Chung thuê bao Internet - Rắc rối đủ đường!
Nhiều gia đình dùng internet hiện đã hoặc đang "liên kết" thêm 2-3 hộ thuê chung một đường truyền, rồi chia sẻ tiền thuê bao. Hóa ra giải pháp này cũng lắm rắc rối.
Mới chuyển về khu tập thể Trung Tự (Hà Nội), gia đình chị Hoa tính lắp đặt đường truyền internet để phục vụ công việc. Nhưng dùng dịch vụ trọn gói không hạn chế với cước thuê bao 285.000 đồng/tháng của nhà cung cấp FPT thì quá… xa xỉ, chị bèn đăng kí gói dịch vụ tính cước theo dung lượng download và upload. Tuy nhiên, cách này xem ra vẫn tốn kém vì mấy tháng qua, dù chẳng dám "load" gì nhiều mà chị vẫn phải trả đều đặn tới gần 200.000 đồng/tháng chỉ cho chuyện đọc báo điện tử.
Tốn kém sinh… tiết kiệm, biết hai gia đình kế bên đang dùng chung gói dịch vụ 285.000 đồng, chị Hoa sang đặt vấn đề "xin gia nhập đường truyền", cước sử dụng sẽ "cưa" ba. Như thế tính ra một nhà sẽ chỉ phải trả 95.000 đồng mỗi tháng - giá quá "bèo" cho một đường truyền tốc độ cao, vậy nên chị đã nhanh chóng được hai gia đình kia nhiệt liệt "kết nạp".
Tuy nhiên, chuyện dùng chung tưởng đơn giản mà chẳng suôn sẻ. Trong thời gian chưa đầy một tuần đầu tiên thì đã có đến 2 lần mạng bị mất kết nối. Lần đầu là 11h30 đêm. Chị Hoa đang gửi mẫu thiết kế quảng cáo cho khách hàng thì mạng… "rớt bất tử". Công việc cần kíp, khách hàng lại giục, cực chẳng đã chị đành rụt rè sang bấm chuông nhờ hàng xóm kiểm tra lại modem. Đêm hôm đang ngủ bị bấm chuông làm phiền, dù chẳng vui vẻ nhưng vì là… lần đầu nên bác hàng xóm vẫn cố tỏ ra niềm nở.
Ra là cái ổ cắm điện cho modem bị lỏng, sự cố nhanh chóng được khắc phục. Thế nhưng, chỉ được hai hôm, tới ngày thứ ba không hiểu vì lý do gì đường truyền lại oái oăm mất kết nối nhằm lúc… 1 giờ sáng. Dù rất sốt ruột muốn tìm tư liệu để làm việc cho kịp, nhưng chị Hoa cũng chẳng còn giải pháp nào khác là đành lịch sự… lên giường đi ngủ, chờ đến sáng hôm sau giải quyết.
Chị Hoa không giấu nổi sự ức chế: dùng chung có đỡ tốn kém, nhưng mình không chủ động xử lý được mỗi khi mạng bị mất. Mà trục trặc trong thời gian ngắn còn đỡ, chứ giả sử hàng xóm đi công tác xa cả tuần liền thì chịu, không biết tính sao!
"Tin tặc xóm" dòm ngó
Gia đình anh Trung ở tập thể báo Nhân Dân (khu Nam Thành Công) còn dùng chung internet với… 3 gia đình khác. Ban đầu họ chọn giải pháp chia số tiền 285.000 đồng ra làm bốn để trả hàng tháng. Tuy nhiên, cách này bất lợi vì quá lắt nhắt, mỗi lần thu tiền lại tất tả đi gọi từng nhà chỉ để thu hơn 70.000 đồng. Thế nên sau 2 tháng, các gia đình thống nhất: mỗi nhà lần lượt thay nhau trả một tháng. Song, vì nhân viên thu tiền chỉ cần biết đến hỏi mỗi gia đình đứng ra đăng kí thuê bao, nên anh Trung luôn thấy ức chế khi liên tục phải đứng ra trả tiền rồi tính chuyện đi… "đòi nợ". Mà đôi vợ chồng trẻ nhà bên chẳng biết có phải vì bận việc hay do ý thức kém, mà có lần đưa hoá đơn thanh toán cả tuần vẫn cứ "phớt lờ lớ lơ", chẳng chịu đưa lại tiền anh Trung đã thanh toán hộ.
Còn anh Nam (nhân viên Công ty truyền thông DTC) thì vướng phải rắc rối kiểu khác do bị "tin tặc… xóm" dòm ngó. Từ khi dùng chung với hai nhà kế bên, để khỏi phải dây dợ lôi thôi anh đã mua modem Wifi để kết nối qua mạng không dây cho tiện lợi. Vì chiếc máy tính xách tay thường xuyên truy cập mạng không dây của cơ quan nên anh có cài phần mềm tường lửa bảo mật Comodo (khi máy lạ xâm nhập, phần mềm sẽ tự động cảnh báo). Một hôm, anh đang làm việc tại nhà thì bỗng thấy có chiếc máy tính hiệu Toshiba "đòi" truy cập vào thư mục tài liệu chia sẻ. Liên tục sau đó, chiếc máy lạ kia vẫn "quen mùi" xâm nhập.
Không khó để điều tra ra chủ nhân chiếc máy Toshiba chính là cậu quí tử học lớp 11 có tính "táy máy" con ông hàng xóm, anh Nam than phiền: "May mà mình cũng chỉ mới chia sẻ thư mục để hơn chục cái ảnh đi du lịch cùng cơ quan, chứ nếu là ổ chứa tài liệu cá nhân riêng tư thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra".
Theo Nguyên Đức
ICTnews