Bị bắt vì dùng ChatGPT bịa chuyện và lan truyền tin giả lên mạng xã hội

T.Thủy

(Dân trí) - Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ một người đàn ông sau khi người này sử dụng ChatGPT để dựng chuyện về một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, sau đó chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Cảnh sát tỉnh Cam Túc vừa bắt giữ một người đàn ông họ Hồng, với cáo buộc sử dụng phần mềm chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (A.I) ChatGPT để tạo ra một bài viết giả mạo, không đúng sự thật về một vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng, sau đó Hồng đã chia sẻ câu chuyện giả mạo này lên mạng xã hội.

Bài viết của Hồng đã thu hút được khoảng 15 ngàn lượt xem, trước khi bị cảnh sát phát hiện và buộc Hồng xóa bỏ.

Cảnh sát đang khám xét căn hộ của Hồng, nơi tên này sử dụng ChatGPT để bịa ra câu chuyện về một vụ tai nạn đường sắt và chia sẻ lên mạng xã hội (Ảnh: Công an tỉnh Cam Túc).

Cảnh sát đang khám xét căn hộ của Hồng, nơi tên này sử dụng ChatGPT để bịa ra câu chuyện về một vụ tai nạn đường sắt và chia sẻ lên mạng xã hội (Ảnh: Công an tỉnh Cam Túc).

Tai nạn đường sắt được xem là một vấn đề nhạy cảm tại Trung Quốc, nhất là sau vụ tai nạn tàu cao tốc nghiêm trọng vào năm 2011 ở thành phố Ôn Châu khiến 40 người thiệt mạng.

Hiện Hồng đã bị cảnh sát bắt giữ, thẩm vấn và đối mặt với tội danh lan truyền tin tức giả mạo gây ảnh hưởng trật tự xã hội.

"Hồng đã sử dụng công nghệ hiện đại để bịa đặt thông tin sai lệch, phát tán nó một cách rộng rãi trên mạng Internet", cảnh sát tỉnh Cam Túc cho biết trong thông cáo đưa ra. "Hành vi của Hồng nhằm gây rối trật tự công cộng".

Cuối tháng 2 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm ChatGPT và nhiều phần mềm chatbot tích hợp A.I khác vì lo ngại các phần mềm này có thể đưa ra những câu trả lời không chính xác hoặc thiếu kiểm duyệt. Dù vậy, nhiều người dân tại Trung Quốc vẫn tìm cách lách luật để tiếp tục sử dụng ChatGPT vì những tiện ích và trí thông minh của phần mềm này.

Hồi tháng 1, Trung Quốc cũng đã ban hành một luật mới cấm sử dụng các phần mềm A.I để tạo và lan truyền các tin tức giả mạo, bao gồm cả hình ảnh và video giả mạo. Truyền thông Trung Quốc cho biết trường hợp của Hồng là lần đầu tiên có người bị bắt giữ vì cáo buộc sử dụng ChatGPT và các phần mềm tích hợp A.I để bịa chuyện và lan truyền tin tức giả mạo.

Vụ bắt giữ Hồng diễn ra trong bối cảnh Bộ Công an Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch kéo dài 100 ngày để "làm sạch" môi trường mạng và trấn áp các tin tức giả mạo lan truyền trên mạng xã hội tại quốc gia này.

Kể từ thời điểm ChatGPT "gây sốt" trên toàn cầu, nhiều hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc như Baidu, Tencent hay Alibaba đã thể hiện tham vọng phát triển chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo của riêng mình nhằm có thể cạnh tranh với ChatGPT. Trong đó, Baidu đã cho ra mắt chatbot với tên gọi "Ernie Bot" vào tháng 3 vừa qua. Mới đây, Alibaba cũng đã cho ra mắt chatbot có tên "Tongyi Qianwen", tạm dịch là "tìm kiếm sự thật bằng hàng ngàn câu hỏi".

Tuy nhiên, chatbot tích hợp A.I do các công ty Trung Quốc phát triển sẽ phải trải qua các bước đánh giá bảo mật trước khi được mở cửa cho công chúng sử dụng, bao gồm cung cấp cho cơ quan chức năng các thông tin chi tiết về quy mô, loại dữ liệu được sử dụng, các thuật toán cơ bản và thông tin kỹ thuật được dùng để phát triển chatbot… Điều này nhằm đảm bảo các câu trả lời do chatbot đưa ra vẫn nằm trong phạm vi kiểm duyệt nội dung của chính quyền Trung Quốc.

Theo YN/SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm