"Chỉ cần nghĩ và tàu hỏa sẽ chạy"

(Dân trí) - Đó không phải là chuyện viễn tưởng, mà là kết quả của công nghệ mới nhất được các nhà khoa học Nhật bản phát triển. Công nghệ này cho phép con người điều khiển các máy móc điện tử mà thậm chí không cần nhấc một ngón tay để bấm nút.

Sản phẩm sử dụng công nghệ mới này – được phát triẻn bởi công ty Hitachi, Nhật bản – sẽ “đọc” các thay đổi nhỏ trong mạch máu trong não khi người ta suy nghĩ, và từ đó “diễn dịch” lại thành các tín hiệu điện tử.

Trong show trình diễn vào ngày thứ 4 tuần vừa rồi tại ngoại ô Tokyo, một nữ phóng viên được mời đội thử chiếc mũ đặc biệt nối với một đoàn tàu hoả đồ chơi. Dưới sự hướng dẫn của Kei Utsugi, một nhà nghiên cứu tham gia dự án, người nữ phóng viên làm vài phép tình nhẩm đơn giản trong đầu, và đoàn tàu hoả cũng theo đó chạy về phía trước. Theo lời Koizumi, đoàn tàu tiến về phía trước do việc tính nhẩm được vùng não phía trước trán phụ trách. Nếu người dùng ngừng tính nhẩm, đoàn tàu cũng sẽ dừng lại.

Bí mật của công nghệ này nằm ở các tia hồng ngoại liều lượng thấp chiếu qua hộp sọ người dùng để “đọc” dòng chảy của máu trong các mạch máu, sau đó chuyển các thông tin này cho máy tính xử lý và “suy luận” thành mệnh lệnh. Công nghệ này vốn được sử dụng trong y khoa, nhưng các công ty như Hitachi và Honda đang cạnh tranh quyết liệt nhằm đưa ra thương mại hoá càng sớm càng tốt.

Một trong những sản phẩm đầy triển vọng của Hitachi là một chiếc điều khiển ti vi, cho phép người dùng tắt hoặc mở tivi, chuyển kênh chỉ bằng ý nghĩ. Trong khi đó, hãng Honda   đang có kế hoạch sử dụng công nghệ này trong các dòng xe thông minh thế hẹ mới của mình.

 Công nghệ điều khiển đồ điện tử qua ý nghĩ tỏ ra rất có tương lai. Một ngày không xa, các thiết bị điều khiển từ xa, bàn phím, chuột .. vv.. sẽ biến mất, giải phóng dân văn phòng khỏi các chứng bệnh về khớp.  Người tàn tật có thể tự mình điều khiển xe lăn, tay chân giả.. Các sản phẩm thương mại đâu tiên có lẽ sẽ nhằm giúp những người bị bại tứ chi có thể giao tiếp trở lại.

Lợi thế lớn nhất của công nghệ do Hitachi phát triển là sản phẩm không yêu cầu cấy thêm điện cực dưới ra như các hãng khác. Tuy nhiên, kích cỡ của thiết bị là một vấn đề, và “suy luận” mệnh lệnh của người dùng từ ý nghĩ sao cho chính xác cũng là khó khăn không nhỏ.

Dù sao đi nữa, theo Koizumi Utsugi : “chỉ cần một thời gian ngắn nữa thôi, chúng tay sẽ thấy sản phẩm được sử dụng rộng rãi. Với mức phát triển hiện tại, công nghệ này hoàn toàn có thể áp dụng cho đồ chơi trẻ em – chỉ cần nghĩ, và tàu hoả sẽ chạy.”

Hoàng Hải
Theo AP