Cảm xúc và bức xúc từ nhạc chờ điện thoại

"Có thời gian tôi phải đi công tác xa, nhiều khi cả tháng không về nhà. Rồi một lần, khi gọi điện cho vợ, thay vì những hồi tút tút vô cảm như bình thường, tôi được nghe giai điệu Ước gì, anh ở đây giờ này... Tôi xúc động lặng người", anh Dũng (Hà Nội) kể lại.

Công việc của một người làm quản lý khách sạn quá bận rộn nên anh Dũng cũng trễ nải việc liên hệ về nhà. Nhưng từ sau khi nghe được nỗi niềm Ước gì từ di động của bà xã, anh Dũng liên tục gọi điện cho vợ khiến chị cũng rất ngạc nhiên. "Thú thực là cả ngày hôm đó tôi đã bị ám ảnh bởi giai điệu bài hát và những lời ca thì cứ ngân nga mãi trong đầu. Tự nhiên tôi thấy rất thương vợ và nhớ nhà da diết", anh Dũng chia sẻ.

Âm nhạc có thể khiến người ta xích lại gần nhau. Và trong trường hợp của đôi bạn Vũ Thành Trung và Nguyễn Thanh Hằng (Hà Nội) thì nhạc chờ điện thoại chính là chiếc cầu nối giúp họ tìm thấy một nửa của mình. Câu chuyện lãng mạn bắt đầu từ lần Hằng gọi điện cho bạn nhưng bấm nhầm vào số máy của Trung và tình cờ nghe được bài hát cô thích từ lâu mà chưa biết tên. Sau đó, Hằng đã xin lỗi vì sự nhầm lẫn của mình rồi đề nghị được gọi lần nữa để nghe những giai điệu nhạc chờ đó. "Anh ấy đã hào phóng cho phép tôi gọi chỉ để nghe nhạc bất kỳ lúc nào tôi muốn và sau đó còn gửi tặng tôi bài hát ấy nữa đã khiến tôi có cảm tình lúc nào không biết", Hằng tâm sự.

Nhiều người thích dịch vụ nhạc chờ của các hãng viễn thông vì nó đem đến cảm giác thư giãn, rút ngắn thời gian chờ đợi đầu dây kia nhấc máy, nhất là khi nghe được những giai điệu đúng sở thích. Có lần, ông Nguyễn Hoài Đường, 60 tuổi ở Hà Nội, rất bực với cô con gái đã không đúng hẹn với bố. Ông gọi điện cho con mình tính "quạt" một trận nhưng rồi nghe được đoạn nhạc không lời êm ái từ máy điện thoại của con, tự nhiên bao nhiêu lời lẽ định mắng mỏ bay biến hết.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tỏ ra hoàn toàn không thấy hứng thú gì với nhạc chờ bởi không phải lúc nào những giai điệu nhạc từ đầu dây bên kia cũng mang lại những xúc cảm dễ chịu. Câu chuyện của chị Lan, làm việc tại TP HCM, là một trường hợp dở khóc, dở cười. "Hôm đó gia đình có tang và tôi phải liên lạc với nhiều người qua điện thoại để lo việc hậu sự. Một số máy di động tôi gọi dùng chuông chờ là loại nhạc hip-hop giật đùng đùng. Quả thực, trong tâm trạng rối bời, đau đớn mà cứ phải nghe những giai điệu như vậy, tôi thấy... chịu không nổi".

"Tôi không thích. Nhiều khi liên hệ đến mấy máy liền đều để cùng một bài nhạc khiến tôi phải nghe đi nghe lại, phát bực mình", Hồng Linh, sinh viên mỹ thuật đa phương tiện ở HN, nói. "Tôi cũng thấy lạ là có những người vẻ ngoài lạnh như băng nhưng lại chơi thể loại nhạc ỉ ôi, cực 'sến'”.

Khi các doanh nghiệp viễn thông đua nhau cung cấp dịch vụ này, nhiều khách hàng trẻ tuổi tỏ ra háo hức dùng thử. Song, không ít trong số đó đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì niềm vui kéo dài chưa được bao lâu đã phải gánh lấy kha khá phiền toái. Nào là khi mới cài nhạc, nhiều người gọi đến thấy lạ lại bỏ máy vì tưởng gọi nhầm. Nào là phải nghe góp ý bài này không hay, bài kia ầm ĩ quá. Có người chọn bài hát sướt mướt thì liên tục bị thắc mắc rằng đang có tâm trạng gì...

“Tôi cũng từng lựa một bài hát đang thịnh hành làm nhạc chờ và nghĩ rằng nhiều người sẽ thích khi gọi điện cho mình. Nhưng họ thích quá tôi cũng khổ vì cả đám bạn cứ thi nhau nháy máy để nghe nhạc”, chị Hoàng Linh Giang (Quy Nhơn) cho biết. “Rồi chính tôi khi gọi điện cho người khác, bắt gặp bài hát hay cũng thả hồn theo đó. Bất chợt nhạc tắt, đầu dây kia 'alo' đến mấy lần mà tôi vẫn sững người, quên mất là mình định nói với người ta cái gì. Thấy bất tiện như vậy, tôi quyết định cắt luôn dịch vụ này. Cứ tút tút khô khan mà lại hóa hay”.

Chỉ là những giai điệu ngắn ngủi kéo dài chưa đến một phút, nhưng cảm xúc mà loại hình dịch vụ giá trị gia tăng của các doanh nghiệp viễn thông mang lại cho người sử dụng cũng đầy đủ cung bậc.

Theo Nguyễn Hằng
VnExpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm