Bêu sai trái của con lên mạng để "giáo dục" - Dạy con hay hại con?
(Dân trí) - Với lý do giáo dục hoặc cảnh báo phụ huynh khác, nhiều cha mẹ đã không ngần ngại đăng chuyện xấu, việc làm sai trái của con lên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con.
Cộng đồng mạng tại Việt Nam đang xôn xao trước việc vợ của một diễn viên nổi tiếng được nhiều người biết đến, mới đây đã đăng tải lên mạng xã hội về chuyện xấu mà con trai, cũng là một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người biết đến, mắc phải.
Theo người mẹ này thì cô chỉ phát hiện ra "việc làm sai trái" khi kiểm tra điện thoại của con. Cô đã rất tức giận với hành động của con mình và đăng tải sự việc lên mạng xã hội để cảnh báo những bậc phụ huynh khác cần phải kiểm soát con mình kỹ hơn khi để con sử dụng điện thoại cũng như mạng xã hội.
Điều đáng nói là người mẹ này không ngần ngại chia sẻ chi tiết cả những nội dung "nhạy cảm" mà con trai của mình đã tiếp cận trên mạng, hay những cuộc nói chuyện riêng tư của cậu bé với bạn bè của mình trên mạng xã hội… về cơ bản, điều này đã xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của con, nhất là khi cậu bé mới chỉ 12 tuổi.
Những nội dung do người mẹ này chia sẻ đã nhanh chóng "gây sốt" trong cộng đồng mạng tại Việt Nam và thu hút được sự chú ý của dư luận, nhất là khi bố của cậu bé (và cả bản thân cậu bé này) là một người nổi tiếng trong giới giải trí.
Tuy nhiên, thay vì ủng hộ người mẹ này vì đã thẳng thắn trong việc giáo dục con và cảnh báo cho các bậc phụ huynh khác, đa phần cư dân mạng tại Việt Nam lại lên tiếng phản đối hành động của cô và cho rằng không phải chuyện gì cũng nên chia sẻ lên mạng xã hội, mà có những chuyện nên xem là vấn đề nội bộ của gia đình để có cách giáo dục con cho tốt.
"Chẳng hiểu sao những chuyện nhạy cảm của con cũng mang lên mạng để "khoe" cho mọi người cùng biết. Thay vì chuyện riêng của gia đình, giờ thì cả nước biết thằng bé xem nội dung nhạy cảm, bạn bè, thầy cô ở trường ai cũng biết, thì thằng bé mặt mũi đâu mà đi học, gặp gỡ bạn bè nữa đây? Hành động của người mẹ tưởng là dạy con mà thực ra là hại thằng bé mất rồi", tài khoản Facebook P.Anh bình luận.
"Tuổi của cậu bé là tuổi mới lớn, độ tuổi tò mò về tất cả mọi thứ, thì việc nó tiếp cận các nội dung nhạy cảm cũng là điều dễ hiểu, nhất là khi kết nối Internet dễ dàng như ngày nay. Nhưng thay vì nhẹ nhàng dạy bảo và hướng dẫn con, người mẹ lại có hành động đăng mọi chuyện lên mạng xã hội, khác gì hành động bêu rếu chính con của mình? Tôi không cho rằng đây là hành động dạy con, mà là một hành động hại con của chính người mẹ", một người dùng mạng xã hội khác bức xúc.
"Thay vì đóng cửa và nhẹ nhàng dạy con để nó nhận ra được đúng sai, người mẹ lại khiến cho cả nước biết về hành động không đúng của con mình. Giờ đây không chỉ bố mẹ mà ngay cả cậu bé phải hứng chịu dư luận và mọi ánh mắt chĩa về mình, thật quá đáng thương cho cậu bé và đáng trách cho người mẹ", một cư dân mạng nhận xét.
Sau khi phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng, mẹ của cậu bé đã xóa bài viết của mình trên trang Facebook cá nhân, nhưng nội dung này đã nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng. Nhiều cư dân mạng ác ý thậm chí còn chế nhiều hình ảnh để "châm biếm" cậu bé vì hành động của mình.
Cái gì cũng khoe lên mạng xã hội- lợi bất cập hại
Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, không ít người có thói quen chia sẻ mọi thứ lên mạng, từ những chuyện vui, buồn, những chuyện về cuộc sống hàng ngày hoặc thậm chí cả những chuyện "nhạy cảm"… để đổi lại những lần bấm "like", bình luận từ những người dùng mạng xã hội khác, thậm chí từ cả những người xa lạ.
Nhiều cha mẹ thường xuyên "khoe" lên mạng xã hội những thành tích mà con mình đạt được, nhưng bên cạnh đó cũng không ngần ngại đăng lên mạng những việc làm sai trái, những chuyện xấu mà con đã phạm phải, mà theo các bậc phụ huynh này là nhằm giáo dục con cái của họ hoặc cảnh báo những người làm cha, mẹ khác.
Tuy nhiên, chưa rõ hiệu quả giáo dục của việc đăng những việc làm sai trái của con lên mạng là bao nhiêu, nhưng một điều chắc chắn, hành động này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con, nhất là những đứa trẻ ở độ tuổi dậy thì, giai đoạn tâm sinh lý còn đang phát triển và còn chưa thực sự ổn định.
Chẳng hạn như trường hợp của cậu bé kể trên, từ một chuyện đáng ra là chuyện riêng của gia đình thì giờ đây, cậu bé đã trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng cả nước và thậm chí trở thành trò cười của những dân mạng ác ý. Vẫn chưa biết câu chuyện sẽ kéo dài đến lúc nào, nhưng chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cậu bé. Nhiều người phải đặt câu hỏi, một cậu bé 12 tuổi có đủ mạnh mẽ để vượt qua?
Đây cũng là một bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh, nhất là với những người đang có con ở độ tuổi dậy thì, mới lớn. Cần phải thực sự khéo léo trong việc giáo dục con cái, nhất là với các vấn đề "nhạy cảm".
Rõ ràng, việc kiểm soát và giám sát con sử dụng mạng Internet, mạng xã hội… khi con vẫn ở độ tuổi đến trường là điều hết sức cần thiết, nhưng giám sát như thế nào cho hợp lý là một vấn đề không hề đơn giản. Trong đó, hành động đăng tải mọi chuyện liên quan đến con, ngay cả những việc làm sai trái, lên mạng xã hội là một điều hết sức sai lầm, bởi lẽ mạng xã hội là một môi trường độc hại, nơi trẻ có thể trở thành nạn nhân của "bạo lực ảo" thông qua lời nói, hình ảnh của những cư dân mạng ác ý nhắm đến, làm ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ. Thậm chí, đã có không ít trường hợp những người trẻ tuổi không chịu được những trò "bạo hành" qua mạng xã hội đã phải tìm đến cái chết như một cách giải thoát.