Câu view bất chấp trên Youtube, lỗi tại anh hay tại ả?
(Dân trí) - Youtube đang bất lực ư? Chắc không! Chắc có lẽ do nhãn hàng vô tư đặt quảng cáo ở những video chứa nội dung bạo lực, nội dung xấu nên nhiều Youtuber mới lên mạng câu view bất chấp, những nội dung càng "độc lạ" xuất hiện dày đặc và những hệ lụy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Những clip "bẩn thỉu"
Không khó để tìm kiếm những video có thể nói là siêu độc lạ, siêu tò mò trên Youtube tại Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn gần đây, người dùng chắc có lẽ sẽ từng nghe qua những title (tiêu đề) "Giả vờ làm Chủ tịch để thử lòng" và nó đang biến tướng và mọc lên như nấm như: "Giả vờ tắm cùng trai lạ thử lòng người yêu", "Giả vờ ngoại tình với trai lạ thử lòng người yêu" hay thậm chí là "Đòi bạn trai làm một nháy xem phản ứng" trên kênh Youtube Ngọc Lan Vlog. Hay một loạt video "Giả gái mại dâm thử lòng người yêu", "Giả nghiên ma túy thử lòng người yêu" của kênh Haha TV cũng như một số kênh PMH Troll...
Những hàng tiêu đề này thực sự gây ra sự tò mò và thực tế lượt xem của những video này từ vài trăm đến vài triệu lượt xem chỉ sau vài ngày đăng tải. Trong khi đó những video mang tính giáo dục, du lịch, văn hóa để đạt được lượt xem như trên là rất khó trong thời ngắn và thậm chí nhiều Youtuber đã từ bỏ đam mê của mình vì khó hút người xem.
Lấy một ví dụ rõ nét đó là kênh PMH Troll, kênh này thành lập từ cuối tháng 11/2018 và chỉ sau 4 tháng đã có nút bạc của Youtube. Các nội dung của kênh này xoay quanh những hàng tiêu đề tò mò và chẳng có nội dung nào mang tính giáo dục định hướng, chẳng hạn: "Đưa gái về nhà ngủ, vợ bắt quả tang", "Thử hút ma túy, chơi bóng cười ngáo đá", "Đập đầu bồn cầu xịt máu đầu"... thu hút từ 200 đến gần 800 ngàn lượt xem một video. Kênh này hiện có đến 147.644 lượt người đăng ký theo dõi và các video đang tiếp tục được tung ra đều đặn 2 ngày/ lần với các nội dung nhảm nhí.
Nhiều tài khoản rất trẻ vào ủng hộ các kênh nội dung nhảm nhí
Đáng chú ý, trong những video kể trên, người dùng sẽ thấy được rất nhiều bình luận từ người xem, tục tĩu có, cổ vũ có và thậm chí có nhiều tài khoản của các trẻ em vô tư bình luận.
Nhìn vào thực trạng hiện nay trên Youtube, Nhà báo Phạm Hồng Phước nhận định, lâu nay các mạng xã hội, kể cả Facebook, YouTube... bị "xả rác" ngày càng dữ dội hơn. Đủ thứ "rác" mà những người muốn câu view, câu like, muốn thu hút nhiều người theo dõi đã nghĩ ra.
Nhà báo này chua chát nói rằng, cái gì họ cũng sẵn sàng làm, làm bất chấp, miễn là thu hút được nhiều người. Họ đánh đúng tâm lý thích coi những gì lạ, bất thường, phi chuẩn... của đại đa số người thường xuyên sống trên mạng là "quởn", không biết làm gì.
Anh N., một Youtuber chia sẻ, anh đã đầu tư máy móc và cả con người để làm một kênh về giáo dục một năm nhưng kết quả thu lại vẫn chỉ "lẹt đẹt" vào ngàn view cho mỗi clip. Những clip này còn thậm chí không dính đề xuất. Trong khi những video có nội dung rất tào lao, vô bổ lại được Youtube để xuất, view khủng.
Tab thịnh hành với những video gây tò mò
Anh N, cũng cho biết kể từ khi có Youtube ở Việt Nam, nhiều người đã bỏ công việc để chạy theo kiếm tiền trên Youtube, một phần vì có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân và một phần có thể tự chủ được thời gian. Ban đầu những kênh sạch sống tốt nhưng từ khi các kênh chửi bậy, giang hồ internet và những trò đùa liên quan tình dục... bùng phát mạnh đã hầu như chiếm sóng trên Youtube. Tốc độ tăng trưởng của những kênh này nhanh đến nỗi mà nhiều người phải chạy theo hòng hút view và theo anh này, cứ nhiều view là có nhiều tiền. Thậm chí anh N, cũng chỉ ra rằng các diễn viên nổi tiếng như Nam Thư, Thu Trang cũng phải "đi theo" trào lưu giang hồ để hút người xem, hút quảng cáo. Vậy tại sao cứ phải bám trụ mãi với nội dung sạch để túi tiền ngày càng eo hẹp? anh N, đặt vấn đề.
Lỗi do ai?
Nếu không có ngân sách để duy trì kênh thì khó lòng mà nhiều kênh có thể tồn tại được ngày này sang ngày nọ, tháng này sang tháng kia. Chính Youtube và những nhãn hàng đang tiếp tay để những kênh độc hại như vậy có cơ hội bùng phát mạnh mẽ như hiện nay.
Thực tế, trong những video nhảm nhí kể trên, người dùng dễ dàng thấy sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng quảng cáo. Ở những video giang hồ internet của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... đều chứa quảng cáo trả phí do Youtube đặt. Và cứ tính theo lũy tiến, video càng mang lại lượt view khủng thì số tiền quảng cáo mà các kênh này thu về không hề nhỏ, thậm chí một tháng tiền thu nhập bằng cả một năm lương đi làm công nhân viên chức.
Theo trang đánh giá Socialblade, kênh PMH Troll có mức thu nhập một tháng vào khoảng gần 100 triệu đồng, hay kênh Dương Minh Tuyền vào khoảng khoảng 600 triệu đồng/tháng. Thực sự đó là một số tiền rất khủng.
Như bài viết trước Dân trí đã chỉ rõ, trên tab thịnh hành của Youtube hầu như các video bạo lực, video có những tiêu đề về tình dục gây tò mò... Điều này cũng góp phần giúp cho những kênh này phổ biến hơn và nó ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của người xem.
Một nhà quản lý nội dung trên Youtube ở Việt Nam cho rằng: "Đồng ý rằng người dùng hiện nay thích những nội dung gây tò mò, nội dung giang hồ, bạo lực nên nó luôn nằm trên top xu hướng, thịnh hành. Tuy nhiên, nếu Youtube định hướng, thay đổi thuật toán bằng việc thay tab xu hướng thành những nội dung sạch, nội dung hay để ủng hộ các kênh làm việc chuyên nghiệp, có định hướng thì nó cũng góp phần thay đổi hành vi của người xem và đẩy lùi bớt những video độc hại. Nhiều người sẽ không còn phải nhìn thấy mấy nội dung vô bổ mà mình không thích xem cứ lên tab xu hướng, thịnh hành".
"Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng thật đúng trong trường hợp hiện nay", nhà quản lý nội dung này nhận định.
Quảng cáo vô tội vạ của các nhãn hàng
Đối với nhãn hàng quảng cáo, có lẽ việc hút được nhiều người xem quảng cáo nhất đó là một thành công và thế, họ cứ giao phó cho Youtube muốn đặt đâu thì đặt. Bằng chứng không chỉ trên các video vô thưởng vô phạt trên Youtube, những video "máu me", đâm chém với nhiều quảng cáo xuất hiện trong video.
Nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng, có một thực tế mà tất cả phải chấp nhận là khó thể đánh giá rạch ròi đâu là nội dung vô bổ, nhảm nhí, xàm, vì nó tùy thuộc vào cái gu, cái nhận thức của từng người. Thậm chí ngay cả giữa các mạng xã hội cũng có những định chuẩn khác nhau về nội dung mà họ đưa lên. Chúng ta cũng không thể nhân danh điều gì để lên án, phê phán những người làm các nội dung vô bổ, nhảm nhí đó khi nội dung đó không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế nếu như không có những nguồn thu từ quảng cáo, thì những clip vô bổ sẽ chẳng còn đường sống. Chính những việc vung tiền vô tội vạ đã khiến cho những video độc hại, vi phạm liên tục được phát tán, bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Đó là một thực trạng đáng buồn, những nhãn hàng cứ vô tư quảng cáo, càng đông người theo dõi, càng tốt.
Nhà báo Phạm Hồng Phước cho rằng, những nhãn hàng nghiêm túc sẽ không muốn sản phẩm của mình xuất hiện trong các clip này. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ lại.
Trước thực trạng này, Nhà báo Phạm Hồng Phước đề xuất, với những nội dung "rác" thì không thể xử lý ngày một ngày hai. Chỉ có cách vận động được mọi người cùng tham gia làm sạch môi trường mạng xã hội và bảo vệ con em mình thôi.
"Với thực trạng và thực tế này, biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục vẫn là chính. Nhưng phải làm thật khéo, nhẹ nhàng mà thuyết phục. Các đoàn thể cũng nên có những chương trình cụ thể để rỉ tai thành viên của mình. Trong lớp học, thầy cô nên thường xuyên dành ra dăm ba phút chia sẻ, tâm tình mang tính dẫn dắt học sinh. Đừng có tập trung vào chống cái xấu, cái hại vì càng kích thích người xem. Hay nói về những cái lợi, cái tốt", nhà Báo Phạm Hồng Phước chia sẻ thêm.
Một Nhà báo có tiếng khác ở TPHCM cũng chung nhận định, đó là nâng hiểu biết, phổ cập nghệ thuật, tức các biện pháp vĩ mô, cần chung tay của cả xã hội.
Ngoài ra, để bảo vệ con trẻ trước thực trạng này, Nhà báo Phạm Hồng Phước đưa lời khuyên, phụ huynh nên dành thời gian để tâm tình cùng con, cùng xem YouTube với con. Về kỹ thuật thì có những quy định rõ ràng mà phụ huynh và con em cùng thống nhất với nhau, nếu vi phạm cũng bị phạt. Chẳng hạn như quy định thời gian lên mạng và những nội dung nên coi. Đừng có đưa ra những nội dung cấm coi vì càng kích thích bọn trẻ, đặc biệt với tâm lý ở tuổi thích khám phá, thích làm người lớn, thích vượt rào.
Gia Hưng