Chấm dứt xem truyền hình lậu:

Các đài truyền hình đều phấn khởi!

"Muốn có chương trình tốt để xem thì phải trả tiền. Việc bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình là một điều tất yếu trong xu thế hội nhập", ông Nguyễn Quý Hòa, Phó giám đốc Đài truyền hình TPHCM (HTV), nói sau khi <a href="http://www.dantri.com.vn/cong-nghe/2006/1/97613.vip">Công ước Brussels</a> có hiệu lực.

Muốn hội nhập, phải tôn trọng luật chơi

Ông Nguyễn Văn Thắng, trợ lý Giám đốc Công ty truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) nói: "SCTV ký hợp đồng độc quyền phát sóng tại TPHCM hai kênh thể thao lớn là ESPN và StarSports với trị giá mỗi hợp đồng lên đến hàng tỉ đồng. Thế nhưng, khá nhiều đài cũng phát chương trình này. Chúng tôi và các đối tác đã kiến nghị đến cơ quan quản lý và bản thân các đơn vị vi phạm nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả gì".

Trong 2 năm qua, dịch vụ truyền hình cáp (phải trả tiền thuê bao hằng tháng) và truyền hình kỹ thuật số (KTS, không trả tiền thuê bao) phát triển khá mạnh. Các nhà cung cấp dịch vụ như SCTV, HTVC, VTVC... đã phải mua bản quyền các kênh truyền hình nước ngoài để cung cấp cho người xem trong nước. "Muốn có chương trình tốt để xem thì phải trả tiền. Việc bảo vệ bản quyền chương trình truyền hình là một điều tất yếu trong xu thế hội nhập", ông Nguyễn Quý Hòa - Phó giám đốc Đài truyền hình TPHCM (HTV) - nói. Còn với SCTV, điều này đồng nghĩa với việc "được trả lại sự công bằng và sẵn sàng chấp nhận cuộc cạnh tranh công bằng đó".

 

Ông Văn Công Quang, Giám đốc Công ty truyền hình cáp Đà Nẵng - Sông Thu khẳng định:  "Việc thực thi Công ước Brussels là phải làm, không thể khác. Muốn hội nhập, phải tôn trọng luật chơi quốc tế".

 

Số phận đầu thu kỹ thuật số

 

Hàng ngàn người cuốn theo phong trào "đầu thu KTS" do Đài phát thanh - truyền hình Bình Dương (PTTHBD) khởi xướng từ năm 2002, đang quan tâm đến việc liệu họ có tiếp tục được xem các kênh nước ngoài hay không. Mọi người chỉ cần bỏ ra khoảng 3 triệu đồng (sau hạ giá còn khoảng 2 triệu đồng) là có thể sở hữu một đầu thu KTS, xem miễn phí 8 - 16 kênh (sau "nâng cấp" lên đến 42 kênh) kể cả các kênh quốc tế.

 

Ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Đài PTTHBD giải thích, đầu thu KTS không phải do Đài PTTHBD sản xuất mà của nhà sản xuất VTC, đài chỉ là đại lý phân phối đầu thu này. Về sau, nhiều nhà phân phối khác tham gia và cũng nhiều đầu thu KTS khác, kể cả đầu thu nhập lậu nên người dân có nhiều chọn lựa hơn.

 

Xung quanh các đầu thu KTS, theo những người làm truyền hình, tính hợp lệ của các kênh thu được mới là chuyện đáng nói. Theo Công ước Brussels, người xem truyền hình sẽ phải trả tiền cho việc này. "Hiện nay, Đài PTTHBD vẫn phải trả tiền cho việc mua kênh để phát miễn phí cho người dân. Chúng tôi vẫn đang làm truyền hình công ích. Phục vụ công chúng là mục tiêu chính chứ không thu của người dân một khoản tiền nào", ông Trường khẳng định. "Vả lại, Công ước đã có hiệu lực nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên chưa thể tính được. Chúng tôi luôn chấp hành đúng theo những quy định của Chính phủ khi có hướng dẫn thi hành", ông Trường nói.

 

Theo Mai Phương, Hùng Sơn, Đặng Ngọc Khoa

Báo Thanh Niên