một trong 1000 điểm bán hàng đã được mở: "Quan trọng nhất là tôi đã tiết kiệm được thời gian, thêm vào đó, tôi nghĩ là phí giao dịch thấp hơn”. Dự kiến, số lượng các điểm phân phối M-Pesa tại Rumani sẽ tăng gấp ba vào cuối năm nay. "Mọi người đều có điện thoại di động, và rất đơn giản để gửi, nhận tiền hoặc thanh toán," ông Carstoiu nhấn mạnh lợi ích mà M-Pesa có thể đem lại.

Theo các quan chức chính phủ, Rumani đã được chọn làm bệ phóng cho M-Pesa ở châu Âu vì nhiều người ở đất nước Đông Âu vẫn còn dựa vào tiền mặt. Ông Michael Joseph, người đứng đầu chi nhánh Mobile Money của Vodafone tại thủ đô Nairobi, Kenya phân tích: "Đa số người dân ở Romania có ít nhất một thiết bị di động, nhưng hơn 1/3 dân số nước này không được tiếp cận với ngân hàng thông thường". Được biết, Vodafone đang nhắm đến 7 triệu khách hàng tiềm năng là những người Rumani chỉ chi tiêu bằng tiền mặt và kỳ vọng dịch vụ M-Pesa của mình sẽ đặt mục tiêu đạt 300 nghìn khách hàng vào cuối năm nay. Theo Vodafone, các giao dịch chuyển tiền qua hệ thống này trên toàn thế giới lên tới hơn 1,2 tỷ USD mỗi tháng. Ở Kenya, các giao dịch có thể từ một xu cho tới 1.600 USD, trong khi mỗi giao dịch ở Rumani có thể chuyển tối đa 9.000USD mỗi ngày.

Tuy nhiên phát triển ra ngoài thị trường các nước mới nổi đồng nghĩa với việc phải thích ứng với những thách thức mới. Các nhà điều hành sẽ phải đối mặt với sự khác biệt về môi trường pháp lý và khách hàng là những người đã sử dụng rất nhiều dịch vụ tài chính.

Đối với người Kenya, việc mạng lưới M-Pesa được phát triển ở nước ngoài khiến một số người có cảm giác rất tự hào. "Công nghệ bắt đầu ở Kenya đang được xuất khẩu sang châu Âu. Đó thực sự là một tin tốt lành", ông Rhoda Kibuchim đang điều hành một điểm đại lý của M-Pesa ở Nairobi nhận định. Còn ông Joseph cho rằng: "Từ đông châu Phi đến tận Đông Âu, đây có thể được coi là một hiện tượng. Tôi nghĩ đây cũng là cái để các nước trên thế giới có thể nhìn vào và nói rằng có những ý tưởng bắt nguồn từ các nước đang phát triển và các nước phát triển cũng phải sử dụng những ý tưởng đó".
 
Thu Trang
Theo AFP