“Cần kiểm soát và hướng dẫn trẻ em chơi game online”

(Dân trí) - Sự tác động của game online đến giới trẻ là đề tài hiện vẫn thu hút sự quan tâm của cả xã hội với rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thế giới ảo của game online cũng có khía cạnh tốt và xấu.

Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ ông Phạm Phúc Thịnh - Thạc sĩ, giảng viên Công Nghệ Thông Tin trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Bình Dương và hiện đang cộng tác tư vấn về giáo dục của Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc để thảo luận thêm về loại hình giải trí này.

Là người thường xuyên làm việc và tiếp xúc với đối tượng học sinh, sinh viên hay nói chung là giới trẻ, với kinh nghiệm của mình, ông nhận định thế nào về sự ảnh hưởng của game online với giới trẻ?

Ông Phạm Phúc Thịnh: Theo quan điểm của tôi, game online không phải là vấn đề trầm trọng như sự thổi phồng của một số báo. Trong trường cao đẳng tôi đang công tác, sinh viên của tôi chơi game rất nhiều nhưng cũng không vì vậy mà sao nhãng việc học. Có những em vẫn chơi game nhưng học rất tốt, tham gia công tác xã hội cũng tốt. Tôi có thể nêu ra được rất nhiều trường hợp điển hình với người thật, việc thật như thế. Theo tôi thì ảnh hưởng của game online đến người chơi thế nào hoàn toàn là do cách của họ chứ không phải do bản thân trò chơi gây ra.

Thực ra, thế giới ảo của game online cũng có khía cạnh tốt và xấu. Có những người giúp mình nhưng cũng có những người sẵn sàng lừa mình bất cứ lúc nào. Cái quan trọng là mình biết giữ mình như thế nào trong thế giới ảo cũng như trong đời thật. Tôi cũng có những người bạn trong game online. Họ cùng chia sẻ với tôi về mặt chuyên môn, công việc gia đình... Những cái xấu và cái tốt trong game là phản ảnh xã hội thật bên ngoài.
 
“Cần kiểm soát và hướng dẫn trẻ em chơi game online” - 1
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh góp ý trong một chuyên đề về Game online

Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giới trẻ quá “sa đà” và dẫn tới nghiện game?

Giới trẻ mà nhất là trẻ em có “sa đà” vào game hay không là xuất phát từ nền tảng giáo dục của gia đình. Nếu bố mẹ thường xuyên quan tâm, trò chuyện, tạo cho các em những sân chơi bổ ích khác, các em sẽ có được sự cân bằng trong cuộc sống và game chỉ đơn thuần là hình thức giải trí. Còn những em bị gọi là “nghiện” game thường là trẻ ít nhận được sự quan tâm của bố mẹ, nhất là không có những cuộc đối thoại thường xuyên với người lớn hay bạn bè. Các em hầu như mất định hướng, không biết chuyện cùng ai ngoài những người bạn trong thế giới ảo của mình.

Theo ông, về phía gia đình, các bậc phụ huynh có nên cấm con trẻ chơi game?

Không nên cấm đoán các em chơi game vì càng cấm, các em càng tò mò muốn biết và nếu không được định hướng tốt thì tác hại sẽ khó lường. Hơn nữa, về mặt bản chất, game online chỉ là những trò chơi mang tính giải trí đơn thuần nên gia đình và xã hội cần có cái nhìn công bằng, khách quan hơn để có những định hướng tốt cho giới trẻ.

Nếu như không thể phủ nhận được game online, vậy theo ông, cần làm gì để giúp giới trẻ không bị những ảnh hưởng xấu từ loại hình giải trí này?

Tôi có hai con nhỏ và cả hai đều rất thích chơi game. Tôi luôn ủng hộ, định hướng cho các cháu và áp dụng những biện pháp kỹ thuật quản lý thời gian chơi, sử dụng máy tính hàng ngày để giúp các cháu không “lệ thuộc” vào game. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên dẫn các cháu đi nhà sách, tham gia các hoạt động ngoài trời và thường xuyên trò chuyện để thông hiểu với trẻ.

Theo tôi, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cần phải kiên trì, nhẫn nại với con cái. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tìm đến với các thói quen tốt như: đọc sách, rèn luyện thể thao hay tạo điều kiện cho trẻ phụ giúp các công việc lặt vặt trong gia đình và thường xuyên trò chuyện cùng nhau. Cần nêu lên các yêu cầu trong cuộc sống nhưng không vượt quá sức hay khả năng của trẻ. Với việc sát cánh, song hành cùng con cái và tạo ra một không khí gia đình đầm ấm, cha mẹ sẽ giúp con cái có những bước đi vững chãi trong cuộc sống.

T.T thực hiện