Cấp bách vấn đề quản lý tần số dành cho di động băng rộng
(Dân trí) - Sự phát triển của vô tuyến băng rộng là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông. Việc quản lý và sử dụng hiệu quả phổ tần kết hợp với các giải pháp công nghệ sẽ giúp cho các nhà khai thác thông tin di động đầu tư hiệu quả và nâng cao chất lượng mạng di động.
Đây là một trong những vấn đề được đưa ra phân tích và chia sẻ tại Hội thảo về Quản lý tần số có chủ đề “Quản lý tần số đối với di động băng rộng và các công nghệ ứng dụng cho di động băng rộng trong tương lai” do Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sáng 8/6.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng rộng xuất hiện ngày càng nhiều; các chủng loại, thiết bị 4G (cả thiết bị mạng và đầu cuối) đa dạng và giá thành ngày càng giảm; các doanh nghiệp đã sẵn sàng kế hoạch đầu tư triển khai 4G. Đầu năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020. Chương trình có mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, an toàn, dung lượng lớn và có tốc độ cao, vùng phủ, dịch vụ đa dạng rộng khắp cả nước, xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020”.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng cho rằng, cần triển khai mạnh mẽ hạ tầng băng rộng quốc gia nói chung, trong đó có hạ tầng băng rộng di động 4G. Hạ tầng băng rộng đã được xác định là hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Để bảo đảm cho sự thành công, phát triển bền vững của 4G nói riêng và băng rộng nói chung thì mô hình hợp tác, cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý giữa doanh nghiệp xây dựng hạ tầng băng rộng, doanh nghiệp phát triển nội dung, ứng dụng, người sử dụng dịch vụ cần được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Lãnh đạo của Cục Tần số vô tuyến điện, quản lý tần số đối với di động băng thông rộng là vấn đề nóng tại Việt Nam khi theo lộ trình của Chính phủ công nghệ mạng 4G sẽ phải sớm được cấp phép trong năm 2016 và khái niệm về công nghệ mạng 5G đã được thông qua trên thế giới.
Một trong những đặc tính ưu việt của công nghệ 4G là khả năng kết hợp phổ tần để cung cấp đường truyền tốc độ cao. Công nghệ di động băng rộng trong tương lai chỉ có thể được hiện thực hóa khi được đáp ứng đủ nhu cầu phổ tần. Do đó, yêu cầu có phương án sử dụng phổ tần đối với di động băng rộng 4G và tầm nhìn về mạng thông tin di động 5G ngày càng bức thiết.
Nguyễn Hùng