Camera giám sát lặng lẽ thu thập dữ liệu như gián điệp giữa nhà
(Dân trí) - Chuyên gia nhìn nhận camera giám sát hiện nay giống như một máy tính đặc biệt, có khả năng lặng lẽ thu thập nhiều dữ liệu nhạy cảm không riêng gì hình ảnh, âm thanh.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật công ty NCS cho rằng các loại camera an ninh hiện tại giống như máy tính, thậm chí được tích hợp AI, nhưng không được đối xử tương đương về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu bảo mật.
"Camera không bao giờ tắt, luôn online 24/24, ít được vá lỗi, gần như không được cập nhật bản vá, phần mềm diệt virus. Do đó, nếu bị tấn công sẽ không có ai bảo vệ", ông Sơn đánh giá.
Đây là một trong số những nội dung được chia sẻ tại tọa đàm "Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát", do báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức sáng 22/5.
Gián điệp giữa nhà
Tham dự cuộc tọa đàm, có mặt các nhà sản xuất camera giám sát trong nước, chuyên gia bảo mật và đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Pavana đánh giá việc đảm bảo an toàn thông tin không chỉ là vấn đề cá nhân, mà còn nghiêm trọng với doanh nghiệp và Chính phủ, chẳng hạn như dữ liệu về hoạt động kinh doanh, hay lộ trình di chuyển của các VIP.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc VNPT Technology phân tích, camera trông đơn giản, nhỏ bé nhưng là một thiết bị phức tạp, gồm phần quang, phát sóng - Wi-Fi và mạng LAN.
Với 2 giao diện mạng như vậy, camera có thể thành thiết bị để thu thập thông tin. Một camera đặt trong nhà, sẽ giống như máy tính có hệ điều hành, có ghi âm, có hình ảnh và gần như là có thêm 1 người ở trong nhà mình, chạy âm thầm. Do đó, nếu có lỗ hổng, thiết bị camera hoàn toàn có thể gửi thông tin ra ngoài.
Cũng vì là thiết bị mạng, nên camera thu thập được tất cả thông tin về mạng lưới ở trong nhà, cơ quan. Ví dụ, để 1 thiết bị trong mạng thì nó sẽ quét được trong hệ thống mạng của mình có bao nhiêu thiết bị iPhone, Samsung, có địa chỉ, thông tin... và âm thầm gửi dữ liệu ra ngoài. Đó là nguy cơ rất lớn.
Đánh giá về việc mất an toàn an ninh, ông Vũ Ngọc Sơn- Trưởng ban Công nghệ - Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật công ty NCS nêu quan điểm camera không được đối xử như máy tính. Máy tính có nhiều tiêu chuẩn, có yêu cầu xuất xứ rõ ràng nhưng camera không có nhiều tiêu chuẩn như vậy.
"Năm 2014, một website quảng cáo có thể xem trực tuyến 730.000 camera khác nhau trên thế giới mà không cần mật khẩu, trong đó có hơn 1.000 camera tại Việt Nam.
Năm 2023, một số hacker rao bán quyền truy cập camera tại Việt Nam, có những hệ thống lên tới hơn 100.000 camera. Số tiền bỏ ra để xem cũng khiêm tốn, chỉ khoảng 800.000 đồng để truy cập 15 camera", ông Sơn nêu một số dẫn chứng.
"Camera cũng là bàn đạp để hacker tấn công hệ thống khác bên trong. Camera bản chất là một máy tính và có hệ điều hành. Một số camera tích hợp sẵn AI, đồng nghĩa hệ điều hành đạt tiến bộ nhất định, có thể cài phần mềm gián điệp", ông Sơn nói.
Xem thêm: Camera giám sát để lộ khoảnh khắc nhạy cảm, riêng tư- Những điều cần tránh
Sớm có quy chuẩn về an toàn thông tin mạng cơ bản với camera giám sát
Tại tọa đàm, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng phụ trách Cục ATTT (Bộ TT-TT) cho biết, ngày 7/5, Bộ TT&TT đã ban hành bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.
Theo ông Trần Đăng Khoa, bộ tiêu chí này được ban hành trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ các tài liệu liên quan của quốc tế. Theo đó, nội hàm của bộ tiêu chí tập trung vào 3 điểm chính: Thứ nhất là kỹ thuật, thứ hai là quản lý và thứ ba là vấn đề nhận thức.
"Với bộ tiêu chí này, chúng tôi cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp, các chuyên gia để xây dựng "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho thiết bị camera giám sát", dự kiến trong năm 2024, quy chuẩn này sẽ được ban hành.
Khi có quy chuẩn kỹ thuật, bắt buộc các camera được sản xuất tại Việt Nam đưa ra thị trường hay những camera nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ buộc phải được kiểm định, đánh giá, được chứng nhận hợp quy, đáp ứng các yêu cầu đó thì mới được đưa ra thị trường Việt Nam, để cung cấp cho người sử dụng.
Khi đó, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề an toàn thiết bị camera giám sát", ông Khoa nêu.
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng tập trung bàn giải pháp để camera quan sát của các nhà sản xuất trong nước có thể cạnh tranh, hạ giá thành.
Nhiều ý kiến thảo luận quanh việc thành lập một hiệp hội hoặc câu lạc bộ gồm các doanh nghiệp sản xuất camera trong nước. Theo đó các doanh nghiệp có thể tận dụng lẫn nhau thế mạnh phần cứng, giải pháp, nền tảng phần mềm... từ đó giúp giá thành cạnh tranh hơn, sản phẩm chất lượng hơn.
"Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà nếu người tiêu dùng vẫn lựa chọn camera trôi nổi trên thị trường vì lý do giá thành và chất lượng. Do đó, cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để các doanh nghiệp trước mắt có thể tồn tại trong nước, trước khi tính đến chuyện vươn ra biển lớn", ông Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Vconnex chia sẻ.