Còn quá sớm để “khai tử” 2G

(Dân trí) - So sánh với những lợi thế của 4G, dường như tương lai của 2G sẽ không còn kéo dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn nhất Viettel, Mobifone và VinaPhone đều cho rằng, còn quá sớm để "khai tử" 2G.

Mới đây, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT& TT) đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel, CMC và VTC thử nghiệm 4G công nghệ LTE trong thời gian một năm. Theo báo cáo của Cục Tần số vô tuyến điện, về mặt cơ sở hạ tầng hiện băng tần 200 MHz dùng cho 4G đã tương đối sẵn sàng.

4G được hiểu là chuẩn tương lai của các thiết bị không dây, cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ cao có thể gấp hơn 20 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G, cho phép có những tính năng vượt trội như thoại dựa trên nền IP, truyền số liệu và đa phương tiện với tốc độ cao hơn rất nhiều so với các mạng di động hiện nay.

Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, từ 3G lên 4G là một bước phát triển tiếp theo và  tất yếu của ngành viễn thông thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Nam cũng đưa ra những dẫn chứng cho nhận định Việt Nam đã bước vào thời điểm chín muồi để triển khai 4G như: tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị đi động cao (số người trên 16 tuổi sử dụng smartphone tại Việt Nam tăng hơn 70% với năm 2013 - theo khảo sát của TNS/Google 2014). Các thiết bị đầu cuối kết nối 4G đều được hỗ trợ và sẵn sàng, có giá thành rẻ đi, sự ủng hộ của Chính phủ…

Thu nhập của phần lớn người Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp nên khó tiếp cận thiết bị 4G
Thu nhập của phần lớn người Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp nên khó tiếp cận thiết bị 4G

So sánh với những lợi thế của 4G dường như tương lai của 2G sẽ không còn kéo dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn nhất Viettel, Mobifone và VinaPhone  đều cho rằng, còn quá sớm để "khai tử" 2G, bởi nhu cầu sử dụng 2G vẫn cao ở khu vực Đông Nam Á nói chung và thị trường trong nước nói riêng. Do đó, các nhà mạng  vẫn đang hướng tới các đối tượng khách hàng của cả 2G, 3G trong thời kỳ chuyển tiếp lên 4G.

Đại diện Viettel cho biết, đã triển khai thí điểm trước ở Lào và Campuchia, nhưng tập đoàn này vẫn tiếp tục cân nhắc có triển khai 4G trên diện rộng tại Việt Nam hay không. Bởi theo tính toán của Viettel, điều kiện kinh tế của phần lớn người dân Việt Nam chưa thích hợp để mua thiết bị đầu cuối có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70 USD, đây là rào cản trong việc thu hút số đông người dùng .

Còn theo ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng Ban Viễn Thông, Tập đoàn VNPT, trong lịch sử mạng di động Việt Nam đã đi từ 1G, 2G, 3G như hiện nay khó khăn nhất là chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông thụ động.

Ở góc độ khác, tại một hội thảo bàn về phát triển 4G tại Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, một số ý kiến cho rằng: từ 2G hiện các nhà mạng vẫn loay hoay với việc thúc đẩy nội dung 3G. Cùng đó, thống kê cho thấy phần lớn khách hàng thường chọn gói 3G rẻ. Nếu lại tiếp tục phát triển 4G, sẽ rơi vào tình trạng giống như làm thêm đường cao tốc nhưng xe cộ vắng vẻ.

Về vấn đề này, ông Thiều Phương Nam nhận định, lợi ích mà 4G đem lại cho người sử dụng chính là ở phần ứng dụng. Hiện công nghệ 4G đã sẵn sàng nhưng nội dung phải theo kịp với công nghệ này để đem lại lợi ích cho nhà mạng và người sử dụng. Bởi vậy, muốn phát triển nội dung 4G thì phải có cộng đồng phát triển nội dung 4G.

Tuy nhiên, cộng đồng làm nội dung 4G chỉ phát triển được khi họ thấy được lợi ích của việc đầu tư và chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Vấn đề là phải có sự  phối hợp nhịp nhàng giữa các thành phần khác nhau trong mạng điện thoại di động là rất quan trọng. Theo dự báo của Qualcomm, mức doanh thu của Việt Nam có thể đạt mức trung bình của thế giới.

Trước câu hỏi đặt ra, là làm thế nào để tận dụng 2G và 3G? Chuyên gia cho rằng, phát triển công nghệ mới thì phải có tính tương thích với các công nghệ hiện đang khai thác trên mạng lưới. 

Công nghệ 4G, 2G, hay 3G cũng là giao tiếp với mạng lưới. Trong quá trình triển khai mạng công nghệ mới thì cần sử dụng hiệu quả toàn bộ mạng truyền dẫn cáp quang, hệ thống vệ tinh để kết nối các mạng hạ tầng hiện có thông suốt.

Phạm Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm