Bộ Bưu chính - viễn thông lép vế trong xếp hạng ICT
Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông tại VN năm 2005 vừa được Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Hội Tin học VN công bố, Bộ Bưu chính - viễn thông (BCVT) không dẫn đầu trong số 26 bộ, ngành về độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông mà phải đứng thứ hai sau Bộ Tài chính.
Nếu xét trong số bốn chỉ tiêu để xếp hạng chung cuộc, Bộ BCVT chỉ xếp đầu ở nhóm chỉ tiêu hạ tầng nhân lực CNTT - truyền thông và đứng thứ hai ở nhóm chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật CNTT - truyền thông.
Ở hai chỉ tiêu quan trọng khác mang tính nhận thức là ứng dụng CNTT và môi trường tổ chức, chính sách, Bộ BCVT lại xếp hạng lần lượt là thứ 8 và 12.
Cũng ở chỉ tiêu ứng dụng CNTT, một số bộ, ngành khác lẽ ra phải ứng dụng CNTT mạnh thì thực tế chỉ nằm ở phần cuối của bảng xếp hạng là Bộ Giáo dục - đào tạo, Khoa học - công nghệ, Bộ Công nghiệp, Đài truyền hình VN.
Ở nhóm tỉnh, thành, báo cáo cho biết chỉ có 20 địa phương đạt mức độ khá cho ứng dụng CNTT (dẫn đầu là TPHCM, Hà Nội…), 20 địa phương nằm ở mức trung bình và số còn lại nằm ở mức thấp.
Phần lớn các địa phương nằm trong nhóm thấp là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng cũng có sự bất bình thường với việc xuất hiện của Hà Tây và Thái Bình (hai địa phương có tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội) trong nhóm này.
Tại nhóm các ngân hàng thương mại, trong top 10 ngân hàng đứng đầu thì có tới tám ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh và chỉ có hai ngân hàng thương mại quốc doanh. Ngân hàng Đầu tư phát triển và Ngân hàng Công thương VN rớt xuống các vị trí 13 và 16 là một bất ngờ lớn bởi hai ngân hàng này từng được xem là nơi ứng dụng CNTT tốt, đặc biệt khi Ngân hàng Công thương VN đã từng đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Chỉ duy nhất bảng xếp hạng các tổng công ty 90, 91 là không có bất ngờ khi những tổng công ty dẫn đầu là những tổng công ty 91 có tiềm lực mạnh, qui mô lớn và đã có sự đầu tư, quan tâm tốt cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không ít người băn khoăn liệu việc chưa trở thành “đầu tàu” trong ứng dụng và tạo môi trường cho ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ BCVT có ảnh hưởng đến sự phát triển CNTT chung của cả nước hay không.
Thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam cho biết, đối với việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành, việc Bộ BCVT đứng sau khá nhiều bộ, ngành khác đúng là rất đáng suy nghĩ. “Tôi tin rằng trong bảng xếp hạng năm 2006 và các năm tới, vị trí của bộ sẽ được cải thiện. Nhưng tôi cũng mong rằng tất cả các bộ, ngành, địa phương đều cố gắng cải thiện vị trí của mình, mặc dù như vậy thì việc Bộ BCVT phấn đấu vươn lên trong bảng xếp hạng sẽ vất vả hơn” - Thứ trưởng Đam nói.
Tuy nhiên, kết quả công bố về cơ bản giúp nhận diện những ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư ứng dụng và phát triển CNTT.
Trong 10-15 năm tới, CNTT được đánh giá sẽ trở thành yếu tố có tính quyết định tới lợi thế, sức cạnh tranh và vị thế của các nền kinh tế. “Nhưng trước rất nhiều yêu cầu bức xúc trước mắt, nhiều người thấy CNTT dường như chưa phải là nước sôi lửa bỏng” - Thứ trưởng Đam cho biết.
Xếp hạng chỉ tiêu ứng dụng CNTT trong các bộ, ngành:
Xếp hạng | Bộ/Ngành |
1 | Thương mại |
2 | Tài chính |
3 | Ngân hàng nhà nước Việt Nam |
4 | Y tế |
5 | Giao thông - Vận tải |
6 | Viện khoa học - công nghệ VN |
7 | Ngoại giao |
8 | Bưu chính Viễn thông |
9 | Tư pháp |
10 | Tổng cục du lịch |
.... | ... |
Theo K.Hưng
Tuổi trẻ