Các nhà mạng “bịt mắt” người dùng thu hàng trăm tỷ đồng
(Dân trí) - Ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã âm thầm cài đặt ứng dụng ngầm vào SIM điện thoại của người dùng để thu về gần 200 tỷ đồng.
Theo đó, tổng số tiền xử phạt của đợt thanh tra diện rộng đối với thuê bao di động trả trước là gần 2 tỷ đồng, tịch thu tổng số 34.667 SIM di động trả trước.
Điều đáng nói, Thanh tra Bộ TT&TT đã phát hiện rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực nội dung tại các doanh nghiệp viễn thông lớn. Cụ thể, Thanh tra Bộ đã phát hiện nhà mạng VinaPhone đã cài đặt sẵn ứng dụng OID trên SIM điện thoại của VinaPhone và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Hành động này đã giúp nhà mạng VinaPhone thu về một khoản tiền lên tới 20,6 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013.
Trong khi đó, MobiFone cũng có sai phạm tương tự khi cài đặt sẵn ứng dụng SuperSIm và Liveinfo trên SIM điện thoại và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí đã được đưa ra. Trong thời gian từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2013 nhà mạng này đã hợp tác tác với 17 CSP để cung cấp dịch vụ này và thu về một khoản tiền trên 150 tỷ đồng.
Thanh tra nhấn mạnh MobiFone mặc dù đã phát hiện các thuê bao phát tán tin nhắn rác nhưng VMS vẫn không ngăn chặn, xử lý, thu hồi đối với các thuê bao này.
Viettel cũng đã cài đặt sẵn phần mềm Viettel Plus trên SIM của điện thoại và bán cho người sử dụng. Ứng dụng này có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước... không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ mới mức phía đã được đưa ra theo điểm ba khoản 4 Điều 40 Nghị định 77/2012/NDD-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008NDD-CP về chống thư rác.
Có thể thấy việc các nhà mạng lập lờ thông tin, “bịt mắt” người dùng để thu về hàng trăm tỷ đồng với những ứng dụng, dịch vụ không phải ai cũng cần đến.