Có nên sớm triển khai mạng 4G?
Nhu cầu xem video clip, phim HD… trên di động ngày càng lớn trong khi mạng 3G hiện tại không đủ tốc độ để đáp ứng. Do đó, việc sớm triển khai mạng 4G sẽ đáp ứng tốt hơn cho người sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thời điểm triển khai 4G.
Băng rộng Internet di động bao nhiêu là đủ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng? Đây là câu hỏi được rất nhiều chuyên gia quan tâm tại Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2011.
Về vấn đề này, ông Phạm Anh Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Đông Dương Telecom cho rằng, căn cứ vào số liệu của Cimigo về sử dụng Internet tại Việt Nam (Netcitizens Vietnam) năm 2011, đa số người sử dụng Việt Nam vào mạng để đọc báo hay tìm kiếm thông tin (hơn 90%), trong khi số người xem phim chỉ chiếm khoảng 47%. Còn trên di động, người sử dụng cũng chủ yếu truy cập xem thông tin, chat và tìm kiếm nhu cầu xem phim chỉ ở mức dưới 10%.
“Với bức tranh thị trường Việt Nam như trên, tôi cho rằng tốc độ truy cập khoảng 5MBps là đủ đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng”, ông Chiến khẳng định.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Trung tâm điều hành mạng FPT Telecom lại cho rằng, người sử dụng sẽ có nhu cầu xem video HD rất lớn. Đơn cử như việc clip Uyên Linh ở cuộc thi Việt Nam Idol có đến 2 triệu lượt người xem chỉ trong vòng có 3 ngày hay đám cưới của Hoàng gia Anh làm lưu lượng xem video trên Internet tăng 26% so với ngày bình thường.
Chính vì thế, để đảm bảo cho người sử dụng theo dõi được video clip chuẩn HD thì người sử dụng cần băng thông từ 3 MBps đến 8MBps. Để cung cấp được với tốc độ như vậy, Mobile Broadband cần phải có mức băng thông từ 8-10MBps - điều mà chỉ có mạng 4G mới đáp ứng được.
Dự kiến mạng 4G chuẩn LTE của FPT Telecom có thể cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tốc độ từ 15-20MBps ở dải băng thông 10 Ghz. Độ trễ thử nghiệm đạt khoảng từ 15-20 ms (so với độ trễ 100ms của mạng 3G), điều này rất có lợi đối với một số dịch vụ như voice IP, game online…
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Trưởng ban 4G Tập đoàn VNPT, ngày 10/10/2010, đơn vị này đã bắt đầu thử nghiệm 4G theo chuẩn LTE đầu tiên. Giai đoạn 1 dự án thử nghiệm cung cấp dịch vụ vô tuyến băng rộng công nghệ LTE của VNPT được VDC triển khai với 15 trạm BTS tại Hà Nội, bán kính phủ sóng mỗi trạm khoảng 1km.
Qua quá trình thử nghiệm, mạng LTE của VNPT đạt tốc độ từ 20 Mbps với độ trễ 20-30 ms (nếu bị chắn sóng) và lên đến 60 Mbps, đỗ trễ 10-13 ms khi không bị chắn sóng. VNPT sẽ hoàn thiện dịch vụ và có sự ổn định về mặt tốc độ cung cấp trong thời gian tới khi chính thức triển khai dịch vụ.
Khi được hỏi về việc cung cấp mạng 4G ở thời điểm này có sớm hay không, nhất là trong thời điểm mạng 3G vẫn chưa được sử dụng hiệu quả, ông Liên và ông Tú đều cho rằng: Các doanh nghiệp nên phát triển dịch vụ càng sớm càng tốt vì nếu triển khai muộn người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi do không được hưởng sớm lợi ích từ 4G đem lại.
“Cho dù được cấp phép ngay, các doanh nghiệp cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để triển khai dịch vụ. Với sự thay đổi rất nhanh của công nghệ, tôi tin rằng khi đó công nghệ đã sẵn sàng cho LTE và chi phí cho thiết bị đầu cuối sẽ rẻ hơn rất nhiều”, ông Tú nhấn mạnh.
Tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng, hiện trên thế giới vẫn chưa có nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G và Việt Nam thường có xu hướng đi chậm hơn thế giới khoảng vài năm trong việc áp dụng các công nghệ mới. Hơn thế nữa, các thiết bị đầu cuối 4G đang ở mức giá từ 300 đến hơn 400 USD.
Trong khi đó máy đầu cuối 3G khoảng từ 50 USD trở lên và 2G chỉ còn khoảng từ 10 USD trở lên. Vì vậy, giá thiết bị đầu cuối 4G đang là yếu tố rào cản của công nghệ này. Chính vì thế, phải khoảng 3, 4 năm nữa, dịch vụ 4G mới có thể được các nhà mạng ở Việt Nam thương mại hoá và quá trình thử nghiệm cũng sẽ mất từ 1,2 năm để đánh giá chính xác sự ổn định về công nghệ cũng như nhu cầu của người sử dụng.
Cần có những chính sách, sự điều tiết hợp lý
Đối với xu hướng triển khai 4G, cũng theo ông Liên, các doanh nghiệp nên có các kế hoạch nghiêm túc, lộ trình hợp lý để việc triển khai đem lại hiệu quả cho lợi ích quốc gia, người tiêu dùng cũng như bản thân các nhà cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, bởi vì để phát triển 4G cần phải có những mục tiêu dài hạn và tránh gây ra mâu thuẫn giữa mối quan hệ của mạng 4G với công nghệ hiện có như 3G, 2G... đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển chung.
“Có như vậy, mỗi dịch vụ, giải pháp công nghệ được đưa ra sẽ hội tụ và có phân đoạn thị trường hợp lý, hạn chế tối đa xung đột, hạn chế cạnh tranh không cần thiết, tận dụng lợi thế, liên kết lẫn nhau cùng đạt lợi ích kinh tế chung”, ông Liên cho biết thêm. Ngoài ra, Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia và hợp tác với các tổ chức quốc tế.
Cùng quan điểm với ông Liên, ông Tú cho rằng, Nhà nước nên có những chính sách, sự điều tiết hợp lý để khai thác hiệu quả tài nguyên mạng 4G. FPT Telecom cũng mong muốn các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT hợp tác với đơn vị này cùng mang lại hiệu quả cho người dùng như khai thác chung cơ sở hạ tầng thay vì mạnh ai người ấy làm.
Theo Thế Phương
ICTNews