CNTT-TT Việt Nam: Chưa lớn đã già!

Những gì mà hội thảo và Triển lãm toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2012 phô bày đã khiến công chúng ngạc nhiên bởi sự quen thuộc cũ kỹ của từng hạng mục.

Hơn 40 năm trước, Gordon Moore - vị đồng sáng lập hãng sản xuất chip lừng danh Intel - đưa ra một định luật cho rằng công suất của các bộ vi xử lý sẽ tăng gấp đôi sau mỗi chu kỳ một năm rưỡi. Lý thuyết này phản chiếu trên ngành CNTT để trở thành một trong những triết lý căn bản của nó: không ngừng cải tiến công nghệ với tốc độ tăng trưởng nhanh.

 

Vì vậy, những gì mà hội thảo và Triển lãm toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2012 phô bày khiến công chúng ngạc nhiên bởi sự quen thuộc cũ kỹ của từng hạng mục.

 

Nói là quen thuộc bởi tại hội thảo bàn về những trụ cột chính sách và dự báo xu hướng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong năm tới vẫn gồm những chuyên gia - nhà quản lý - doanh nhân ấy, vẫn bảng xếp hạng ấy, vẫn những thống kê ấy, thậm chí cả những chuyện đùa của các diễn giả. Chỉ khác là ngành CNTT-TT Việt Nam hiện đối diện với một thực tế khác hẳn mười năm trước.

 

Định luật thay máu

 

Ngay cả Gordon Moore, trong một cuộc phỏng vấn sau này, cũng cho rằng định luật của ông cần được xem xét lại yếu tố chu kỳ thời gian và giới hạn nhất định trong việc cải tiến công nghệ sản xuất chip, khi ông chứng kiến những bước phát triển thần tốc trong sản xuất vi xử lý từ 65nm (nanomet) đến 45nm và hiện nay là 32nm diễn ra trong chưa đầy bốn năm. Với tốc độ tăng trưởng thần kỳ, CNTT đã trở thành ngành công nghiệp góp phần thay đổi cuộc sống của hàng tỉ người trên Trái đất, với những tập đoàn khổng lồ đứng đầu thế giới.

 

Chỉ vài năm trước đây, chẳng ai hình dung được rằng một công ty non trẻ do một thanh niên mới ra trường lãnh đạo như Facebook lại có thể có giá thị trường hàng chục tỉ đôla ngay khi lên sàn chứng khoán, chỉ trong vài năm máy tính bảng đánh bật thị trường máy tính truyền thống và hiện diện mọi lúc mọi nơi.

 

Nhưng ở Việt Nam, hơn chục năm nay, các thứ hạng trong ngành CNTT chẳng có mấy thay đổi. Còn trong hội thảo CNTT -TT, các diễn giả quen thuộc mỗi năm lại tiếp tục các báo cáo truyền thống của họ về tình hình đầu tư cho ngành CNTT-TT thế giới, tình hình doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam chung chung và các bảng xếp hạng không hề được gắn với các số liệu thuyết phục công khai.

 

Thương mại hay Công nghệ?

 

FPT - doanh nghiệp hầu như năm nào cũng đứng đầu ngành CNTT nước nhà - đã có lúc được/bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM xếp vào nhóm “bán buôn, bán lẻ”. Điều này có lẽ do dưới con mắt khách hàng và các nhà đầu tư, những công ty tin học Việt Nam chỉ đơn giản là đại lý phân phối lại các sản phẩm nhãn hiệu nước ngoài.
 
CNTT-TT Việt Nam: Chưa lớn đã già!
Giới trẻ hào hứng với các sản phẩm công nghệ số tại Vietnam Consummer Digital World Expo lần thứ 17 vừa diễn ra. (Ảnh: Tuổi trẻ)

 

Quả thật rất khó thấy trên thị trường sản phẩm tin học nào thật sự được sản xuất tại Việt Nam. Ngay bản thân Hội Tin học TP.HCM (HCA) cũng đánh giá các doanh nghiệp CNTT-TT chỉ theo doanh thu, cho thấy công nghệ vẫn chỉ đóng vai trò mờ nhạt nếu không muốn nói rằng công nghệ hầu như chưa có vai trò gì trong sự thành đạt của CNTT nội địa.

 

Trong báo cáo “Năng lực công nghiệp CNTT TP.HCM - Góc nhìn từ hoạt động của doanh nghiệp CNTT TP.HCM” của ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch HCA - có thống kê số liệu khảo sát 256 doanh nghiệp, chiếm khoảng 85% tổng doanh số và 75% nhân lực công nghiệp CNTT TP.HCM. Báo cáo này cho thấy doanh thu của các doanh nghiệp được khảo sát trong ngành này đã tăng trưởng 17,6%/năm so với năm 2010, lên đến con số 80.347 tỉ đồng, trong đó các doanh nghiệp phần cứng và điện tử có doanh thu lên đến 34.844 tỉ đồng, tăng trưởng rất mạnh so với năm 2010 (23.397 tỉ).

 

Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết thì thấy phần tăng trưởng này đa số phát sinh từ năm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh thu của họ tăng mạnh từ 4.066 tỉ lên đến 13.415 tỉ đồng. Như vậy, trong 11.447 tỉ doanh thu tăng trưởng của nhóm ngành này, có đến 9.349 tỉ đến từ các doanh nghiệp FDI. Và nếu xét đến yếu tố lạm phát thì rõ ràng các doanh nghiệp phần cứng nội địa đã không hề tăng trưởng, nếu như không muốn nói là đang trên đà suy giảm.

 

Báo cáo của ông Dũng cũng cảnh báo về chỉ số lợi nhuận/doanh thu của nhóm công ty này ở mức rất thấp là 3%, và chỉ có 20% doanh nghiệp phần cứng có lợi nhuận thực tế. Thực chất đây chính là một cảnh báo về khả năng tồn tại của các doanh nghiệp này trong tương lai song lại không thấy đề cập tới nguyên nhân và giải pháp cho nó. Câu hỏi là nếu Việt Nam mất ngành sản xuất phần cứng thì sẽ ra sao?

 

Kết quả top 5 CNTT 2012 bao gồm tám nhóm với 33 huy chương (cho 33/34 đơn vị nộp hồ sơ dự giải), thứ hạng được xếp theo doanh thu từ cao xuống thấp. Trong tám nhóm này, nhóm 2 (máy tính thương hiệu Việt Nam hàng đầu 2012) và nhóm 8 (top đơn vị đào tạo CNTT Việt Nam 2012) có doanh số suy giảm nghiêm trọng.

 

Đặc biệt là nhóm 2, bảng xếp hạng tuy không có nhiều thay đổi (vẫn là những cái tên: FPT Elead, Robo, CMS, Wiscom, SingPC) nhưng doanh thu của cả nhóm lại tiếp tục suy giảm mạnh xuống con số 851 tỉ đồng, giảm 21% so với năm 2010 (lưu ý rằng năm 2010 doanh thu nhóm này đã giảm đến 25% so với năm 2009). Với khoản lỗ 104 tỉ đồng, CMC vẫn là đơn vị CNTT hàng đầu VN năm nay.

 

Điều đáng lo ngại là trong khi nhiều công ty phần cứng nói chung, và lắp ráp máy tính Việt Nam nói riêng, ngày càng thua lỗ, khó bán hàng thì các thương hiệu “xịn” của nước ngoài vẫn rất tự tin với mức tăng trưởng tốt của thị trường máy tính Việt Nam. Triển lãm quốc tế kỷ nguyên công nghệ số (Vietnam Consumer Digital World Expo - VCW 17) song hành cùng hội thảo của HCA diễn ra với quy mô giảm 30% so với năm trước, thiếu vắng hàng loạt nhãn hiệu lớn.

 

Nhưng ngay bên cạnh nó là triển lãm riêng của Tập đoàn ASUS được tổ chức rất hoành tráng với rất nhiều sản phẩm công nghệ mới như máy tính bảng Transformer, máy tính xách tay Ultrabook, cùng “thiết bị lai” - máy tính bảng Eee Pad Transformer Prime. Dễ nhận thấy là các thiết bị mới này đều được sản xuất hàng loạt chứ không thể lắp ráp thủ công như máy tính để bàn (desktop PC).

 

Đó là một thực tế sống động cho thấy đang diễn ra những thay đổi mạnh mẽ về giải pháp công nghệ cho người dùng cá nhân. Vì vậy, việc HCA tiếp tục đánh giá máy tính lắp ráp tại Việt Nam như một nhóm hàng quan trọng cho thấy tổ chức này vẫn loay hoay với bảng xếp hạng lạc hậu của mình, mà quên mất rằng ngoài kia đã có rất nhiều thay đổi.

 

Mặt khác, những sản phẩm CNTT mới nhất, đang tác động đến cuộc sống của hàng tỉ người, những hướng đi mới đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước như tìm kiếm thông tin trực tuyến, marketing trực tuyến, bán hàng trực tuyến, quảng cáo trên các trang web nước ngoài, hoạt động của các trang web cá nhân, các trang mạng xã hội... lại chưa thấy quan điểm rõ ràng và phân tích cụ thể từ các diễn giả.

 

Cũng thiếu vắng cả những nhìn nhận về các vấn đề đang khiến xã hội lo lắng và tranh cãi như game online, càng không biết quan điểm của nhà quản lý về những vấn đề như quảng cáo (kèm chính sách thuế) trên Facebook, Google. Nhiều báo cáo loay hoay với cách tổ chức số liệu cũ (có báo cáo phân tích xu hướng trên nền tảng số liệu tập hợp trong giai đoạn 2003-2008), nặng về thống kê, không có những tư vấn cụ thể cho Nhà nước về quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp...

 

Cần đổi thay

 

Doanh thu ngành CNTT không suy giảm mà chỉ chuyển từ doanh nghiệp này qua doanh nghiệp khác, từ sản phẩm này qua sản phẩm khác. Sự vắng vẻ của triển lãm CNTT VCW 17 không bắt nguồn từ suy thoái kinh tế hay thờ ơ của khách hàng.

 

Ngược lại, tại Việt Nam, chưa bao giờ CNTT bùng nổ như hiện nay, các thiết bị điện tử cá nhân hiện diện khắp nơi, thậm chí đang trở thành một phụ kiện thời trang không thể thiếu của giới trẻ, làm thay đổi đáng kể những phương thức kết nối, giao dịch và chuyển tải thông tin. Nếu có bất cứ cái gì liên quan đến CNTT mà suy giảm thì chỉ vì nó đã đi lạc vào quá khứ, hoặc nhầm lẫn giữa quá khứ với tương lai mà thôi!

 

Thế giới chúng ta đang sống luôn đổi thay, nhưng ít có ngành nào thay đổi nhanh, liên tục và đột ngột như CNTT. Các sản phẩm của nó ngày càng hòa trộn vào cuộc sống con người, đến mức đôi khi thật khó để phân biệt cái gì là sản phẩm CNTT, cái gì không. Hàm lượng CNTT trong một chiếc ôtô chẳng hạn, cao hơn nhiều so với người ta tưởng. Nhưng tốc độ phát triển chóng mặt của CNTT rất cần những tay lái trẻ không tự trói mình trong những lối mòn suy nghĩ, trong những kiến nghị đều đều bất biến mỗi năm về sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Ngành CNTT-TT Việt Nam rất cần một cuộc nhìn lại thẳng thắn hơn.

 

Nhóm 8 (top đơn vị đào tạo CNTT Việt Nam 2012) - nhóm nhận được sự quan tâm rất lớn - cho thấy sự giảm sút doanh số khá mạnh của mảng đào tạo CNTT và thực tế đào tạo không đủ nguồn nhân lực - theo nhận định của HCA. Đây là một xu thế không mấy lạc quan đối với ngành CNTT-TT Việt Nam bởi sự thiếu hụt nguồn lực chỉ thể hiện rõ ở vài năm sau.
 
Điều này thật sự đáng lo ngại vì trong báo cáo “Hiện trạng CNTT-TT Việt Nam qua Sách trắng 2012” của ông Nguyễn Trọng Đường - vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin - truyền thông) - đưa ra tại hội thảo này có những thông tin về xếp hạng nhân lực CNTT Việt Nam trong tương quan với các quốc gia khác theo báo cáo Measuring the Information Society 2011 của ITU. Theo đó, chỉ số kỹ năng CNTT-TT của Việt Nam đứng ở vị trí 108/152 (giữ nguyên so với bốn năm trước đây - năm 2008).
 
Theo An Di
Tuổi trẻ