20 năm Internet Việt Nam:
"Không ai đoán được Internet phát triển toàn diện như hiện nay"
(Dân trí) - "Thời kỳ đó, khi Internet chính thức vào Việt Nam năm 1997, gần như không ai có thể đoán được nó phát triển toàn diện như hiện nay", ông Nguyễn Văn Đạo, Cố vấn cấp cao - Nguyên Phó tổng giám đốc Samsung Vina, chia sẻ.
Samsung “quyến rũ” tôi vì Internet
Không phải 1997, năm Việt Nam được hòa vào mạngInternet toàn cầu mà trước đó ông Nguyễn Văn Đạo đã có cơ hội “chạm” vào mạng kết nối toàn cầu khi đi công tác ở nước ngoài. Internet đã lôi cuốn ông từ thời kì đó.
Ông Nguyễn Văn Đạo là người có đóng góp rất lớn trong việc đặt nền móng cho Samsung tại Việt Nam và trải qua rất nhiều thăng trầm trong việc đưa Samsung trở thành thương hiệu có tầm ảnh hưởng, đứng đầu ở các lĩnh vực tại thị trường Việt Nam.
Ông Đạo cho biết, mặc dù đến cuối năm 1997 Việt Nam mới triển khai đại trà dịch vụ Internet nhưng với các tập đoàn đa quốc gia, họ đã sử dụng dịch vụ Internet từ trước. Khi Samsung vào Việt Nam năm 1995, một trong những việc phải làm đầu tiên là ký hợp đồng leased line (kênh truyền trực tiếp) từ Việt Nam qua Singapore để từ đó kết nối đến Hàn Quốc qua mạng Internet. Vì vậy ngay từ khi Samsung chính thức hoạt động ở Việt Nam, toàn bộ các hoạt động của Samsung đã được kết nối với hệ thống Samsung toàn cầu thông qua mạng Internet.
Nguyên Phó tổng giám đốc Samsung Vina kể tiếp, đến tháng 11 /1997, khi dịch vụ Internet của VDC chính thức cho phép người dùng cá nhân đăng kí sử dụng, ông đã đăng kí ngay để trải nghiệm. Dù lúc đó chỉ là mạng Dial-up sơ khai với tốc độ rất chậm, nhưng ông không gặp khó khăn để thiết lập và sử dụng bởi trước đó, ông đã từng tìm hiểu và cùng các bạn bè thử nghiệm kết nối vào một số mạng intranet thời kỳ “tiền Internet” như NetNam, Trí tuệ Việt Nam …
Thời điểm đó, ông nói rằng, Internet có sức cuốn hút rất cao. “Tối nào về tôi cũng lang thang vào mê hồn trận của Internet, tìm hiểu chỗ này chỗ kia … Và kết quả là tháng đầu tiên phí Internet phải trả lên đến 1,5 triệu đồng, số tiền rất lớn vào thời kỳ đó”!
Đó chỉ là ở mặt cá nhân, về phía công ty, ông Đạo cho biết: “Tôi đã từng nói nhiều về lý do vì sao tôi quyết định tham gia vào dự án xây dựng Samsung ở Việt Nam nhưng khi quyết định chuyển sang làm việc full-time tại Samsung vào năm 1998, một trong các lý do chính là được làm việc trong môi trường Internet tại Samsung”.
Ông Đạo chia sẻ, thời điểm đó, những công ty có môi trường Internet tốt như Samsung rất ít. Qua đường truyền băng thông rộng leased line, Samsung Việt Nam được kết nối đến văn phòng chính tại Hàn Quốc cũng như với các công ty Samsung tại các quốc gia khác, nhờ vậy thông tin trao đổi trong tập đoàn rất nhanh, từ chính sách, số liệu, chiến lược… “Do đó, tôi nhận thấy rằng, khi vào làm việc không chỉ học hỏi ở mặt cá nhân, mà được hỏi hỏi rất nhiều nơi, từ lợi ích của Internet, từ kết nối toàn cầu, có hệ thống và chiến lược rõ ràng”. Ông Đạo nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Cố vấn cấp cao - Nguyên Phó tổng giám đốc Samsung Vina, người có đóng góp quan trọng trong việc đặt nền móng cho Samsung tại Việt Nam. Đến nay, ông đã bén duyên cùng Samsung “ngót nghét” gần 20 năm, trải qua rất nhiều thăng trầm trong việc đưa Samsung trở thành thương hiệu có tầm ảnh hưởng và đứng đầu ở các lĩnh vực tại thị trường Việt Nam. Ông cũng là người đã đi qua từ thời kỳ khi chưa có Internet tại Việt Nam cho đến nay sau 20 năm, Internet về VN (1997-2017).
Internet đã thay đổi quá bất ngờ
Sau 20 năm Internet vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng ngày đó khó có thể tưởng tượng được Internet lại phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu xa như hiện nay, đặc biệt từ khi có sự bùng nổ của công nghệ di động, rồi đến mạng xã hội.
Những kỉ niệm không thể quên khi lần đầu tiên Internet vào Việt Nam
Thời gian đầu, Internet chỉ phổ thông ở các thành phố lớn, trong các môi trường giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp… giúp tạo phương tiện, tiện ích để làm việc và học hỏi. Nhưng hiện nay, với sự bùng nổ của thiết bị di động, ứng dụng di động, mạng xã hội… trên nền tảng Internet, có thể thấy tác động vô cùng lớn của Internet vào những thay đổi của xã hội, từ những vùng sâu, vùng xa cho đến hải đảo. Những tác động đó đã thay đổi rất lớn đời sống con người hiện nay, từ văn hóa, tình cảm cho đến kinh tế, khoa học, công nghệ.
Lấy ví dụ, ông nói: “Đối với doanh nghiệp, chẳng hạn như Samsung, Internet thời điểm đó chỉ là công cụ, phương tiện để làm việc. Một bên là các hoạt động kinh doanh sản xuất và một bên là công cụ để hỗ trợ cho các hoạt động đó nhưng hiện nay cả hai như được trộn lẫn vào nhau. Internet không chỉ là phương tiện làm việc, mà còn đóng vai trò là yếu tố, là đặc tính quan trọng trong các sản phẩm của Samsung hiện nay, khi tính “thông minh” (Smart TV, smartphone …) và “kết nối” (Internet of Things) là thuộc tính không thể thiếu được của sản phẩm.
Internet tạo ra thách thức và cơ hội nhiều nếu biết nắm bắt
Trong xu thế hiện nay, các sản phẩm của Samsung đều có hướng phát triển để trở thành sản phẩm thông minh. Và để trở thành một sản phẩm thông minh, nói theo cách đơn giản là phải có Internet, vì đặc điểm cơ bản của một sản phẩm thông minh là phải có tính kết nối với nhau và với Internet. Từ đó, thí dụ như với các vật dụng cá nhân trong nhà, người ta có thể truy cập, điều khiển, theo dõi chúng từ xa, từ văn phòng, trên xe hoặc ngay cả ở nước ngoài. Trước đây khó có ai tưởng tượng được như vậy”. Ông Đạo chia sẻ.
Trước làn sóng thay đổi ngày càng lớn như hiện nay, Internet cũng tạo ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp. Ông Đạo cho rằng, nếu hiểu được và tận dụng được các công nghệ kết nối, thí dụ như công nghệ đám mây, sẽ có được lợi ích rất cao như giảm thiểu chi phí đầu tư và tăng hiệu quả công việc. Ông nói, xu thế hiện nay là IoT, văn phòng di động, kết nối di động… Nếu doanh nghiệp không nắm bắt và mải mê đi theo các lối mòn trước đây sẽ tụt hậu rất xa. Đó sẽ là thách thức lớn khiến doanh nghiệp phải chuyển mình, bắt kịp xu hướng.
Gia Hưng