Cảnh báo virus phát tán qua tin nhắn Facebook Messenger

(Dân trí) - Những ngày gần đây, nhiều người sử dụng Facebook tại Việt Nam liên tục nhận được những tin nhắn phát tán nội dung quảng bá một trang web thông qua tin nhắn Facebook Messenger. Đây là một loại virus mới xuất hiện và được phát tán thông qua tin nhắn trên Facebook Messenger.

Theo phản ánh của độc giả Dân trí, từ 2 ngày gần đây họ liên tục nhận được những tin nhắn gửi đến từ bạn bè của mình thông qua Facebook Messenger với nội dung bằng tiếng Anh: “Video này thuộc về bạn? Nó rất vui”, kèm theo đó là hình ảnh thumbnail chính là ảnh đại diện của người nhận được tin nhắn và một đường link đính kèm.

Nội dung tin nhắn đang được phát tán mạnh mẽ trên Facebook Messenger những ngày qua
Nội dung tin nhắn đang được phát tán mạnh mẽ trên Facebook Messenger những ngày qua

Tuy nhiên, khi kích vào đường link này nếu bằng trình duyệt Chrome trên máy tính sẽ chuyển hướng đến một trang web mới có giai diện hoàn toàn giống Facebook mà không chú ý người dùng sẽ tưởng nhầm rằng đay chính là Facebook. Bên cạnh đó trang web này còn yêu cầu người dùng phải cài đặt thêm Extension để xem nội dung. 

Trên thực tế đây là Extension chứa mã độc và có khả năng chiếm quyền điều khiển trình duyệt Chrome và phát tán đoạn tin nhắn có chứa virus trên Facebook Messenger thông qua tài khoản Facebook đã đăng nhập trên trình duyệt Chrome mà người dùng không hay biết.

Trang web giả mạo với giao diện giống hệt Facebook
Trang web giả mạo với giao diện giống hệt Facebook

Trong khi đó, nếu kích vào đường link trên smartphone, người dùng sẽ được yêu cầu cài đặt ứng dụng mới từ kho ứng dụng CH Play của Android hoặc iTunes của iOS.

Có vẻ như virus phát tán qua Facebook Messenger hoạt động như một phần mềm adware được các hacker sử dụng để phát tán và quảng bá các tin nhắn về các trang web, ứng dụng của hacker. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, loại virus này có nhiều khả năng bắt nguồn từ các hacker Thổ Nhĩ Kỳ và hiện tại chủ yếu được phát tán với người dùng tại Việt Nam. Vẫn chưa rõ lý do vì sao loại virus này lại hoạt động mạnh chủ yếu tại Việt Nam mà chưa lan rộng tại nhiều quốc gia khác.

Để tự bảo  vệ mình, người dùng tuyệt đối không được kích vào đường link từ tin nhắn mà bạn bè mình gửi đến, đồng thời xem lại lịch sử tin nhắn Facebook Messenger để kiểm tra xem mình có tự động phát tán tin nhắn tương tự đến người khác hay không.

Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra lại trình duyệt Chrome trên máy tính mình đang sử dụng xem có bị cài đặt extension có tên “Facebook Video Plugin” hay không, nếu có hãy gỡ bỏ extension này khỏi trình duyệt của mình.

Gần đây, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng Facebook để phát tán các trang web trên mạng xã hội này, trong đó nổi bật nhất là cách thức chèn vào bên trong các trang web đoạn mã để khi người dùng ghé thăm vào các trang web đó sẽ tự động nhấn “Thích” trang Facebook của chúng, đồng thời tự động phát tán trang web này lên dòng thời gian của mình.

Những trang web được phát tán thường được “ngụy trang” dưới các tiêu đề “hấp dẫn” và các hình ảnh “nóng bỏng” để lôi kéo những người tò mò khác kích vào đường link, từ đó bị lợi dụng tiếp tục phát tán những trang web. 

Điều này làm nhiều người dùng Facebook cảm thấy khó chịu, thậm chí khiến họ bị hiểu lầm vì phát tác các trang web “đen” trên Facebook. Thậm chí, các trang web được phát tán này có thể ẩn chứa mã độc để xâm nhập và đánh cắp thông tin trên máy tính của người dùng.

Do vậy, nếu thấy những trang web khả nghi được phát tán và chia sẻ trên Facebook, bạn nên bỏ qua chúng và đừng vì quá tò mò hay những lời mời gọi “hấp dẫn” để rồi truy cập vào các trang web đó và vô tình trở thành nạn nhân phát tán các trang web độc hại lên Facebook.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm