Bắt nạt trên Internet ở Hàn Quốc còn đáng sợ hơn dịch Covid-19

(Dân trí) - Thông tin cá nhân của những người mắc Covid-19 bị công khai, điều đó khiến cho vấn nạn bắt nạt trên Internet bùng phát tại Hàn Quốc.

Vào tháng 2, Kim Ji-seon, một nhân viên văn phòng 29 tuổi đã chuyển đến một căn chung cư cạnh bờ biển. Khi đó, cô đang lên kế hoạch để tổ chức đám cưới vào tháng 6. Tuy nhiên, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn.

Bắt nạt trên Internet ở Hàn Quốc còn đáng sợ hơn dịch Covid-19 - 1
Tin đồn thất thiệt, vô căn cứ

Các nhà chức trách Hàn Quốc đã công khai tên, tuổi, giới tính và nơi ở gần nhất của Kim. Từ những thông tin trên, cư dân mạng Hàn Quốc biết được Kim là người theo tôn giáo. Chưa dừng lại ở đó, dựa theo hành trình của một thành viên khác trong nhà thờ, họ còn đưa ra kết luận rằng cô đang lừa dối vị hôn phu của mình.

“Tôi rất ngạc nhiên. Làm sao họ có thể chế giễu những người đang phải đấu tranh vì cuộc sống như vậy?”, Kim chia sẻ với truyền thông trong một cuộc phỏng vấn.

Bắt nạt trên Internet ở Hàn Quốc còn đáng sợ hơn dịch Covid-19 - 2
Kim Ji-seon và chồng sắp cưới của cô tại một nhà thờ ở Busan, Hàn Quốc.

Chính phủ khắp nơi trên thế giới đang phải vật lộn với các thông tin sai lệch khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, cuộc đấu tranh này còn đặc biệt nguy hiểm hơn khi nạn nhân của nó lại là chính những người mắc bệnh.

Hàn Quốc đạt được nhiều thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 nhờ vào việc sử dụng camera giám sát, dữ liệu điện thoại thông minh và hồ sơ giao dịch thẻ tín dụng. Tuy nhiên, điều đó lại trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ chuyên bắt nạt trên Internet.

“Tôi không nghĩ rằng điều này phản ánh sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư ở Hàn Quốc. Thay vào đó, trong thời điểm đại dịch, quyền riêng tư có thể được hy sinh vì sức khỏe cộng đồng”, Park Kyung-sin, giáo sư tại trường Đại học Luật Hàn Quốc cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, những kẻ chuyên bắt nạt trên mạng còn gán cho cô một biệt danh là “cougar”. Đồng thời, họ cũng tung tin đồn rằng cô có quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông trẻ tuổi. Thậm chí, một số kẻ khác còn đưa ra thông tin ác ý rằng nếu cô mang thai, đứa trẻ cần phải trải qua xét nghiệm để xác nhận quan hệ cha con.

Sau khi xuất viện, Kim đã nộp đơn khiếu nại để xóa các thông tin giả mạo. Tuy nhiên, cô đã nhanh chóng phải bỏ cuộc. “Có quá nhiều trang đăng thông tin đó”, cô nói.

Lo ngại về quyền riêng tư

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư tại nhiều quốc gia. Chính phủ tại Italy, Israel và Singapore đã sử dụng dữ liệu điện thoại di động để theo dõi những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi đó, Trung Quốc lại sử dụng các ứng dụng trên smartphone để theo dõi người dân.

Bên cạnh việc công khai một số thông tin cá nhân, các nhà chức trách còn gửi tin nhắn văn bản đến những người có lịch sử tiếp xúc gần người bệnh. Theo GS Park, ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà chính phủ có quyền thu thập dữ liệu theo ý muốn xảy ra dịch bệnh.

Bắt nạt trên Internet ở Hàn Quốc còn đáng sợ hơn dịch Covid-19 - 3
Nhờ việc sử dụng camera giám sát, dữ liệu điện thoại thông minh và hồ sơ giao dịch thẻ tín dụng, Hàn Quốc đã dần kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh.

Trang web của chính phủ cũng đăng tải chi tiết về cuộc sống hàng ngày của từng bệnh nhân trước khi họ được cách ly. Chính phủ không tiết lộ tên bệnh nhân nhưng lại công bố dữ liệu khác như địa chỉ hoặc nơi làm việc.

Lượng thông tin trên đã thúc đẩy vấn nạn bắt nạt trên Internet, khiến nó ngày càng phổ biến. Ở Hàn Quốc, doxxing (hành vi đào bới và công bố thông tin cá nhân nhạy cảm của người khác) đã trở thành một vấn nạn đáng quan ngại. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tự tử của những ngôi sao K-pop.

Các nhà hàng mà người mắc Covid-19 từng ghé qua cũng trở thành nạn nhân của tình trạng trên. Một nữ bệnh nhân thường xuyên đến quán karaoke bị những kẻ chuyên bắt nạt trên mạng cho là gái mại dâm. Những cặp đôi đồng tính chưa muốn công khai cũng lo lắng rằng chuyện của họ sẽ bị lộ. Họ đã yêu cầu chính phủ giấu tên của họ trong quá trình xét nghiệm sau khi dịch bùng phát tại một câu lạc bộ đồng tính ở Seoul vào tháng 5.

Tin đồn sai lệch còn đáng sợ hơn Covid-19

Tình trạng quấy rối diễn ra vô cùng dai dẳng. Những tin đồn vô căn cứ về Kim Ji-seon đã xuất hiện từ tháng 2 nhưng nó vẫn được nhắc lại cho đến tận bây giờ. Kim Dong-hyun, người bị đồn là có quan hệ bất chính với Kim Ji-seon, nói rằng anh đã bị bạn gái tra hỏi về “người đàn ông vô đạo đức nổi tiếng” tại nhà thờ mà anh từng xuất hiện.

“Những tin đồn trên dai dẳng một cách đáng kinh ngạc. Tôi từng không thể hiểu tại sao các ngôi sao trong làng giải trí lại tự sát sau khi trở thành mục tiêu của tình trạng bắt nạt trên Internet. Giờ thì tôi đã hiểu”, Kim Dong-hyun nói.

Bắt nạt trên Internet ở Hàn Quốc còn đáng sợ hơn dịch Covid-19 - 4
Kim Dong-hyun, người bị đồn là có quan hệ bất chính với Kim Ji-seon.

Khi vấn nạn trên trở nên nghiêm trọng, chính phủ đã không còn tiết lộ tuổi, giới tính, quốc tịch hoặc nơi làm việc của bệnh nhân. Những địa điểm mà bệnh nhân đã đi qua cũng không được công bố. Đồng thời, những thông tin trên cũng sẽ bị xóa sau 2 tuần.

Khi dịch bệnh bùng phát trở lại trong những tháng gần đây, các nhà chức trách đã tìm nhiều cách ngăn chặn việc phát tán thông tin sai lệch hoặc rò rỉ dữ liệu cá nhân. 202 người đã bị thẩm vấn vì hành động này.

Thậm chí, một người đàn ông đã tuyên bố trên YouTube rằng cơ quan y tế đang thao túng kết quả xét nghiệm. Trong khi đó, 6 người khác tung tin đồn rằng một bệnh nhân đã đến nhiều nơi ở phía nam Seoul dù chuyện đó không xảy ra.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhiều bệnh nhân Hàn Quốc cho biết việc bị kỳ thị vì mắc bệnh còn đáng sợ hơn cả tác động của virus đối với cơ thể của họ.

Kim Dong-hyun và bạn bè của anh cho biết họ hiểu lý do tại sao thông tin phải được thu thập và công khai. Tuy nhiên, họ cũng nói về gánh nặng xã hội mà những người nhiễm bệnh phải đối mặt. Chính phủ đã tạm thời đóng cửa nơi làm việc của Kim Dong-hyun sau khi anh ta có kết quả dương tính của Covid-19.

“Điều đó còn khó chịu hơn nỗi đau thể xác do Covid-19 gây ra”, anh nói về cảm giác tội lỗi của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm