Bitcoin gián tiếp trở thành mối nguy hại tới môi trường?

(Dân trí) - Cùng với sự nổi lên của Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác là mối lo ngại về tiêu tốn điện năng, qua đó ảnh hưởng tới môi trường, và điều kiện sống của chính con người sống trên Trái Đất. Tuy nhiên quan niệm này liệu có chính xác?

Bitcoin gián tiếp trở thành mối nguy hại tới môi trường?

Những dàn máy đào Bitcoin như thế này tiêu tốn rất nhiều điện năng mỗi tháng, và thậm chí cao hơn cả nhiều quốc gia trên thế giới.
Những dàn máy đào Bitcoin như thế này tiêu tốn rất nhiều điện năng mỗi tháng, và thậm chí cao hơn cả nhiều quốc gia trên thế giới.

Khác với các đồng tiền "thật" như đô-la Mỹ hay bảng Anh, thì tiền "ảo" không được phát hành, cũng như chịu sự quản lý của các ngân hàng. Thay vào đó, chúng được "đào" từ máy tính thông qua quá trình xử lý thuật toán, và quá trình này đòi hỏi một lượng điện năng khổng lồ, duy trì suốt 24/7.

CNN từng có một bài viết trích dẫn lời nhà khí tượng học Eric Holthaus rằng "Bitcoin đang làm chậm lại nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu tự nhiên thành năng lượng sạch". Digiconomist cũng đưa ra con số thống kê cho rằng Bitcoin hiện đang tiêu thụ trung bình 32TW điện mỗi năm (tương đương 32 tỷ kW điện), và con số này đủ để cung cấp cho hơn 3 triệu hộ gia đình đang sinh sống tại Mỹ.

Điều đáng nói hơn đó là xu hướng Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung vẫn đang tiếp tục bùng nổ, dẫn đến những hệ lụy còn lớn hơn. "Bitcoin càng tăng trưởng mạnh mẽ, thì thuật toán được sử dụng để tích lũy Bitcoin sẽ càng trở nên khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc cần nhiều điện năng hơn cho quá trình xử lý", Holthaus nói.

Eric Holthaus khẳng định nếu Bitcoin phát triển với tốc độ như hiện nay, lượng điện tiêu thụ của nó sẽ cao hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Eric Holthaus khẳng định nếu Bitcoin phát triển với tốc độ như hiện nay, lượng điện tiêu thụ của nó sẽ cao hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Eric Holthaus cũng đưa ra những dự đoán, cho rằng nếu như Bitcoin tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện nay, thì lượng điện tiêu thụ của nó sẽ tương đương toàn nước Mỹ trong năm 2019. Sáu tháng sau, nó có thể sẽ tiêu thụ điện ngang với toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Chính bởi lo ngại này nên chính phủ tại nhiều quốc gia, mới đây là Trung Quốc, đã mạnh tay siết chặt lại hoạt động đào Bitcoin trước thực trạng số "thợ đào" đang tăng một cách chóng mặt do giá điện, giá nhân công, linh kiện thay thế,... tại đây đều thấp hơn mặt bằng chung.

Theo nghiên cứu, phần lớn điện năng tiêu thụ ở Trung Quốc xuất phát từ hàng loạt nhà máy điện lớn chạy bằng than đặt tại các tỉnh ngoại thành. Dù không ảnh hưởng trực tiếp tới dân cư sinh sống xung quanh, nhưng các nhà máy bằng than này vẫn thường xuyên thải ra một lượng khí thải gây ô nhiễm, và ảnh hưởng tới bầu khí quyển.

... Hay động lực "cứu rỗi" nhân loại?

Michael J.Casey lại cho rằng Bitcoin chính là động lực giúp thúc đẩy năng lượng sạch và các công nghệ tân tiến khác.
Michael J.Casey lại cho rằng Bitcoin chính là động lực giúp thúc đẩy năng lượng sạch và các công nghệ tân tiến khác.

Cùng quan điểm cho rằng quá trình để đào Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác đang tiêu tốn ngày một nhiều điện năng, nhưng Michael J.Casey - Chủ tịch Ủy ban tư vấn của CoinDesk lại cho rằng Bitcoin chính là động lực để thúc đẩy nhân loại hướng tới nguồn năng lượng sạch.

Ông dẫn chứng việc giá điện từ năng lượng mặt trời và sức gió tại nhiều nơi hiện chỉ dao động từ 2 cent cho một KwH và thậm chí còn thấp hơn, cho rằng điều này sẽ không chỉ khuyến khích các "thợ mỏ" tìm kiếm nguồn năng lượng có thể tái tạo với chi phí thấp, mà còn thúc đẩy các công ty năng lượng làm việc chăm chỉ để phát triển các giải pháp của họ, và các ngành nghề khác cũng được thừa hưởng sự tiến bộ này.

Nói cách khác, các ưu đãi dành cho nhu cầu "đào" Bitcoin sẽ không chỉ giúp tăng tính hiệu quả của giải pháp năng lượng xanh, mà còn giúp thúc đẩy chính bản thân nó trong một nền kinh tế rộng lớn, nơi mà tiền ảo sẽ được đặt đúng vị trí của nó nhờ những lợi ích mang lại.

Nhận định này mang lại một cái nhìn hoàn toàn mới về Bitcoin nói riêng và thị trường tiền ảo nói chung. Tuy nhiên, những tranh cãi vẫn còn tiếp tục xảy ra trên các diễn đàn lớn, xoay quanh việc những giá trị mà Bitcoin mang lại, hay những hệ lụy của nó tới sự tới nền kinh tế thế giới, hay rộng hơn là sự phát triển của nhân loại.

Theo J.Casey, phương thức phát triển và khuyến khích cạnh tranh kinh tế cũng là yếu tố giúp thúc đẩy công nghệ hướng tới tính hiệu quả cao hơn trong suốt 50 năm qua. Mặt khác, cho rằng "Trong một thời đại mà công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, và không ngừng thay đổi, thì mọi dự đoán về tương lai cũng chỉ là một biến số."

Nguyễn Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm