Bphone và “canh bạc” trăm tỷ của CEO Nguyễn Tử Quảng

(Dân trí) - Sự kiện ra mắt chiếc điện thoại mang thương hiệu Việt đầu tiên của “tay ngang” Bkav ngày mai được xem như là một canh bạc trăm tỷ của CEO Nguyễn Tử Quảng, người chuyên đi diệt virus từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Tử Quảng xuất hiện cùng chiếc điện thoại Bphone tại Hội nghị Kế hoạch năm 2015 của Bkav.

CEO Nguyễn Tử Quảng so sánh Bphone đẹp và cá tính hơn iPhone 6, iPhone 6 Plus của Apple.

Nguyễn Tử Quảng vốn được biết đến là người tiên phong trong lĩnh vực bảo mật tại Việt Nam. Tên tuổi của CEO Nguyễn Tử Quảng và công ty Bkav đã trở nên quen thuộc với người dùng máy tính Việt Nam với phần mềm diệt virus. Tuy nhiên, tham vọng mới trên thị trường smartphone cao cấp của Bkav đang khiến giới truyền thông đặc biệt quan tâm.

Một thương hiệu Việt ra mắt điện thoại không còn là chủ đề thu hút sự chú ý từ nhiều năm nay bởi niềm tin cho một sản phẩm Việt đúng nghĩa đã bị đánh mất khi tất cả các nhà sản xuất, từ Viettel, FPT, cho đến HKPhone (nay đã đổi tên thành Rovi), Mobistar, Qmobile… đều chỉ là gắn nhãn cho các thiết bị thuê ngoài sản xuất (OEM) từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi Bphone, chiếc điện thoại đầu tiên do Bkav sản xuất tại Việt Nam, được giới thiệu tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2015 tại Mỹ, giới truyền thông đã dành sự quan tâm đặc biệt.  

Trong khi các thương hiệu Việt đều chỉ dám “dấn thân” vào phân khúc tầm trung, giá rẻ với tầm giá từ 2-5 triệu đồng để cạnh tranh với các ông lớn, như Samsung, HTC, Sony, LG, và cả các tên tuổi đến từ Trung Quốc, như Oppo, ZTE, Huawei, Lenovo.. thì Bkav tỏ ra “hung hăng” với kế hoạch tấn công thị trường ở phân khúc cao cấp. Việc một “tay ngang” như Bkav vốn chỉ có thế mạnh ở phần mềm diệt virus đi sản xuất điện thoại đã là một điều khó tưởng tượng đến chứ chưa nói đến tuyên bố gây sốc “sản xuất điện thoại đẹp nhất thế giới”, “đẹp hơn cả iPhone”.

Nói về tham vọng trên thị trường smartphone, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav từng chia sẻ dự án sản xuất điện thoại đã được Bkav bắt đầu thực hiện từ 4 năm trước với 200 nhân viên tham gia từ khâu thiết kế, hoàn thiện và xây dựng các ứng dụng riêng dành cho mẫu smartphone này tại nhà máy ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bkav tiết lộ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào tham vọng gia nhập thị trường smartphone. Cũng phải nói rõ nhà máy tại Cầu Giấy của Bkav cũng là nơi sản xuất thiết bị SmartHome khá thành công của Bkav với hàng loạt hợp đồng lớn từ các khu đô thị mới, biệt thự tại Hà Nội và TPHCM.

Viền kim loại vát kim cương giống trong thư mời.

Một hình ảnh rò rỉ của Bphone trước ngày ra mắt cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Những tham vọng của Bkav đang là một câu chuyện được nhắc đến trong thời gian qua với không ít ý kiến khen chê. Trong đó phần nhiều thiên về quan điểm Bphone chỉ là “chiêu” đánh bóng tên tuổi của Bkav cho một kế hoạch khác của CEO Nguyễn Tử Quảng. Dẫu vậy, vẫn phải nhìn ở góc độ khách quan hơn, khi một doanh nghiệp Việt dám đương đầu với các ông lớn trên thế giới, như Apple, Samsung… là một điều đáng khuyến khích và tự hào. Bkav sẽ làm được đến đâu với sản phẩm của mình cho đến thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn trong khi Apple, Samsung đã tạo được một thế vững chắc, là những tập đoàn lớn với sự hậu thuẫn lớn về tiềm lực kinh tế cùng các ekip liên quan cho các hoạt động truyền thông, marketing…

Theo đánh giá của giới công nghệ, khó khăn lớn nhất của Bkav và Bphone đó là niềm tin từ người tiêu dùng. Người Việt vốn đã quá ưu ái với những thương hiệu ngoại, và việc bỏ ra một khoản tiền lớn, trên 13 triệu đồng cho một sản phẩm Việt là điều dường như còn nằm ngoài suy nghĩ của người dùng. Anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị diễn đàn công nghệ Tinh tế, còn cho rằng, khó khăn của Bkav chính là công ty này còn quá non trẻ trong lĩnh vực di động, và hơn hết đó chính là người dùng đang kỳ vọng quá lớn đối với Bphone sau những gì Bkav tuyên bố. Đây cũng chính là một thành công của Bkav trong các hoạt động truyền thông của mình trong thời gian qua. Tuy vậy, không ít người tỏ ra ái ngại và lo sợ sẽ xảy ra tác dụng ngược nếu thực tế của Bphone không đúng như những gì Bkav tuyên bố.

“Bản thân tôi cũng rất tò mò về Bphone và muốn xem sản phẩm sẽ như thế nào. Nếu thành công là một điều đáng tự hào đối với Việt Nam”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi siêu thị Mai Nguyên Luxury, chia sẻ. “Tham vọng và quyết tâm là điều cần thiết, và Bkav cũng đã có cách làm và truyền thông quá tốt. Tuy nhiên, Bkav cũng cần nghĩ đến một tác dụng ngược nếu những gì thể hiện không được như mong muốn”.

“Canh bạc” của CEO Nguyễn Tử Quảng sẽ là một phép thử đối với thị trường di động. Bkav kỳ vọng sẽ thay đổi quan điểm của người dùng Việt và nhà sản xuât này đang đặt cược trong một sự kiện ra mắt với 2.000 người tham dự. Theo nguồn tin của Dân trí, để chuẩn bị cho sự kiện này, Bkav đã chi kinh phí lên tới hơn 10 tỷ đồng. Một con số khủng đối với một sự kiện trong nước. CEO Nguyễn Tử Quảng sẽ là người dẫn dắt cho sự kiện diễn ra vào ngày mai, 26/5 sau hơn 2 năm vắng bóng trong các hoạt động truyền thông và không hề xuất hiện trước báo giới. Việc ông Nguyễn Tử Quảng tái xuất cũng đã nói một phần về tầm quan trọng của dự án sản xuất Bphone đối với Bkav. Ông sẽ kể câu chuyện từ ý tưởng cho đến đạt tới hiện thực của tham vọng bước vào thị trường smartphone.

Khôi Linh