Bộ trưởng Bộ TT&TT: Việt Nam sẽ là một trong những nước đầu tiên thế giới có 5G

(Dân trí) - “Việt Nam đã đi sau thế giới về công nghệ 3G, 4G vì thiếu nhân tố cạnh tranh mới, và hiện đang xếp hạng ở vị trí 100. Công nghệ 5G đang tới là cơ hội để chúng ta thay đổi thứ hạng”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Việt Nam đi sau về công nghệ, thiếu nhân tố cạnh tranh mới

Tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Năm 1990, thế giới xuất hiện công nghệ 2G thì chỉ 3 năm sau, Việt Nam đã khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G. Năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G, nhưng phải đến 2010, tức là 10 năm sau, cả 3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Đến khi 4G xuất hiện thì câu chuyện cũng gần tương tự như vậy”.

Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ, đến năm 2018, tức là 8 năm sau khi thế giới xuất hiện 4G, chúng ta vẫn chưa được cấp tần số mới để làm 4G. Mạng 4G mà các nhà mạng khai trương năm 2017 là do dồn dịch tần số 2G.

Theo Bộ trưởng Hùng, với sự sớm chấp nhận 2G từ năm 1990, Việt Nam đã từng vào top 20 thế giới. Nhưng khi chuyển sang 3G, 4G, vì sự đi sau về công nghệ, thiếu nhân tố cạnh tranh mới, viễn thông của Việt Nam đang xếp hạng ở vị trí 100. Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017, ITU xếp Việt Nam đứng thứ 115/193, tức là dưới trung bình của thế giới.


Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói về bài học của 2G, 3G, 4G để triển khai 5G tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói về bài học của 2G, 3G, 4G để triển khai 5G tại Việt Nam.

“Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bộ TT&TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019, và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì Việt Nam cũng sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai 5G”, vị tổng tư lệnh ngành viễn thông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói, thiết bị mạng 2G và 3G tại Việt Nam hiện đều 100% nhập ngoại. Khi triển khai 4G, lần đầu tiên chúng ta có thiết bị 4G Việt Nam, nhưng cũng đã là 8 năm sau khi 4G xuất hiện. Với 5G, chúng ta sẽ có thiết bị ngay từ ngày đầu tiên triển khai chính thức năm 2020.

Đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất, ý nghĩa nhất, và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà.

Tham dự tại Toạ đàm, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ của Qualcomm đánh giá cao những nỗ lực của Bộ TT&TT trong việc thúc đẩy triển khai công nghệ 5G vào năm 2020. Bà đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để có thể triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G và khẳng định Qualcomm luôn nỗ lực đồng hành và hợp tác cùng các doanh nghiệp trong nước để phát triển hệ sinh thái 5G nói riêng và hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước nói chung.


Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm.

Chia sẻ với báo giới, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Quacomm khu vực Đông Dương, tỏ ra hào hứng với tầm nhìn của Việt Nam để triển khai 5G vào năm 2020. Theo ông Nam, để triển khai thì bước đầu tiên cần phải làm đó là phải có chiến lược băng tần cho 5G, sẵn sàng cho thử nghiệm vào năm 2019. Các nhà mạng phải có chiến lược kinh doanh, phân khúc thị trường cho 5G. Và điều rất quan trọng đó là Việt Nam cần có sự sẵn sàng cho các thiết bị đầu cuối 5G.

Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Việt Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, cả nhà nước và tư nhân, cả to và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Việt Nam, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối.

Bộ trưởng nói rằng, công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần tuý. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần tuý data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ.

Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống của loài người. Đây là sứ mạng của 5G, và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành ICT Việt Nam.


Bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ của Qualcomm.

Bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ của Qualcomm.

“Kết nối vạn vật sẽ yêu cầu một đầu tư hoàn toàn khác so với mạng điện thoại di động dành cho kết nối chỉ con người với nhau. Các nhà mạng di động phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, với dân tộc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu ngành viễn thông, mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu về CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước. Đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng.

Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. Số lượng trạm BTS cho 5G sẽ phải lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đó. Do vậy, dùng chung hạ tầng, chia sẻ hạ tầng viễn thông với các hạ tầng điện, nước, giao thông là rất quan trọng để giảm chi phí xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra quan điểm, rằng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới, và đặc biệt là thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

“Chúng ta hãy coi Việt Nam là cái nôi để phát triển công nghệ và sản phẩm, để từ đây đi ra chinh phục thế giới. Cơ hội này rơi lên thế hệ chúng ta. Và chúng ta phải coi đây là trách nhiệm lịch sử của mình đối với dân tộc”, Bộ trưởng bày tỏ khát vọng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, thị trường viễn thông Việt Nam cũng cần những nhân tố cạnh tranh mới để thúc đẩy phát triển, để có những đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng, để đến 2020 đạt mật độ thuê bao băng rộng 100%. Về cơ cấu dịch vụ, để thoại và nhắn tin chỉ còn chiếm dưới 30% tổng doanh thu. Về tiêu dùng dữ liệu trên đầu người, để Việt Nam vào top 30-50 trên thế giới. Về chuyển đổi số, để các nhà mạng phải là những công ty đầu tiên thực hiện chuyển đổi số triệt để. Về CMCN 4.0, để các nhà mạng phải là người ứng dụng đầu tiên, hiệu quả về các công nghệ AI, Big Data, IoT. Về đổi mới sáng tạo, để các nhà mạng phát triển các X-tech như Fintech, AgriTech, EduTech nhằm tạo ra những sự thay đổi lớn của các ngành.

Về chính sách viễn thông, chính sách ICT, chính sách cho CMCN 4.0, chúng ta phải đi đầu để thu hút con người, công nghệ, sản phẩm của cả thế giới về với chúng ta, và vì thế, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới.

Chính phủ đã giao Bộ TT&TT hợp tác với diễn đàn Kinh tế Thế giới, thiết lập một trung tâm làm chính sách cho các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0, cũng như các mô hình kinh doanh mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, nhà tư vấn, hiệp hội, người dân hãy hợp tác với Bộ TT&TT để hình thành các chính sách một cách kịp thời, phù hợp với sự phát triển, giúp Việt Nam đi đầu trong công nghệ mới, mà đầu đầu tiên là công nghệ 5G.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm