Bóng công nghệ cứu hỏa có thực sự hiệu quả để dập đám cháy?

(Dân trí) - Sau nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra, nhiều người dùng bắt đầu quan tâm đến các thiết bị công nghệ để cảnh báo cháy cũng như hỗ trợ chữa cháy. Nổi lên có sản phẩm bóng chữa cháy đang được tìm kiếm khá nhiều. Thực chất sản phẩm này có hữu hiệu không?

Hoạt động như thế nào?

Bóng chữa cháy đang có mặt tại Việt Nam đều dạng hình cầu và khá nhỏ gọn để đặt trên tay. Theo tìm hiểu, quả bóng chữa cháy có chất bên trong là bột chữa cháy ABC có thành phần cơ bản là AMONIPHOTPHAT (NH4)3PO4 hay còn gọi là bột chữa cháy hỗn hợp. Về cơ chế hoạt động: Sau khi tiếp xúc với lửa sản phẩm sẽ tự kích hoạt, lớp vỏ bảo vệ quả bóng bung ra và phát ra âm thanh cảnh báo, đồng thời dập tắt đám cháy. Tùy nhà sản xuất, phạm vi chữa cháy của một quả bóng ở kích thước 8 - 10m.

Quả bóng này được sử dụng với 2 hình thức là chữa cháy tự động và chữa cháy chủ động.

Ông Chu Sơn Tùng, giám đốc Thiên Mộc Phát chia sẻ về công dụng của thiết bị này
Ông Chu Sơn Tùng, giám đốc Thiên Mộc Phát chia sẻ về công dụng của thiết bị này

Trao đổi với Dân trí, ông Chu Sơn Tùng, giám đốc Thiên Mộc Phát, đơn vị phân phối sản phẩm bóng Elide Fire cho biết, khi đám cháy xảy ra, cầm bóng gần nhất và ném vào đám cháy được gọi là chữa cháy chủ động. Quả bóng sẽ tiếp xúc với ngọn lửa và kích hoạt trong vòng 0-3 giây để dập đám cháy. Còn đối với việc chữa cháy tự động, đây là một trong những đặc điểm vượt trội của bóng cứu hỏa, là bóng có thể tự hoạt động trong tình trạng không có ai xuất hiện. Nếu đặt bóng tại nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao, bóng sẽ tự động kích hoạt dập tắt ngọn lửa và phát ra tiếng động giống như tiếng còi báo cháy để mọi người phát hiện ra đám cháy.

Lợi thế của việc này ông cho biết, quả bóng không cần kéo chốt hay lại gần đám cháy, không cần huấn luyện kỹ năng đặc biệt. Điều này sẽ cho phép ai cũng có thể dập đám cháy, thậm chí ông khẳng định một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể làm được. Trong khi đó, bình chữa cháy rất nặng và thực chất có bao nhiêu người biết sử dụng đúng cách.

Bóng cứu hỏa hoạt động như thế nào?

Theo ông Tùng, bóng cứu hỏa này có khả năng dập được 4 loại đám cháy mà các thiết bị như bình chữa cháy chỉ dập được 1, 2 loại, chẳng hạn Đám cháy loại C: Đám cháy chất khí như: metan, hydro... Đám cháy loại B: Đám cháy chất lỏng như xăng, êt, dầu mỏ...

Ngoài ra, quá bóng chữa cháy này khi kích hoạt sẽ phát ra một tiếng nổ rất lớn vào khoảng 140db. Ông Tùng cho biết, tiếng nổ này sẽ cảnh báo cho người dùng trong bán kính 25, có thể nghe rõ để chủ động hơn trong giải pháp dập đám cháy và xử lý nếu có sự cố lớn xảy ra.

Nổ lớn có gây sát thương không?

Bóng cứu hỏa có gây sát thương không?

Đó là câu hỏi rất nhiều người quan tâm hiện nay, khi xảy ra cháy, quả bóng sẽ phát nổ với tiếng nổ rất to, có gây sát thương cho người dùng không? Câu trả lời là không. Thực tế trải nghiệm, quả bóng nổ không mang đến nguy hiểm cho bất cứ ai trong phạm vi vài mét. Thậm chí, để trên tay, khi phát nổ thì cũng không gây sát thương cho người cầm bóng.

Ông Tùng cho biết, bột chữa cháy dạng này không gây sát thương, và thậm chí có thể nếm được nên rất an toàn và dễ vệ sinh sau khi sử dụng.

Sau khi nổ, bột chữa cháy sẽ văng rất mạnh ra xa để dập đám cháy. Bột dạng này không gây kết dính nên người dùng có thể vệ sinh bằng cách dùng máy hút bụi hoặc chùi rửa nơi bị dơ với nước dễ dàng.

Một điểm ông Tùng cũng lưu ý rằng, bóng chữa cháy là thiết bị để dập đám cháy khi mới khởi phát, tức mới xuất hiện nó sẽ dập ngay chứ không phải là sản phẩm để dập toàn bộ đám cháy đang bùng phát mạnh. Ông này nói rằng, đám cháy gây ra thương vong bởi 2 điều cơ bản, tỏa khí độc dày đặc gây ngạt thở (gọi là chết ngạt) và nhiệt độ cao gây bỏng (gọi là chết cháy). Vấn đề quan trọng nhất là: làm sao để ngăn chặn cháy, tức là ngăn khí độc và ngăn lửa tỏa nhiệt. Quả bóng cứa hỏa sẽ ngăn không cho oxy tiếp xúc để lửa tắt, chứ không phải hút oxy để lửa tắt. Càng để đám cháy diễn ra lâu, thì chính ngọn lửa mới là tác nhân hút oxy trong phòng kín đồng thời tỏa khói độc gây nguy hiểm.

Gia Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm