Chú robot chỉ mất hơn một giây để giải rubik

(Dân trí) - Người đang nắm giữ kỷ lục giải khối rubik lập phương (3x3) nhanh nhất thế giới hiện ở mức 4,904 giây. Tuy nhiên, với chú robot dưới đây, chỉ cần chưa đến 1/4 khoảng thời gian đó để có thể hoàn tất khối rubik lập phương.

Hai kỹ sư phần mềm Jay Flatland và Paul Rose đã cùng nhau xây dựng một cỗ máy có khả năng giải quyết khối rubik thần tốc, với chỉ hơn 1 giây để có thể hoàn tất khối rubik lập phương (3x3).


Robot có thiết kế với các trục để xoay khối rubik

Robot có thiết kế với các trục để xoay khối rubik

Hiện kỷ lục cao nhất mà cỗ máy này có thể đạt được đó là chỉ mất 1,019 giây để hoàn tất khối rubik. Kỷ lục này vượt xa so với kỷ lục người giải rubik nhanh nhất thế giới hiện nay, thuộc về thiếu niên 14 tuổi người Mỹ Lucas Etter, lập được vào tháng 11 năm ngoái, với thành tích 4,904 giây. Trong khi đó, kỷ lục robot giải rubik nhanh nhất thế giới thuộc về một robot do sinh viên có tên Zackary Gromko (sống tại bang Florida, Mỹ) thiết kế với thành tích 2,39 giây.

Robot được thiết kế với khung được in bằng máy in 3D, động cơ điện có khả năng thực hiện các bước nhỏ rời rạc. Khối rubik khi được lắp vào cỗ máy này sẽ được quét bằng 4 webcam và hình ảnh sẽ được hiển thị trên máy tính kết nối với cỗ máy để nhận diện kiểu dáng rubik, sau đó máy tính sẽ đưa ra thuật toán giải rubik phù hợp nhất và cỗ máy sẽ bắt đầu xoay nhằm giải khối rubik.

Tuy nhiên, để cỗ máy này có thể giải khối rubik đòi hỏi khối rubik phải có một sự chỉnh sửa nhỏ, đó là phải có 6 lỗ nhỏ được đục trên 6 mặt của lập phương để thiết bị có thể xoay các mặt của rubik.

Các mặt rubik được webcam ghi nhận và đưa lên máy tính để đưa ra thuật toán xử lý khối rubik
Các mặt rubik được webcam ghi nhận và đưa lên máy tính để đưa ra thuật toán xử lý khối rubik

Trong đoạn clip vừa được 2 nhà thiết kế Jay Flatland và Paul Rose đăng tải lên Youtube cho thấy chú robot của hai người này thực hiện 4 lần giải khối rubik, trong đó thành tích đã được cải thiện dần, khi lần đầu tiên mất 1,196 giây để hoàn thành, lần thứ hai mất 1,152 giây, lần thứ 3 mất 1,047 giây và lần cuối cùng chỉ mất 1,019 giây để hoàn tất khối rubik.

Hiện hai kỹ sư phần mềm này đã thực hiện các thủ tục để đăng ký thông tin với tổ chức Sách kỷ lục Guinness nhằm thành tích chú robot của mình được chính thức công nhân.

T.Thủy