Bộ TT&TT phê duyệt phương án đấu giá băng tần 5G

Thế Anh

(Dân trí) - Giá khởi điểm đấu giá băng tần cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

Ngày 17/1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất theo tiêu chuẩn IMT.

Bộ TTTT phê duyệt phương án đấu giá băng tần 5G - 1

Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm (Ảnh: Bloomberg).

Đấu 3 khối băng tần có độ rộng 100 MHz

Băng tần 2500-2600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 18/2020/TT-BTTTT ngày 20/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

Băng tần 3700-3900 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD) theo Thông tư số 13/2023/TT-BTTTT ngày 23/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch băng tần 3560-4000 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam.

Để đáp ứng điều kiện sử dụng băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz, các doanh nghiệp được cấp phép cần tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan về thiết bị thu phát vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép ở băng tần liền kề trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và phòng tránh nhiễu có hại; tuân thủ kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện tại khu vực biên giới để tránh nhiễu có hại.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các quy định khác của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Viễn thông và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

Giá khởi điểm mỗi khối

Giá khởi điểm đấu giá băng tần cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz (Khối B1) cho 15 năm sử dụng là 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng).

Giá khởi điểm của khối băng tần 3700-3800 MHz (khối C2) cho 15 năm sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).

Giá khởi điểm của khối băng tần 3800-3900 MHz cho 15 năm (khối C3) sử dụng là 1.956.892.500.000 đồng (Một nghìn chín trăm năm mươi sáu tỷ, tám trăm chín mươi hai triệu, năm trăm nghìn đồng).

Về thứ tự đấu giá các khối băng tần: Bộ sẽ tổ chức đấu giá khối băng tần B1 trước, sau đó đấu giá khối băng tần C3 và cuối cùng là khổi băng tần C2. Mỗi doanh nghiệp được trúng tối đa 1 khối.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ TT&TT thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Bộ TT&TT (Cục Viễn thông). Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.

Trước đó, tại tọa đàm "Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam", do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin - truyền thông tổ chức vào cuối tháng 12/2023, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), tiết lộ việc đấu giá sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Bộ TTTT phê duyệt phương án đấu giá băng tần 5G - 2

Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT-TT (Ảnh: Minh Sơn).

"Chúng ta cấp phép bằng hình thức đấu giá để bảo đảm tính cạnh tranh của cuộc đấu giá, đồng thời bảo đảm tạo lập được một thị trường viễn thông di động hài hòa, cạnh tranh và phát triển bền vững", bà Hiền chia sẻ.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng công nghệ dịch vụ, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT chia sẻ, 5G là hạ tầng mang tính kết nối các công nghệ số để triển khai hạ tầng số, bao gồm các phần cơ bản để đáp ứng nhu cầu kết nối công nghệ số.

Hai nội dung cơ bản nhất của hạ tầng là accessibility và connectivity (tiếp cận và kết nối), liên thông đến tất cả lĩnh vực và tiếp cận, sử dụng hạ tầng công nghệ. Hạ tầng 5G tương đối khác với 3G, 4G, nó giống như hạ tầng mở có nhiều nhà phát triển để triển khai các ứng dụng trên hạ tầng đó. Đây mới là yếu tố quan trọng.

Nếu doanh nghiệp không trúng thầu, họ có thể kết hợp với nhau. Mỗi bên đóng góp một phần nào đó để tạo ra ứng dụng giúp ích cho phát triển kinh tế xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm