DMagazine

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết

(Dân trí) - Dịp cận Tết là thời điểm những kẻ lừa đảo tích cực hoạt động để chiếm đoạt tiền và tài sản từ người dân. Dưới đây là những chiêu lừa phổ biến nhất bạn cần biết để tránh trở thành nạn nhân.

Dịp cận Tết là thời điểm những kẻ lừa đảo tích cực hoạt động để chiếm đoạt tiền và tài sản từ người dân. Dưới đây là những chiêu lừa phổ biến nhất bạn cần biết để tránh trở thành nạn nhân.

Thời điểm cuối năm âm lịch và cận Tết Nguyên Đán là dịp nhiều người tăng cường mua sắm, chuyển tiền hoặc tìm kiếm việc làm thêm… đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo tung ra những "chiêu lừa" hết sức tinh vi để chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin.

Dưới đây là những chiêu trò lừa đảo đang "nở rộ" trên mạng xã hội trong thời điểm cận Tết mà bạn đọc cần nắm rõ để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ xấu.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 1

Vài ngày trước, anh T.Đ.Khiêm - một nhân viên văn phòng tại quận 8, TPHCM, bất ngờ nhận được một tin nhắn đòi nợ với khoản tiền 3,5 triệu đồng. Trong phần nội dung được gửi đến, tin nhắn còn đe dọa sẽ tung thông tin cá nhân của anh và gia đình lên mạng xã hội.

Điều đáng nói, anh Khiêm khẳng định bản thân không vay nợ bất cứ ai hay tổ chức tín dụng nào. Đồng thời, số điện thoại và số căn cước công dân ghi trong tin nhắn cũng không chính xác. Tuy vậy, mỗi ngày trôi qua, anh đều bị "khủng bố" bởi hàng loạt cuộc gọi, tin nhắn đe dọa.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 3

"Tôi hoàn toàn không vay nợ bất cứ khoản tiền nào. Những thông tin về số điện thoại hay căn cước công dân cũng không chính xác. Tuy nhiên, ngày nào cũng có số điện thoại lạ gọi điện đến và làm phiền tôi. Tôi đã cố gắng giải thích nhưng hoàn toàn không có tác dụng", anh Khiêm chia sẻ.

Trên thực tế, anh Khiêm không phải là trường hợp duy nhất bị tấn công bởi trò lừa đảo đòi nợ "khủng bố" như trên. Trước đó không lâu, chị Huyền (sống tại Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Cụ thể, những đối tượng lừa đảo sẽ bất ngờ gửi thông báo đòi nợ đến nạn nhân với một hợp đồng cho vay ảo. Đáng chú ý, chúng nắm rất rõ các thông tin của nạn nhân cũng như người nhà hoặc các mối quan hệ của họ.

Thậm chí, trong một số trường hợp, đối tượng lừa đảo còn lập ra rất nhiều tài khoản Facebook giả danh và nhắn tin cho những người mà nạn nhân thường tương tác, nhằm làm mất uy tín, gây áp lực và buộc họ phải trả khoản nợ mà bản thân không hề vay.

Cần làm gì để tránh trò lừa đảo này?

Để đối phó với tình trạng trên, trước hết người dân cần hết sức bình tĩnh, không để những đối tượng lừa đảo có cơ hội đe dọa và tuyệt đối không làm theo yêu cầu của những đối tượng này.

Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), gửi phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý hoặc cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động bảo vệ các thông tin cá nhân, tránh bị kẻ gian lợi dụng và khai thác, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 5

Đây là chiêu lừa đã xuất hiện từ lâu, nhưng trở nên phổ biến trong dịp cận Tết Nguyên Đán và vẫn còn nhiều người mắc phải.

Chẳng hạn như trường hợp của chị N.Minh (Hà Nội) đã mất hơn 300 triệu đồng trong tài khoản chỉ sau một cuộc điện thoại của kẻ lừa đảo. Theo đó, kẻ lừa đảo đã mạo danh cảnh sát điều tra, thông báo chị Minh có liên quan đến một vụ án ma túy và yêu cầu chị cài đặt ứng dụng có tên gọi "vn84app - Bộ Công an" vào smartphone. Tin nhắn chứa đường link tải và cài đặt ứng dụng được gửi trực tiếp đến số điện thoại của chị Minh.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 7

Sau khi cài đặt ứng dụng, chị Minh điền thông tin cá nhân vào ứng dụng, bao gồm cả thông tin tài khoản ngân hàng. Lập tức, số tiền trong tài khoản ngân hàng của chị Minh đã bị rút sạch một cách nhanh chóng.

Tương tự, chị M.Quỳnh (quận 7, TPHCM) cũng nhận được tin nhắn được gửi đến số điện thoại với nội dung: "Phat hien tai khoan cua ban dang nhap khac vung bat thuong, vui long dang nhap http://i-sacombank.com de xac nhan thong tin va thay doi mat khau".

Chị Quỳnh truy cập vào đường link để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của mình rồi nhập mã OTP. Ngay lập tức, tài khoản của chị mất hơn 38 triệu đồng. Trên thực tế, website ngân hàng điện tử của Sacombank là http://isacombank.com.vn. Việc truy cập vào trang web giả mạo với tên miền gần giống trang web ngân hàng đã khiến chị Quỳnh bị kẻ gian chiếm đoạt tiền.

Không chỉ Sacombank, người dùng của nhiều ngân hàng khác cũng dễ dàng dính phải chiêu lừa này và truy cập nhầm vào các trang web giả mạo ngân hàng nếu không chú ý kỹ địa chỉ tên miền.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 9

Phương thức chung của hình thức lừa đảo này là mạo danh ngân hàng bằng dịch vụ SMS Brandname. Đây là dịch vụ tin nhắn với thông tin người gửi sẽ hiển thị tên các tổ chức, doanh nghiệp... thay vì số điện thoại cụ thể. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng của dịch vụ này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp và ngân hàng để gửi tin nhắn lừa đảo đến người dùng.

Đáng chú ý, do smartphone sẽ gộp chung các tin nhắn có chung tên người gửi vào chung một luồng tin nhắn, do vậy, các tin nhắn mạo danh ngân hàng sẽ bị gộp chung vào trong luồng tin nhắn cũ trước đây được gửi đến từ ngân hàng thật, điều này khiến nhiều người dùng bị qua mặt và mắc bẫy những kẻ lừa đảo.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc những kẻ lừa đảo lừa người dùng cài đặt các ứng dụng độc hại, truy cập trang web giả mạo để lấy cắp tài khoản ngân hàng không phải là mới. Sau khi có được thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, chúng sẽ lừa người dùng đăng nhập vào tài khoản thật để lấy mã OTP nhằm dễ dàng truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân, từ đó rút sạch tiền một cách nhanh chóng.

Cần làm gì để tránh chiêu lừa đảo này?

Để tránh trở thành nạn nhân, người dùng tuyệt đối không truy cập các đường link trang web được gửi đến trong tin nhắn, email "lạ" hoặc không rõ nguồn gốc. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng, bao gồm tên và mật khẩu đăng nhập tài khoản, dưới bất cứ hình thức nào.

Cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp, mở thẻ tín dụng không rõ ràng. Đặc biệt là các yêu cầu phải chuyển khoản, thanh toán trước các khoản phí mở hồ sơ, nhận hợp đồng hay giải ngân tiền. 

Tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã PIN, mã OTP với bất kỳ cá nhân và tổ chức nào, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc người của cơ quan chức năng. Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo qua điện thoại, người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của người lạ, ngay lập tức đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng và thông báo cho ngân hàng để được hỗ trợ. 

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 11

Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh trong dịp cận Tết. Nhiều người không có thời gian và ưa thích sự tiện lợi sẽ lựa chọn hình thức mua hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử hoặc thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo đã thực hiện hành vi bán hàng giả hoặc tráo hàng, không giao hàng cho người dùng.

Cụ thể, những kẻ lừa đảo sẽ lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo để rao bán những sản phẩm nhiều người cần trong dịp Tết, như áo quần, bánh kẹo, mỹ phẩm hoặc smartphone… với mức giá rẻ hơn đáng kể so với mặt bằng chung trên thị trường. Với những ai đặt mua hàng, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ trả tiền trước để được hưởng các ưu đãi như miễn phí ship hoặc được tặng thêm quà…

Khi người dùng đặt mua các sản phẩm này, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi những loại hàng không đúng như quảng cáo, với giá trị thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà người dùng đã bỏ ra. Thường những đơn hàng này sẽ không cho phép mở hàng để kiểm tra ngay khi nhận.

Đôi khi, những kẻ lừa đảo còn tinh vi đến mức giả làm người giao hàng để nhận tiền trực tiếp từ người mua, sau đó nhanh chóng rời đi ngay sau khi nhận tiền mà không để người mua kịp kiểm tra hàng.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 13

Nhiều người dùng chủ quan sau khi nhận hàng đã không kiểm tra ngay. Lúc nhận ra hàng mình nhận được không đúng như sản phẩm đã đặt mua nhưng khi liên lạc lại với phía người bán thì đã bị chặn mọi liên lạc, từ Facebook đến số điện thoại. Lúc này, người dùng mới biết mình đã bị lừa mà không có cách nào để giải quyết do không còn liên hệ được với người bán mà tiền thì đã thanh toán.

Cần làm gì để tránh chiêu lừa đảo này?

Để tránh kiểu lừa đảo này, người dùng nên đặt mua sản phẩm thông các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín, xem kỹ đánh giá về người bán trước khi mua hàng. Hiện các sàn thương mại điện tử có những cách khác nhau để ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng như cho phép người dùng trả lại sản phẩm rồi hoàn tiền; giữ tiền thanh toán một thời gian trước khi chuyển cho phía người bán đề phòng trường hợp người mua khiếu nại và trả lại hàng do không nhận đúng sản phẩm…

Ngoài ra, người mua cũng nên kiểm tra hàng ngay khi nhận và chỉ trả tiền khi đã nhận đúng sản phẩm mình đặt mua, tránh chuyển tiền trả trước rồi mới nhận hàng. Để đề phòng, người dùng cũng nên quay video lại quá trình mình mở hộp đựng sản phẩm để có thể khiếu nại nếu cần.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 15

Không ít người có nhu cầu tìm việc làm thêm vào dịp cận Tết hoặc trong Tết Nguyên Đán, bởi lẽ tiền lương chi trả trong thời điểm này sẽ cao gấp nhiều lần so với những ngày làm việc bình thường. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này để lấy cắp thông tin cá nhân, thậm chí lừa tiền của không ít người.

Theo đó, các đối tượng lừa đảo sẽ đăng lên Facebook những bài viết có nội dung tuyển người làm trong dịp Tết, với mức lương hấp dẫn. Nhiều người có nhu cầu tìm việc sẽ liên hệ để ứng tuyển, lúc này, những tên lừa đảo yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, gửi ảnh căn cước công dân, bằng lái xe… với lý do cần nắm thông tin để sắp xếp công việc.

N.V.Nam, sinh viên năm ba tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, là một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này. Nam cho biết mình đọc được thông báo tuyển dụng trên Facebook về công việc phục vụ nhà hàng trong dịp cận Tết với mức lương ưu đãi.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 17

Tuy nhiên, khi liên hệ với tài khoản Facebook để xin việc, kẻ lừa đảo đã yêu cầu Nam chụp ảnh căn cước công dân, bằng lái xe, cung cấp số điện thoại, địa chỉ gia đình… để dễ dàng liên hệ cho công việc.

Tuy nhiên, trên thực tế, mục đích của những kẻ lừa đảo này là nhằm lấy cắp thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ cả tin. Sau khi có đầy đủ thông tin cá nhân, kẻ lừa đảo đã yêu cầu Nam phải trả tiền, nếu không sẽ sử dụng thông tin của em để vay tiền thông qua các ứng dụng cho vay, với mức lãi suất rất cao.

Hoảng sợ vì bị đe dọa, Nam đã chấp nhận chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Nam cho rằng mình không phải là nạn nhân duy nhất của những kẻ lừa đảo này.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng lỗ hổng của những ứng dụng cho vay tiền, khi chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và ảnh thẻ căn cước công dân là đã có thể vay được tiền. Lo sợ bản thân sẽ phải mang những khoản nợ lãi suất cao, nhiều nạn nhân đã chấp nhận trả tiền cho những kẻ lừa đảo để chuộc lại thông tin cá nhân của mình.

Cần làm gì để tránh chiêu trò lừa đảo này?

Để tránh chiêu trò lừa đảo này, bạn tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt ảnh chụp thẻ căn cước công dân, ảnh chụp bằng lái xe… cho những người mà mình không quen biết, cũng như không đăng tải công khai những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị người khác lấy cắp và lợi dụng cho những mục đích xấu.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 19

Với chiêu lừa này, những đối tượng lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên của nhà mạng, gọi điện đến người dùng để thông báo hỗ trợ nâng cấp miễn phí SIM điện thoại từ 4G lên 5G, kèm theo nhiều quà tặng miễn phí như gói cước di động, phút gọi miễn phí…

Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng gửi tin nhắn theo cú pháp để nâng cấp, nhưng thực chất bước này để lừa khách hàng kích hoạt SIM mới trên thiết bị của kẻ lừa đảo và thay thế cho SIM hiện tại của khách hàng.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 21

Nếu người dùng tin tưởng làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn có mã OTP đến số điện thoại của khách hàng để xác nhận thay đổi. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng đọc mã OTP được gửi tới và thuyết phục rằng mã OTP này để nâng cấp SIM điện thoại. Khách hàng làm theo yêu cầu, cung cấp mã OTP cho kẻ lừa đảo và SIM lập tức bị vô hiệu hóa, hoàn toàn không sử dụng được do kẻ lừa đảo đã chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại của người dùng.

Trong ít phút sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ liên hệ nhà mạng để truy vấn số CCCD của nạn nhân. Do có quyền kiểm soát cả số điện thoại và thông tin số CCCD, chúng tiếp tục gọi điện lên tổng đài của ngân hàng để yêu cầu cấp lại tài khoản đăng nhập internet banking qua email, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và chuyển hết tiền trong tài khoản của khách hàng sang tài khoản ở các ngân hàng khác.

Đôi khi, các đối tượng lừa đảo sẽ lừa người dùng nhắn tin theo cú pháp để kích hoạt chức năng chuyển tiếp tất cả các cuộc gọi từ số điện thoại của người dùng sang số thuê bao của chúng. Sau khi thực hiện lệnh chuyển hướng tất cả các cuộc gọi, người dùng vẫn sẽ tiếp tục sử dụng điện thoại của mình bình thường và vẫn nhận được tin nhắn SMS bình thường, tuy nhiên, tất cả các cuộc gọi đến số điện thoại của người dùng sẽ được chuyển hướng sang số điện thoại của kẻ lừa đảo.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 23

Một khi đã lừa được người dùng thực hiện chuyển hướng tất cả các cuộc gọi, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng số điện thoại của nạn nhân để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc mạng xã hội… sau đó, khai báo quên mật khẩu đăng nhập và yêu cầu gửi lại mật khẩu thông qua cuộc gọi về số điện thoại di động. Lúc này, cuộc gọi cấp lại mật khẩu cũng như mật khẩu OTP từ tổng đài của ví điện tử hoặc mạng xã hội sẽ chuyển hướng đến số điện thoại của kẻ gian, từ đó, chúng có thể chiếm đoạt được tài khoản ví điện tử hoặc mạng xã hội của người dùng.

Cần làm gì để tránh chiêu trò lừa đảo này?

Để tránh chiêu trò lừa đảo này, người dùng cần chủ động liên hệ và xác minh thông tin trực tiếp với tổng đài hỗ trợ chính thức của các nhà mạng và ngân hàng nếu có nhu cầu thay đổi các dịch vụ. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin như mật khẩu, tên đăng nhập hoặc mã OTP cho người khác.

Để đảm bảo an toàn, người dùng tuyệt đối không thực hiện theo hướng dẫn của những cuộc gọi đến, bởi lẽ đây có thể là những kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên nhà mạng. Người dùng chỉ nên kích hoạt các dịch vụ cần thiết thông qua việc chủ động gọi tới tổng đài chính thức của nhà mạng, hoặc đến trực tiếp các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ.

Cảnh báo những chiêu lừa chiếm đoạt tài sản tinh vi trên mạng dịp cận Tết - 25

Trên đây là một vài chiêu trò lừa đảo tinh vi được nhiều kẻ xấu lợi dụng để thực hiện trong thời điểm cận Tết Nguyên Đán, bạn đọc nên nắm rõ để không trở thành nạn nhân, tránh trường hợp vừa mất tiền vừa khiến tâm lý trở nên không thoải mái khi Tết đang đến gần.

Nội dung: Quang Huy
Thiết kế: Tuấn Huy