Bên trong “pháo đài” bí mật của Apple

(Dân trí)- Khu liên hợp sản xuất khổng lồ nằm ở thành phố phía nam Trung Quốc trông không khác gì một pháo đài. Mỗi khi đến làm việc, nhân viên ở đây đều phải xuất trình thẻ an ninh ngay cổng vào. Đội bảo vệ kiểm tra các lái xe bằng máy quét nhận dạng vân tay.

Bên trong “pháo đài” bí mật của Apple - 1

Bên ngoài nhà máy cung ứng thiết bị cho Apple.
 
Xe container và xe nâng hoạt động không ngừng nghỉ để phục vụ một mạng lưới các nhà máy sản xuất những sản phẩm điện tử cho các nhãn hiệu hàng đầu trên khắp toàn cầu.

 

Bên trong khu nhà máy có hàng rào kín mít, tại một trong những khu vực thuộc sở hữu của tập đoàn quốc tế Foxconn, hãng sản xuất phần cứng Đài Loan được Apple “chọn mặt gửi vàng”, công nhân được cung ứng hầu hết các nhu cầu hàng ngày của họ tại chỗ. Ở đó có ký túc xá, căng-tin, các phương tiện giải trí, thậm chí cả ngân hàng, bưu điện và cửa hiệu bánh mì.

 

Cách tổ chức và quản lý “sặc” mùi quân sự này chỉ nhằm một mục đích: cách ly khu vực sản xuất của Foxconn với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Điều đó làm giảm khả năng bị rò rỉ bí mật và tất nhiên, nó làm hài lòng Apple và giám đốc điều hành Steve Jobs, người luôn coi bí mật tuyệt đối là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng số 1 tại hãng này. Chính vì thế, những sản phẩm mang thương hiệu Apple đều trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong suốt thời gian dài, thậm chí khi nó chỉ mới là những lời đồn đoán.

 

Nhiều sản phẩm đã “ra lò” của Apple, từ iPod cho đến iPad được lắp ráp tại những khu vực công nghệ “kín cổng cao tường” như tại Longhua - thành phố phía nam Trung Quốc. Và khi nhắc đến việc bảo vệ những bí mật của Apple, Foxconn, một đơn vị thuộc tập đoàn Hon Hai (Hon Hai Precision Industry) và các nhà cung cấp khác là đối tác với Apple cũng rất kín kẽ.

 

“An ninh được thắt chặt ở khắp mọi nơi bên trong các nhà máy”, một công nhân mặc đồng phục đứng bên ngoài nhà máy Foxconn tại Longhua cho biết “Họ sử dụng các máy dò kim loại và khám xét chúng tôi. Nếu bạn mang theo trong người bất cứ đồ vật kim loại nào khi bạn rời khỏi đó, họ sẽ gọi cho cảnh sát ngay lập tức”.

 

Phát ngôn viên Edmund Ding của tập đoàn Hon Hai cũng như Apple đều từ chối đưa ra lời bình luận về vấn đề này.

 

Tuy nhiên, các nguồn tin tại Trung Quốc và những nơi khác ở Đông Nam Á đều nói rằng Apple đã thiết lập một nguyên tắc giữ im lặng tuyệt đối đến mức “cực đoan” để bảo vệ ngay cả những chi tiết nhỏ nhất của các sản phẩm mới trong suốt quá trình phát triển chúng.

 

Nhiều chiến lược “bí mật tuyệt đối” của Apple đọc lên nghe giống như một cuốn tiểu thuyết tình báo: thông tin phải được bảo vệ tuyệt đối và chỉ công bố những điều cơ bản nhất; nhân viên nào bị nghi ngờ làm rò rỉ thông tin có thể bị điều tra; nếu bí mật bị tiết lộ, Apple sẽ không ngần ngại khởi kiện.

 

Chính vì thế, Apple sẽ kí giao kèo với các nhà sản xuất những sản phẩm khác nhau, chỉ để đảm bảo nguyên tắc này được bảo vệ tuyệt đối. Bằng cách đó, nguồn gốc của bất cứ sự rò rỉ nào ngay lập tức đều trở nên rõ ràng như tờ giấy trắng.

 

Và không giống như các nhà sản xuất điện tử khác vốn thích sự tiện lợi của chiến lược trọn gói, Apple không nhờ cậy vào một hãng duy nhất nào cung ứng tất cả mọi thứ cho một sản phẩm. Các nguồn tin trong lĩnh vực này cho biết Apple thường tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết các dự án của mình.

 

“Điều này đảm bảo rằng người duy nhất nắm trong tay tất cả bí mật thuộc về bất cứ sản phẩm nào của Apple chỉ có bản thân Apple mà thôi”, một quan chức cấp cao tại một công ty con thuộc tập đoàn Hon Hai cho biết “Các công ty công nghệ khác sẽ tìm kiếm các nguồn cung ứng bộ phận của riêng họ để so sánh nhưng không ai trong số các công ty đó tự làm nhiều thứ như Apple đang làm”.
 
 
Bên trong “pháo đài” bí mật của Apple - 2
Nhân viên ra vào cổng phải quẹt thẻ.

Kết quả là ngay cả những người công nhân đứng trong những dây chuyền lắp ráp cũng không thể hình dung được một sản phẩm hoàn chỉnh của Apple trông như thế nào.

 

“Công nhân đứng tại dây chuyền sản xuất sẽ không được nhìn thấy sản phẩm cho đến tận phút cuối cùng cho dù việc sản xuất thực tế diễn ra tại đây”, một quan chức tại một trong những nhà cung cấp của Apple khẳng định “Tất cả chỉ tập trung trong tay của một vài đội phát triển sản phẩm”. Apple thận trọng đến mức hãng yêu cầu các nhà cung cấp của mình phải rập khuôn như một nhánh của mô hình mà hãng này đang hoạt động tại trụ sở chính ở Cupertino, các cựu nhân viên Apple cho hay.

 

Nỗi ám ảnh với bí mật của Apple đã trở thành huyền thoại tại Thung lũng Silicon. Trong những năm qua, hãng đã sa thải nhiều nhà điều hành vì thông tin bị rò rỉ và khởi kiện các blogger nhằm ngăn chặn những bí mật của hãng bị phơi bày.

 

“Luật im lặng” đã trở thành một thứ văn hóa bất di bất dịch, ăn sâu trong môi trường làm việc tại Apple, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị ra mắt một thiết bị mới. Các dự án được giao cho những nhóm làm việc bị kiểm soát gắt gao. Những nhân viên làm việc trong các dự án này phải đi qua một loạt những cánh cửa an ninh, túi xách của họ bị kiểm tra và lục soát, và rồi phải nhập một mật mã riêng biệt cho từng người mới có thể bước chân vào văn phòng của họ. Tất cả các khu vực trong trụ sở của hãng đều được theo dõi bằng camera an ninh. Nhân viên không trao đổi, ngó nghiêng sang các đồng nghiệp của mình, ngay cả khi họ đang ngồi cùng nhau trong một phòng làm việc.

 

Một cựu nhân viên từng làm việc tại bộ phận marketing tại thời điểm điện thoại iPhone trình làng cho biết nhân viên hãng hiểu rằng bí mật là một phần làm nên sự thần bí của Apple và im lặng phải được tự thực thi ở cấp độ cơ bản nhất.

 

“Tôi thậm chí còn không nói về nó với vợ của tôi”, người này nói “Đó là văn hóa im lặng và nó chỉ được chấp nhận. Bạn quen với chuyện không đề cập đến công việc của mình, điều đó trở nên bình thường vì tất cả mọi người đều làm điều đó”.

 

Bảo mật “cực đoan” - nguyên tắc kinh doanh số 1 của Apple

 

Tại Trung Quốc, một phóng viên của Reuters đã tìm ra phương pháp chẳng hề dễ chịu chút nào để “mục sở thị” cách thức mà một số nhà cung cấp cho Apple dùng để giữ bí mật.

 

Được mật báo bởi một công nhân làm việc trong khu liên hợp Longhua ở gần một nhà máy của Foxconn, một phóng viên Reuters đã đi taxi đến khu công nghiệp này ở Guanlan - nơi đang sản xuất các sản phẩm cho nhiều công ty khác nhau. Trong khi anh phóng viên này đang đứng ngoài đường quốc lộ để chụp ảnh cổng ra vào và trạm an ninh của nhà máy, một bảo vệ đã la lớn. Anh phóng viên vẫn tiếp tục chụp thêm vài kiểu ảnh nữa trước khi vào xe taxi nhưng chiếc xe chưa kịp chuyển bánh đã bị một nhân viên bảo vệ chặn đầu và yêu cầu dừng xe kèm theo lời đe dọa sẽ bắt giữ cả chiếc xe lẫn giấy phép lái xe.

 

Anh phóng viên bước ra khỏi xe và biện minh rằng mình đang làm việc đúng luật vì vẫn đứng ở ngoài đường quốc lộ nhưng ngay lập tức bị nhân viên bảo vệ kia giật tay lại. Một nhân viên bảo vệ thứ 2 chạy đến và trước sự chứng kiến của rất nhiều công nhân Foxconn họ cố lôi kéo anh phóng viên vào trong nhà máy.

 

Anh phóng viên yêu cầu được thả nhưng không được nên đã tự giật tay ra và bước đi nhưng liền bị một bảo vệ có vẻ nhiều tuổi hơn đá vào chân kèm theo lời đe dọa sẽ tiếp tục đánh nếu anh ta tiếp tục bước đi. Vài phút sau một chiếc xe của an ninh nhà máy Foxconn chạy đến nhưng anh phóng viên nhất định không chịu lên xe và yêu cầu gọi cảnh sát thay thế.

 

Sau khi cảnh sát đến và đứng ra làm trung gian hòa giải, những nhân viên bảo vệ đã xin lỗi anh phóng viên và sự việc được giải quyết.

 

“Anh được phép tự do làm bất cứ điều gì anh muốn nhưng đây là Foxconn và họ có một thứ “trạng thái đặc biệt” ở đây. Xin hãy hiểu cho điều đó”, một viên cảnh sát nói với anh chàng phóng viên.

 

Bí mật hoàn toàn

 

Apple đã chi hàng tỷ USD cho các bộ phận và kí kết với các nhà sản xuất với yêu cầu “Các nhà cung cấp phải cam kết xây dựng một môi trường làm việc miễn có sự quấy rối, phiền nhiễu”. Để đảm bảo nguyên tắc này được thực thi, Apple tiến hành kiểm tra định kỳ các nhà cung cấp của hãng.

 

Vụ xô xát với phóng viên ở Guanna một lần nữa càng cho thấy áp lực nặng nề mà nhiều nhà cung cấp cho Apple đang chịu đựng trong việc buộc phải giữ bí mật tối đa theo quy định và “văn hóa doanh nghiệp” của Apple

 

Một cách khác mà Apple dùng để giữ việc rò rỉ thông tin ở mức tối thiểu là cung cấp chúng cho các nhà cung cấp ở tận phút cuối cùng.

 

“Các sự việc thường diễn ra theo cách chúng tôi sẽ nhận được một cuộc gọi từ phía Apple, và họ thường có một số ý kiến về những gì mà họ thực sự muốn”, một quan chức thuộc một nhà cung cấp bộ phận của Apple nói.

 

“Họ thường cho chúng tôi hai sự lựa chọn, chúng tôi giới thiệu cho họ một số vật liệu. Họ xem xét khá nhiều mẫu trước khi đi đến quyết định cuối cùng, thỉnh thoảng chỉ vài tuần trước khi việc ra mắt sản phẩm bị đồn thổi”.

 

Apple cũng thường yêu cầu các chi tiết của hãng phải tách rời xu thế chủ đạo hiện nay bằng những thiết kế hoàn toàn riêng biệt. Điều đó khiến nhiều nhà cung cấp rất nản lòng.

 

Một quan chức thuộc một nhà cung cấp Hàn Quốc cho biết ông đã tham gia vào các dự án của Apple và than phiền rằng đôi khi hãng này đưa ra những yêu cầu hết sức vô lý.

 

“Lúc nào Apple cũng muốn những chi tiết kĩ thuật và kích thước độc đáo”, người này nói “Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không được phép sử dụng một nền tảng chung hoặc tái sử dụng những bộ phận này để cung cấp cho các khách hàng khác. Và nếu có hàng tồn kho, nó chỉ có thể vứt đi vì không thể sử dụng theo bất kỳ cách thức nào khác”.

 

Không có gì ngạc nhiên khi việc kí kết hợp đồng với Apple sẽ luôn luôn đi kèm với một điều khoản bảo mật. Trong trường hợp phía nhà cung cấp vi phạm, họ sẽ bị phạt tiền ngay lập tức. Các quan chức của Apple cũng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất thường xuyên để duy trì các tiêu chuẩn mà hãng này đặt ra.

 

Cho đến nay, chưa có bất cứ nhà cung cấp nào bị phạt vì vi phạm hiệp ước bảo mật. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp đã bị Apple cảnh báo rằng họ có nguy cơ bị mất hợp đồng với hãng này nếu tiếp tục bị nghi ngờ làm rò rỉ thông tin.

 

Nếu không có bằng chứng rõ ràng, Apple sẽ chọn phương án chuyển sang nhà cung cấp khác khi thời hạn hợp đồng hết.

 

Đó là lý do tập đoàn Hon Hai luôn được Apple tin cẩn. Tập đoàn này cùng với Foxconn đã “nổi danh” vì thành tích giữ bí mật tuyệt đối của mình trong quá khứ.

 

Sự nghiêm khắc một cách thái quá trong các công đoạn sản xuất cũng như giữ bí mật về thông tin sản phẩm của Apple và các nhà thầu gia công của hãng này đang  bị dư luận lên án mạnh mẽ , đặc biệt kể từ sau vụ một công nhân của Foxconn tự tử do không chịu nổi sức ép tinh thần quá lớn sau khi để mất một mẫu thử sản phẩm điện thoại iPhone hồi năm 2009.

 

Võ Hiền

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm