20 năm Internet vào Việt Nam: Doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội!
(Dân trí) - Người dân tiếp cận Internet rất nhanh, họ tận dụng rất tốt sức mạnh của Internet vào đời sống nhưng với doanh nghiệp, dù biết rõ cơ hội nhưng thực sự vẫn chưa tận dụng tốt. Đó là nhìn nhận của ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hội Internet Việt Nam.
Doanh nghiệp hiểu nhưng vẫn còn lúng túng
Sau 20 năm tiếp cận Internet, chúng ta được rất nhiều, không chỉ được của bản thân dịch vụ, mức giá dễ tiếp cận mà cái được lớn nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội.
Ông Vũ Hoàng Liên, chủ tịch Hội Internet VN, nguyên giám đốc Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cho rằng, Internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và sự đổi mới. Trong đó, điều mà nhận thấy rõ nét nhất đó là sự chuyển hóa của xã hội, việc tiêu dùng thông tin, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet đem lại sự thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức, y tế… kể cả nông thôn và thành phố. Đây là cái được lớn nhất, đặc biệt xu thế 4.0 cũng như kết nối toàn cầu mạnh mẽ, rộng rãi thì Internet là một công cụ có thể nói là có lợi, để cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong xu thế hội nhập.
Bên cạnh những cái được, đó là cơ hội và cơ hội rất lớn nhưng thực sự doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hiệu quả và đang thua kém nhiều nước phát triển và các nước khác. Ông Hoàng Liên cho rằng, Internet ở Việt Nam đến nay, gói gọn trong 3 từ: “Nhiều, rộng nhưng nhỏ”.
Ông nói: “Doanh nghiệp đã tận dụng được lợi thế của Internet chưa? Vẫn chưa! Trong khi người dân đang tận dụng Internet thì lại rất nhanh, họ đưa Internet vào nhu cầu đời sống của họ rất nhanh. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn chưa phát huy được lợi thế đó mặc dù doanh nghiệp nào cũng có Intenret, cũng đang phát triển công nghệ thông tin… thì theo tôi lý do chính đó là năng lực tiêu dùng của doanh nghiệp và con người. Trong năng lực tiêu dùng này thì việc làm sao đưa ứng dụng CNTT kết hợp Internet để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp mới là vấn đề quan trọng.”.
“Anh có thể có CNTT, anh có thể có internet nhưng chưa chắc cái mục tiêu đem lại hiệu quả kinh doanh và phát triển doanh nghiệp anh đã đạt được? Khả năng quản trị để kiểm soát mục tiêu khi đưa CNTT và internet vào thì đây mới là điểm yếu và là hạn chế của nâng lực tiêu dùng. Và một khi ứng dụng không đem lại hiệu quả thì đem lại sự do dự". Ông Hoàng Liên chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết rằng, mặc dù lúng túng nhưng doanh nghiệp mà ông gặp gỡ đều thấy tầm quan trọng của CNTT và Internet. Nhiều doanh nghiệp vẫn ứng dụng CNTT rất nhiều và điều đó là điều rất đáng khích lệ bởi việc ứng dụng nhiều thì vẫn hơn là không ứng dụng, nó có thể tạo ra những lợi thế nhất định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, khi ứng dụng cần cẩn thận hơn, đưa ra những mục tiêu về năng lực tiêu dùng, nếu không sẽ trở thành mớ "bòng bong”, rối loại và tạo ra sự lúng túng mới.
“Nếu bạn vào một cái shop nhỏ, không phân định rõ, chắc bạn sẽ nghĩ chẳng có gì để mua nhưng ở một shop lớn hơn, bạn sẽ lúng túng không biết mua gì, ở đâu? Phép lựa chọn làm chúng ta mất phương hướng. Do đó, quay trở lại đây, năng lực tiêu dùng ở đây vẫn là con người, vẫn là hệ thống của doanh nghiệp, phương pháp quản trị và nâng lực đổi mới của doanh nghiệp."
Internet sẽ là cốt lõi của doanh nghiệp!
Nhìn vào sự đổi mới hiện nay, khả năng tiếp cận nhanh, ông Hoàng Liên nhận định và tin rằng doanh nghiệp sẽ bắt kịp với các nước trên thế giới nhờ có Internet trong vài năm tới.
Theo thống kê của tổ chức Internet World Stats, các nước châu Á hiện chiếm đến 49,6% số người dùng Internet toàn cầu, và hầu hết các nước trong khu vực này đều có tỷ lệ sở hữu điện thoại nhiều hơn máy tính.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc FPT Telecom cho rằng, điều đó chứng tỏ, Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang là một thị trường vô cùng tiềm năng cho việc phát triển Internet và đặc biệt là nội dung trên nền tảng này.
Ông Khoa nói: “Internet of things không chỉ là xu hướng tất yếu mà đã dần trở thành hiện thực trên toàn cầu. Bởi vậy, để vạn vật kết nối và mang lại giá trị thiết thực cho mọi mặt đời sống, Internet sẽ là nền tảng vững chắc nhất”.
Tổng giám đốc của FPT Telecom cũng chia sẻ rằng, công ty luôn xác định Internet là cốt lõi và đầu tư hạ tầng công nghệ để đạt tới chất lượng cao là mục tiêu. Bên cạnh đó, việc tập trung nghiên cứu để phát triển hệ sinh thái thông minh và các nội dung gia tăng trên nền tảng Internet sẽ là những mũi nhọn mới mà FPT Telecom theo đuổi.
Nhìn về tương lai, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG nhận định tương tự và cho biết: “Chắc chắn một điều là Internet sẽ trở thành cuộc sống của người Việt Nam, có nghĩa là nó sẽ thâm nhập và lan tỏa ra tất cả các thành phần khác nhau. Chắc chắn xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra sâu và rộng ở Việt Nam trong 10, 20 năm tới”.
Chia sẻ rõ hơn, ông Minh nói: “Khi sử dụng một dịch vụ, chúng ta sẽ không còn phân biệt đâu là dịch vụ Internet hay là dịch vụ truyền thống, chẳng hạn như là mình sẽ không nói là tôi đang đọc báo mạng hay đọc báo giấy, đơn giản là tôi đọc báo, báo đó sẽ ở trên di động”.
Và như đã nói trên, khi Internet tiếp tục là cốt lõi, điều đó tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức vì những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không kịp thay đổi sẽ có thể bị đào thải. Do đó, theo người đứng đầu VNG: “Chúng ta cần phải suy nghĩ về việc tạo ra thế mạnh của mình là gì, chọn hướng đi như thế nào để tạo được lợi thế trong kinh doanh. Đấy là cái khó, nhưng trong khó khăn thì Minh tin chúng ta sẽ luôn có những cơ hội. Chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc”!
Gia Hưng