Chỉ số an toàn thông tin 2018 tiếp tục thấp hơn năm ngoái
(Dân trí) - Song hành với những lợi ích, Việt Nam nói riêng cũng như các nước trên thế giới nói chung đã và đang phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức về ATTT trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị thông minh.
Sáng ngày 30/11 đã diễn ra phiên khai mạc Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2018 với chủ đề “ATTT trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”, thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia CNTT, ATTT của Việt Nam cùng nhiều tập đoàn lớn về CNTT hàng đầu trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định tầm quan trọng của giai đoạn chuyển đổi số, cho rằng đây là trách nhiệm nhằm thích ứng và tồn tại với mọi doanh nghiệp, tổ chức. "Thế giới đang bước vào nền kinh tế số và để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại bằng việc đưa hầu hết các hoạt động của mình lên không gian mạng", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam hiện nay đang là vấn đề nóng, và giới tội phạm mạng đang cho thấy sự thay đổi cách thức tấn công, khiến cho các phương án truyền thống trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã dần trở nên không còn hiệu quả.
"Cùng với sự chuyển đổi sang nền kinh tế số của đất nước, giới tội phạm mạng cũng ngay lập tức nhận thấy các thành phần của hệ sinh thái số hiện nay như hạ tầng Cloud computing, Software as service, mạng lưới thiết bị IoT là một mảnh đất màu mỡ để hoạt động. Điều này khiến chúng ta phải có những biện pháp hợp lý, triệt để hơn để phòng chống, bảo vệ an ninh", Thứ trưởng cho biết.
Cùng chia sẻ quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng Công nghệ cao (A05), Bộ Công an nhận định, theo dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song hành với những lợi ích, các nước trên thế giới đã và đang phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức về ATTT trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị thông minh. “Đặc biệt, tội phạm lợi dụng vào mục đích phạm tội gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”, ông Mạnh cho biết thêm.
Chỉ số an toàn thông tin 2018 thấp hơn năm ngoái
Tại buổi hội thảo, ông Vũ Quốc Khánh, đại diện của VNISA đã công bố kết quả cuộc khảo sát hàng năm về ATTT tại Việt Nam, cho thấy chỉ số năm nay chỉ đạt 45,6%, tiếp tục thấp hơn các năm 2017 (54,2%) và 2016 (59,9%).
Con số thống kê này phản ánh chính xác thực trạng về ATTT mạng tại Việt Nam, khi vẫn còn khá ít doanh nghiệp có hiểu biết và quan tâm về lĩnh vực ATTT theo từng cấp độ, mặc dù đây đều là những kiến thức căn bản và quan trọng.
Đây là kết quả được thống kê dựa trên 9 lĩnh vực quản lý, phát triển và đảm bảo ATTT cho tổ chức và doanh nghiệp, gồm 57 câu hỏi phức hợp với hàng trăm tiêu chí nhỏ cho các tổ chức doanh nghiệp lớn, và 46 câu hỏi phức hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nếu xét theo bộ tiêu chí chỉ số ATTT do ITU đánh giá, Việt Nam còn thấp hơn với mức 25% - đứng gần cuối trong bảng xếp hạng các nước được xét tới. Thậm chí xếp dưới cả Lào. Trong khi đó, Singapore xếp thứ nhất trong danh sách, có chỉ số ATTT lên tới 92%.
Tuy nhiên theo ông Vũ Quốc Khánh, Việt Nam vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, khi trong năm 2018 đã bắt đầu đi vào triển khai các nghị định về luật ATTT mạng, cũng như đang chuẩn bị xây dựng, đưa vào thực thi các quá trình phân loại hệ thống thông tin, thực hiện đảm bảo ATTT theo cấp độ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động gia tăng nhận thức của doanh nghiệp trong vấn đề ATTT.
Niềm tin là chìa khóa dẫn đến thành công trong ATTT
Để thúc đẩy công tác đảm bảo ATTT tại nước nhà, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã có chỉ đạo trực tiếp, đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cần quan tâm nhiều hơn công tác đảm bảo ATTT. Đồng thời quan tâm cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho cán bộ và hệ thống kỹ thuật đảm bảo ATTT, đáp ứng điều kiện phòng, chống các cuộc tấn công mạng luôn được áp dụng các công nghệ mới tinh vi, phức tạp.
Cộng đồng doanh nghiệp ATTT cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các nền tảng, công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ATTT mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phòng chống hiệu quả hơn các nguy cơ tấn công mạng liên tục thay đổi; tăng cường trao đổi, hợp tác, chia sẽ để gắn kết thành một cộng đồng mạnh, thể hiện sức mạnh của thương hiệu Việt, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
“Bộ TT&TT cho rằng lĩnh vực ATTT là lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, nếu như so sánh với các lĩnh vực khoa học công nghệ khác", Thứ trưởng nói. "Bởi lẽ, lĩnh vực ATTT về cơ bản dựa vào nguồn nhân lực, không phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề hạ tầng. Một trong những rào cản để Việt Nam có thể vươn tầm ra thế giới mà chúng ta cần quan tâm đó là cần làm thế nào để tạo nên một niềm tin mạnh mẽ hơn nữa giữa các lực lượng trong xã hội. Niềm tin giữa là chìa khóa dẫn đến thành công trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng".
Nguyễn Nguyễn