1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Chuyển đổi số cần căn cứ vào thực trạng doanh nghiệp, ngành nghề

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết phải chuyển đổi số rập khuôn, cứng nhắc, mà cần sự linh hoạt để phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp đó.

Chuyển đổi số cần căn cứ vào thực trạng doanh nghiệp, ngành nghề - 1

Sự kiện về chuyển đổi số doanh nghiệp sáng ngày 11/11 (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Sáng 11/11 tại Hà Nội, sự kiện "Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0" được tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy hiệu quả số và đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất.

Sự kiện với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đã nhìn lại những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thời gian qua, cũng như tạo nên một bức tranh về xu hướng chuyển đối trong năm 2023 để kịp thời thích ứng. 

Kết quả một khảo sát từ Gartner trên 388 CEO trên khắp thế giới cho thấy: 56% nói rằng chuyển đổi số giúp họ tăng doanh thu và 47% tiết lộ họ đang đứng dưới áp lực của ban lãnh đạo phải có bước tiến nào đó trong công nghệ. Trong đó, 22% cho rằng "kỹ thuật và công nghệ là cốt lõi" cho mọi sự thay đổi.

Chuyển đổi số cần căn cứ vào thực trạng doanh nghiệp, ngành nghề - 2

Ông Lưu Nhật Quang, product manager tại 1C Việt Nam phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Đánh giá về giai đoạn chuyển đổi số từ 2019 - 2023, ông Lưu Nhật Quang, phụ trách Quản lý sản phẩm tại 1C Việt Nam- đơn vị tổ chức sự kiện- nhấn mạnh về 3 xu hướng đáng chú ý, đã và sẽ đóng vai trò quan trọng nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công.

Đó là: mở rộng hạ tầng kỹ thuật số, sử dụng mô hình tự động hóa cho sản xuất, và áp dụng các công nghệ mới (analysis + AI) để kinh doanh hiệu quả hơn. 

Theo ông, chuyển đổi số đang tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính "sống còn" đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.

"Chúng ta đã chuyển đổi, đã tìm được cách phát triển dù gặp nhiều khó khăn do thời kỳ Covid-19 kéo dài, kinh tế suy thoái, nhân công thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng... Đó là nhờ những phương pháp kinh doanh sáng tạo, chuyển đổi số thành công của cộng đồng doanh nghiệp", ông Quang cho biết.

Dẫu vậy trên thực tế, có thể thấy cộng đồng doanh nghiệp sản xuất vẫn còn đang gặp khá nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình. Trong đó, việc cân nhắc có nên đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, hay chỉ ưu tiên một vài công đoạn là một trong những điều khiến các doanh nghiệp "đau đầu".

Theo TS. Phạm Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, dựa trên đặc thù riêng của một số ngành nghề, thì các giai đoạn dạng "analog" - hay chưa phải chuyển đổi số, nhưng vẫn tạo ra những giá trị rất quan trọng và khó bị thay thế.

Lấy thí dụ như ngành chăm sóc khách hàng: Đối với một số khách hàng VIP, họ vẫn có xu hướng muốn được hỗ trợ bởi các tư vấn viên là người, chứ không phải máy móc. Hay một số công đoạn nhất định trong sản xuất vẫn cần có sự can thiệp của con người, thay vì một hệ thống được tự động hóa hoàn toàn.

Chuyển đổi số cần căn cứ vào thực trạng doanh nghiệp, ngành nghề - 3

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh doanh nghiệp không nhất thiết phải chuyển đổi số rập khuôn, cứng nhắc, mà cần sự linh hoạt để phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp đó, cũng như trong các ngành nghề cụ thể (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Vì vậy theo các chuyên gia, tùy vào thực trạng doanh nghiệp, ngành nghề... mức độ số hóa diễn ra ở từng bộ phận, từng chức năng sẽ diễn ra khác nhau và không nhất thiết phải đồng cấp.