Bkav hé lộ Bphone ra mắt cuối tháng 5, bán hàng qua mạng
(Dân trí) - Sau một thời gian rò rỉ thông tin về chiếc điện thoại “made in Việt Nam” Bphone, một nguồn tin mới đây cho biết smartphone đầu tiên của Bkav sẽ được ra mắt vào tuần cuối cùng của tháng 5 và sản phẩm sẽ được bán qua mạng.
Bphone được trưng bày tại CES 2015.
Theo nguồn tin của Dân trí, Bkav sẽ chính thức trình làng chiếc điện thoại Bphone vào cuối tháng 5. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Hà Nội với quy mô lớn, lên tới 1.000 người, có sự tham gia của giới truyền thông, những người yêu công nghệ tại các diễn đàn lớn. Ngoài ra, thông tin cũng cho biết Bkav dự kiến sẽ phân phối sản phẩm qua mạng, tức qua trang web bán hàng của công ty này thay vì bán qua các đại lý. Đây cũng là hình thức bán hàng được các hãng công nghệ mới nổi, như Xiaomi, OnePlus, áp dụng và đã rất thành công.
Tuy nhiên, giá bán của mẫu điện thoại đầu tiên của “tay ngang” Bkav vẫn chưa được tiết lộ. Trước đó đã có một số thông tin cho rằng Bphone sẽ được bán ra thị trường với mức giá từ 13-15 triệu đồng. Bkav không đưa ra bất cứ bình luận nào về giá bán sản phẩm nhưng công ty này khẳng định smartphone đầu tiên của hãng sẽ hướng tới phân khúc cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với các dòng điện thoại cao cấp trên thị trường, như iPhone 6, Galaxy S6, HTC One M9.
Bphone lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2015 tại Mỹ. Dù không trình diễn thiết kế nguyên bản của sản phẩm và máy được giấu trong một bộ khung kim loại, nhưng chiếc điện thoại này đã gần như hoàn thiện về thiết kế cũng như phần mềm. Tại CES 2015, Bkav sử dụng Bphone để trình diễn các tính năng điều khiển cho hệ thống SmartHome của mình.
Chiếc điện thoại của Bkav đã ngốn không ít giấy mực từ giới truyền thông bởi đây là smartphone đầu tiên đúng với ý nghĩa “Made in Việt Nam” và hướng tới phân khúc cao cấp. Từ trước tới nay, các sản phẩm mang thương hiệu Việt đều nhắm tới người dùng phổ thông với giá rẻ và thiết kế đơn giản.
Chia sẻ với Dân trí tại CES, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav, cho biết dự án sản xuất điện thoại đã được Bkav bắt đầu thực hiện từ 4 năm trước với 200 nhân viên tham gia từ khâu thiết kế, hoàn thiện và xây dựng các ứng dụng riêng dành cho mẫu smartphone này tại một nhà máy ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bkav tiết lộ đã tiêu tốn hàng triệu USD vào tham vọng gia nhập thị trường smartphone, đặc biệt là bản hợp đồng với Qualcomm.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc công ty Qualcomm khu vực Đông Dương, cho biết Bkav là công ty Đông Nam Á đầu tiên ký hợp đồng trực tiếp với tập đoàn này để sử dụng toàn bộ sáng chế của Qualcomm trong các dòng smartphone do họ sản xuất.
Có thể thấy, Bkav dường như đang dốc toàn lực cho “cuộc chiến” mới trên thị trường di động. Tuy nhiên, liệu Bphone có thể thành công hay không không phụ thuộc vào những khoản tiền mà Bkav đã bỏ ra. Rất nhiều yếu tố sẽ tác động, trong đó thiết kế, cấu hình và hoạt động marketing góp một phần không nhỏ.
Một hình ảnh rò rỉ trong nhà máy sản xuất Bphone.
Theo đánh giá của giới công nghệ, Bkav đang tỏ ra khôn ngoan trong các hoạt động truyền thông cho chiếc điện thoại đầu tiên của mình. “Bkav là công ty Việt đầu tiên biết sử dụng các chiêu PR rò rỉ nhỏ giọt thông tin về sản phẩm như các hãng công nghệ lớn trên thế giới khiến người dùng tò mò, chờ đợi sản phẩm ra mắt”, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi cửa hàng di động Mai Nguyên Luxury, đánh giá. “Tuy nhiên, chiêu PR này có thể sẽ gây ra tác động ngược nếu như sản phẩm của Bkav không đúng như họ quảng cáo và không được như người dùng mong đợi”.
Trong khi đó, giá bán của sản phẩm cũng khiến người dùng và giới kinh doanh di động tò mò. Bkav tỏ ra tự tin khi định giá sản phẩm ở mức cao từ 13-15 triệu đồng, ngang với các dòng smartphone cao cấp. Mức giá này đã là tâm điểm của giới truyền thông bởi theo quan niệm từ trước đến nay, các hãng mới nổi, các thương hiệu chưa có tiếng tăm và các nhà sản xuất trong nước nếu muốn giành giật khách hàng từ các “ông lớn”, như Samsung, Apple, Nokia… thì đều phải hướng vào phân khúc tầm trung, giá rẻ.
Nhận định về mức giá mà Bkav có thể đưa ra cho BPhone, một nhà kinh doanh cho rằng, nếu sản phẩm của Bkav thuộc phân khúc cao cấp thì giá bán cũng phải đặt ở mức cao, không nên lôi kéo khách hàng bằng cách bán sản phẩm với giá thấp, bởi vì theo ông, Bkav phải đặt mức giá cao tương xứng với sản phẩm thì lúc đó công ty này mới có ngân sách để thực hiện các hoạt động marketing. “Đây là sự quay vòng nguồn vốn, nếu giá bán quá rẻ, Bkav sẽ không có ngân sách để thực hiện marketing, và khi đó, doanh số sẽ không đạt như kỳ vọng cho dù sản phẩm có tốt đi chăng nữa”.
Khôi Linh