(Dân trí) - Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTT cho biết sẽ mạnh tay triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật.. để yêu cầu TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
6 sai phạm của TikTok ở Việt Nam
Chiều nay (6/4) tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin- Truyền thông trong 3 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Nổi bật trong những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ là việc chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của mạng xã hội xuyên biên giới, tiêu biểu là mạng xã hội TikTok.
Phát biểu tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT, Bộ TT&TT) cho biết: "Sau một thời gian phát triển đến cực thịnh của nền tảng mạng xã hội, giờ đây là thời cực thịnh của nền tảng video ngắn, mà TikTok là đại diện tiêu biểu".
Số liệu của DataReportal cho thấy tính đến tháng 2/2023, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, đây hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên sau giai đoạn bùng nổ vài năm gần đây, nền tảng này đã liên tục vướng vào những lùm xùm với hàng loạt nội dung phản cảm, độc hại, thông tin sai sự thật hay truyền bá mê tín dị đoan.
Tại cuộc họp báo, người đứng đầu Cục PTTH-TTĐT đã chỉ ra 6 vi phạm của TikTok tại Việt Nam như sau:
Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm pháp luật
Theo ông Lê Quang Tự Do, mạng xã hội TikTok thời gian gần đây xuất hiện nhiều video chứa nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước.
Trong đó bao gồm cả những nội dung xuyên tạc lịch sử, văn hóa, Việt Nam. Một số người xuất hiện trong video "tự cho mình quyền nói lại, viết lại lịch sử", khiến rất nhiều người tin theo; cũng như ẩn chứa các nội dung mê tín dị đoan, hình ảnh hở hang, hạ thấp nhân phẩm con người Việt Nam.
Phát tán nội dung độc hại, phản cảm
Trước thực tế lượng thông tin ngày càng nhiều và trở nên bão hòa, người xem có xu hướng tiếp cận các nội dung ngắn, sinh động giống như cách thức mà TikTok sử dụng trong các video ngắn.
Tuy nhiên, để theo kịp thị hiếu của người dùng, TikTok đã sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
"Có những trend ở nước ngoài tạo thành xu hướng, khi lan vào Việt Nam, chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn, nhưng họ không thể, nên đã trở thành trend tại Việt Nam", ông Tự Do chia sẻ.
Trong số đó, có những trào lưu nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng như trend đưa các em bé đút đầu vào ống cống, nhảy xuống đường chạm đầu vào xe tải... khiến nhiều trẻ nhỏ ở Việt Nam học theo. "TikTok dường như bỏ qua, cảm thấy mình không có trách nhiệm ngăn chặn điều này", ông Tự Do kết luận.
Không có biện pháp kiểm soát hoạt động kinh doanh mặt hàng vi phạm pháp luật
Cũng theo Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT, TikTok không cho thấy các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…
"Đầu năm 2023, TikTok bắt đầu phát triển mạnh quảng cáo, kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng của mình", ông Tự Do cho biết. "Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật, lừa đảo... xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng này".
Tạo trend thu lời từ nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa
Gần đây, trên TikTok xuất hiện những tài khoản được cộng đồng mạng tung hô là các "idol" (còn gọi là những thần tượng). Họ được hiểu là những người nổi tiếng, có nhiều lượt follow, nhờ nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem.
Tuy nhiên, thanh tra Bộ TT&TT phát hiện TikTok không có biện pháp quản lý hoạt động của các idol này, dẫn tới xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa... thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.
Từ thực tế rằng các idol TikTok có thể được người xem tặng quà, một phương thức kiếm tiền mới đã được hình thành trên mạng xã hội này, với việc hình ảnh/video càng sốc, hở, phản cảm... thì càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền.
"Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được", ông Tự Do chia sẻ.
Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền
Dễ thấy trên TikTok, nhiều người dùng đã chia sẻ, lan truyền những đoạn hay nhất của một bộ phim, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng bản quyền phim ảnh, nhưng không hề bị xử lý.
Không có biện pháp quản lý người dùng
TikTok không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, riêng tư của người khác; tự ý quay/chụp rồi đăng lên TikTok tạo ra những thông tin gây tranh cãi, nhằm mục đích xúc phạm, bôi nhọ danh dự cho mục đích xấu; vi phạm nghiêm trọng quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, riêng tư của mỗi người.
Theo ông Lê Quang Tự Do, những vi phạm kể trên của TikTok tại Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.
Một mặt, những hành động này khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.
Mặt khác, những nội dung được lan truyền đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Được biết, Bộ TT&TT đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như TikTok, Facebook... đang tìm cách "lách" để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm.
Điều này khiến công tác xử lý vi phạm trên TikTok gặp khó khăn, dẫn tới các vi phạm vẫn tồn tại nhiều trên các nền tảng xuyên biên giới.
Trong thời gian tới, ông Lê Quang Tự Do cho biết Bộ TT&TT sẽ mạnh tay triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật.. để yêu cầu TikTok nói riêng, và các nền tảng xuyên biên giới nói chung, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Các nội dung cụ thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Song song với đó, trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.