1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Báo Mỹ: Khi các hãng công nghệ phải đào tạo lại sinh viên Việt Nam

(Dân trí) - Phóng viên Shara Tiken của trang công nghệ danh tiếng Cnet đã có chuyến thăm đến Việt Nam để tìm hiểu về thị trường công nghệ tại đây. Dưới đây là những nhận định của Tiken về những bất cập trong giáo dục với xu thế phát triển công nghệ hiện nay tại Việt Nam.

Dân trí xin dịch lại bài viết của Shara Tiken trong chuyến thăm đến Việt Nam lần này.

Tôi đến một lớp học muộn vào 5 rưỡi chiều, cách Dinh Độc lập khoảng 10 phút đi bộ, nơi có khoảng 20 người đàn ông đang ngồi chen chúc nhau trong một căn phòng. Máy chiếu của căn phòng trình chiếu lên bảng những bài học về lập trình, những người có mặt tại đây vì một lý do: học xây dựng ứng dụng cho iPhone và iPad sử dụng ngôn ngữ lập trình Swift mới của Apple.

“Những gì bạn học được ở trường không phải dành cho thế giới thực”, Giảng viên Phạm Khoa nói với tôi sau khi lớp học kết thúc. Nguyên nhân? Những lớp học ở đây tập trung nhiều hơn vào lý thuyết hơn là trên thực tế. Đó là lý do tại sao anh Khoa, 28 tuổi, một lập trình viên tự học, đang dạy lại cho những người khác cách viết ứng dụng cho iOS của Apple, Android của Google và Windows của Microsoft, những kỹ năng mà họ không thể dễ dàng học được ở nơi khác.

Báo Mỹ: Khi các công nghệ phải đào tạo lại sinh viên Việt Nam
Khoảng 1.300 người đã theo học các lớp lập trình ứng dụng do Phạm Khoa, một người tự học lập trình, giảng dạy trong năm qua

Việt Nam đang nỗ lực để trở thành một trong những nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra: ngay cả sau khi tốt nghiệp các trường đại học, sinh viên vẫn cần phải được đào tạo thêm để làm nhiều việc hơn là chỉ lắp ráp các thiết bị. Nhiều người phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để học tập thêm các kỹ năng cần thiết.

“Chương trình học tại các trường Đại học ở Việt Nam không phù hợp để làm việc sau khi tốt nghiệp”, Phạm Đông Phong, Giám đốc nhà máy của LG tại Hải Phòng cho biết. “Sau khi tốt nghiệp đại học, chỉ nắm được các kiến thức tổng quát khiến việc bắt tay vào công việc thực tế là điều rất khó khăn”.

Để giúp thu hẹp khoảng cách kiến thức, nhiều đại gia công nghệ trên thế giới, bao gồm cả Samsung và LG, đã phải đưa ra các chương trình riêng của mình để giáo dục lao động Việt Nam. Họ sẵn sàng đầu tư vào lao động Việt, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này.

Việt Nam có một nền chính trị ổn định, chính phủ sẵn sàng cung cấp các đãi ngộ về thuế cho các công ty nước ngoài. Quốc gia này cũng tự hào có một lực lượng lao động giá rẻ, đặc biệt so với Trung Quốc, nơi mà lương công nhân đã tăng lên khi nền kinh tế của đất nước được cải thiện.

Một công nhân công nghệ cao tại Việt Nam thường nhận mức lương chỉ bằng 1/3 so với công nhân Trung Quốc (năm 2013, một công nhân làm việc tại nhà máy ở Hà Nội nhận mức lương trung bình 145USD/tháng so với 466USD/tháng của công nhân ở Bắc Kinh và mức lương này đã tăng lên ở thời điểm hiện tại). Dân số của Việt Nam cũng trẻ, độ tuổi trung bình là 29, trẻ hơn 8 tuổi so với độ tuổi trung bình ở Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh đó tiếng Anh cũng rất phổ biến và được xem như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam.

Mặc dù những kỹ năng vẫn chưa đáp ứng cho các công việc công nghệ cao, các tiêu chuẩn giáo dục tại Việt Nam cũng đã tăng lên nhanh chóng. 15 tuổi ở Việt Nam đã đạt được điểm số cao hơn về đọc, toán và khoa học so với các nước phát triển, thậm chí ở cả Mỹ và Anh, nhờ sự đầu tư của chính phủ vào giáo dục.

Sản xuất công nghệ tại Việt Nam cũng đang thực sự bùng nổ. Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới đã mở một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010. Bộ phận kinh doanh thiết bị di động của Microsoft (Nokia trước đây) cũng đã chuyển nhà máy sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Hà Nội. LG cũng đang sản xuất nhiều thứ, từ thiết bị di động đến màn hình TV, tại nhà máy ở Hải Phòng... Và trong năm ngoái, “gã khổng lồ công nghệ” Samsung đã lắp ráp gần 1/3 smartphone tại Việt Nam.

Bên trong nhà máy Jabil tại Thành phố Hồ Chí Minh
Bên trong nhà máy Jabil tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sản xuất thiết bị công nghệ đã giúp thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Sự tăng trưởng này đã có công lớn của 14,7 tỷ USD giá trị từ xuất khẩu “smartphone và linh kiện”, chiếm đến 19% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, dẫn đầu so với các nhóm xuất khẩu khác.

Hiệu ứng Samsung

Việt Nam có thể cám ơn Samsung cho sự tăng trưởng này. Năm 2012, khoảng 2 năm sau khi Samsung mở cửa nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên ở miền Bắc, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu lần đầu tiên trong vòng 20 năm. Sau khi Samsung tiếp tục mở cửa nhà máy thứ 2 tại Việt Nam vào năm ngoái, 17% giá trị xuất khẩu trong năm 2014 đến từ Samsung.

Samsung vẫn còn rất nghiêm túc khi đầu tư tại Việt Nam. Trong 7 năm qua, hãng công nghệ Hàn Quốc đã đầu tư gần 9 tỷ USD cho các cơ sở tại Việt Nam. Số tiền này không bao gồm hàng tỷ USD khác đã chi ra cho những nhà máy sản xuất linh kiện khác của Samsung, chẳng hạn như số tiền 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình smartphone và máy tính bảng tại Bắc Ninh gần đây.

Hiện tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã làm “lu mờ” Trung Quốc về tổng số lao động của Samsung và khu vực này thậm chí đã vượt “quê hương” Hàn Quốc và trở thành khu vực có nhân công lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Hiện tại có khoảng 110.000 lao động của Samsung tại Việt Nam, đại đa số làm việc tại hai nhà máy sản xuất smartphone tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Sau khi nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng có giá trị 1,4 tỷ USD của Samsung tại Thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động vào đầu năm 2016, Samsung sẽ có thêm khoảng 5.000 nhân viên.

“Việt Nam hiện là một đất nước đang phát triển, vì vậy chúng tôi có cơ hội không chỉ cho kinh doanh mà còn đối với lực lượng lao động”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc công ty Samsung Vina, cho biết.

Khi thuê hàng chục ngàn công nhân tại một đất nước đang phát triển, rất khó để có thể tìm ra những nhân viên với nền tảng sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ cao. Samsung giả định sẽ phải đào tạo tất cả các nhân viên của mình và công ty sẽ chọn những nhân viên mới dựa vào nền tảng kiến thức cơ bản của họ.

“Giáo dục tại Việt Nam chủ yếu dựa trên lý thuyết và thiếu đi thực hành”, ông Đạo cho biết thêm. “Chúng tôi vẫn còn cần rất nhiều kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để làm việc, không chỉ ở các nhà máy mà còn ở các văn phòng bán hàng và nhiều nơi khác”.

Samsung cũng đã hợp tác với nhiều trường đại học để nhân viên của mình có thể tham gia các lớp học miễn phí vào ban đêm ngay bên trong các nhà máy. Họ sẽ được học tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, cũng như các môn chuyên ngành như kế toán, điện tử kỹ thuật...

Gian nan đào tạo

Samsung không phải là công ty duy nhất đang tìm cách giải quyết khoảng cách giáo dục tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của mình. Đầu tháng 3 vừa qua, LG cũng mở một nhà máy rộng 800.000 mét vuông tại Hải Phòng, và đi theo xu hướng thuê nhân công trước rồi bắt đầu đào tạo sau.

“Ban đầu chúng tôi chỉ đào tạo về công nghệ, nhưng hiện tại chúng tôi đang thảo luận, suy nghĩ về ba năm tiếp theo, làm thế nào để có được những nhà điều hành và quản lý có kinh nghiệm”, Phạm Đông Phong, Giám đốc nhà máy của LG tại Hải Phòng cho biết.

Hiện LG có 1.000 nhân viên tại nhà máy ở Hải Phòng và con số này dự định sẽ tăng lên gấp đôi vào năm tới. Trong khi lực lượng lao động tại Việt Nam rất nhiều, LG đang gặp vấn đề về tuyển dụng những nhân viên có kinh nghiệm cho những công việc chuyên sâu hơn như giám sát dây chuyền lắp ráp hoặc hay quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm...

Trung bình LG phải đào tạo các nhân viên kỹ thuật cao trong vòng 3 năm trước khi họ có thể làm việc trên các dự án riêng của hãng. Khoảng 30% các nhân viên giám sát dây chuyền lắp ráp và quản lý chất lượng có thể làm việc sau 4 tháng đào tạo. Những nhân viên đòi hỏi tay nghề cao trong các lĩnh vực khác cũng cần tối thiểu một năm đào tạo để có thể làm việc. Trong khi đó, 90% nhân viên lắp ráp có thể làm việc độc lập chỉ sau một tháng đào tạo.

Để đối phó với thời gian đào tạo lâu dài, LG đã tài trợ nhiều chương trình học bổng và thực tập, cũng như hợp tác với các trường đài học chuyên ngành để có thể tuyển dụng những viên viên xuất sắc sau khi ra trường.

Jabil, hãng sản xuất linh kiện theo hợp đồng của Mỹ, đặt nhà máy tại Khu công nghệ cao Sài Gòn. Có thể nói, khu công nghệ cao này có thể xem như một Sillicon Valley của Việt Nam, tuy nhiên trên thực tế nơi đây vẫn nhắc đến hình ảnh của một đất nước đang phát triển. Con đường phía trường nhà máy của Jabil đầy bụi bẩn và mương nước đầy đất cát vẫn bao quanh nhà máy.

Là một công ty đến từ Mỹ, vấn đề lớn nhất mà Jabil phải đối mặt đó là kỹ năng tiếng Anh nghèo nàn của các ứng viên xin việc, và những gì mà các sinh viên được học “có một chút lỗi thời so với những gì chúng tôi cần”, Patrick Tan, quản lý hoạt động nhà máy Jabil tại Việt Nam cho biết. “Khá khó khăn khi mang một người ra khỏi trường đại học và có thể mang vào làm việc ngay tại nhà máy”.

Cũng như nhiều hãng công nghệ khác tại Việt Nam, Jabil phải có những chương trình đào tạo dài một năm cho những nhân viên mới, những người có tiềm năng phát triển. Vào cuối chương trình đào tạo, những ứng viên sẽ phải trình bày một báo cáo về những gì mình đã học và nơi họ muốn làm việc tại Jabil nếu họ tiếp tục ở lại công ty. Sau đó họ sẽ được đưa vào những vị trí phù hợp với khả năng của mình.

Vẻ nhếch nhác bên ngoài nhà máy của Jabil ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
Vẻ nhếch nhác bên ngoài nhà máy của Jabil ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều công ty khác cũng đã có những biện pháp quyết liệt hơn, bên cạnh những khóa đào tạo của mình.

Năm 2006, tập đoàn FPT, một tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông lớn của Việt Nam, đã mở cửa Đại học FPT, một đại học riêng của mình tại Hà Nội. Trong một bức thư gửi cho các sinh viên tiềm năng, Hiệu trưởng trường đại học FPT Đàm Quang Minh đã gọi đây là “ngôi trương bên trong doanh nghiệp” và nhiệm vụ của trường là “cung cấp một lợi thế cạnh tranh toàn cầu cho sinh viên, để mở rộng chân trời trí tuệ của dân tộc”.

Bắt kịp tốc độ

Một trong những công ty lớn nhất tại Mỹ chuyển đến Việt Nam là Intel. Hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới đã mở một nhà máy lắp ráp và kiểm nghiệm sản phẩm ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010, tuy nhiên Intel cũng nhanh chóng gặp phải những rắc rối như những hãng công nghệ khác.

Intel đã nhờ đến Trường Đại học Arizona để tìm ra cách giúp các sinh viên kỹ thuật của Việt Nam bắt kịp tốc độ một cách nhanh chóng. Họ quyết định điều tốt nhất để thực hiện điều này là đào tạo các giáo sư của Việt Nam những cách thức hiện đại hơn để giảnh dạy kỹ thuật và xây dựng nên Chương trình Liên kết Đào tạo Kỹ thuật cao (HEEAP), được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Quốc tế (USAID).

“Ý tưởng rất đơn giản, nhưng để thực hiện điều đó là không hề dễ dàng”, Lê Văn Khôi, Giám đốc HEEAP tại Việt Nam cho biết.

HEEAP đã cho thấy những kết quả bước đầu. Kể từ khi ra mắt vào năm 2010, HEEAP đã đào tạo 291 giảng viên Việt Nam, trong đó có 71 phụ nữ, trong vòng 6 tuần của chương trình đào tạo mùa hè.

Nguyễn Bá Hải, người có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực biorobotics (lĩnh vực điều khiển học, kỹ thuật sinh học...), là Giám đốc trung tâm học tập kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ và Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, đã tham gia chương trình HEEAP từ năm 2012 và cho biết nó đã thay đổi đáng kể cách thức ông giảng dạy.

“Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục rất thiếu sự linh hoạt”, ông Hải nói. “Nếu chúng ta muốn thay đổi một cái gì đó, phải mất một thời gian dài. Nhưng thực sự đối với tôi, HEEAP đã thay đổi mọi thứ”.

Sau khóa đào tạo của HEEAP, Đại học Công nghệ và Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu các khóa học và cách học kỹ thuật mới, mà sinh viên dành nhiều thời gian để xác định và giải quyết vấn đề. Các sinh viên cũng được yêu cầu phải tham gia các khóa huấn luyện trong phòng thí nghiệm và tự tay tạo ra một dự án tốt nghiệp.

HEEAP hiện đang tìm kiếm những khoản tài trợ mới để giúp các trường học có thêm các phòng thí nghiệm, khuyến khích các sinh viên, trẻ em và tất cả mọi người phát minh, xây dựng bất cứ điều gì mà họ đang nghĩ tới.

“Hy vọng là khi sinh viên tốt nghiệp, họ không thể sẵn sàng cho công việc tại công ty mà còn có được suy nghĩ của một nhà sản xuất”, Jeffrey Goss, Giám đốc chương trình HEEAP tại các trường đại học tại Việt Nam cho biết.

Chính phủ tại Việt Nam cũng đã có những cải cách để giáo dục người lao động trong tương lai. Trong khi đó, các hãng công nghệ vẫn đang phát triển các hoạt động của mình tại Việt Nam bất chấp những khoảng cách về kỹ năng. Samsung đang có kế hoạch mở thêm một nhà máy sản xuất smartphone trị giá 3 tỷ USD, trong khi đó Jabil cũng đã ký một thỏa thuận với ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh để tăng gấp đôi lực lượng lao động tại nhà máy của mình lên 2.600 người và xây dựng thêm nhà máy mới vào năm 2017.

Vẻ nhếch nhác bên ngoài nhà máy của Jabil ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
Sự thiếu sót trong các kỹ năng của lực lượng lao động tay nghề cao tại Việt Nam mở ra cơ hội cho các dịch vụ giáo dục và đào tạo

Các thiếu sót về kỹ năng cũng mở ra những cơ hội mới cho các công ty khởi nghiệp về giáo dục. Topica, dịch vụ dạy tiếng Anh trực tuyến với các đối tác tại các trường đại học hiện nay có khoảng 1.400 giảng viên với hơn 20.000 học viên trên Internet. Rockit Online, một trang web dạy tiếng Anh, toán và khoa học cho sinh viên Việt Nam cũng vừa nhận được một khoản đầu tư từ quỹ đầu tư Formation 8 and Lean Capital. Hầu hết người dùng của Rockit Online là sinh viên đại học của Việt Nam.

“Có một lỗ hổng lớn trong mô hình giáo dục của chúng tôi đó là không được định hình đủ nhanh để theo kịp với nhu cầu của nền kinh tế”, CEO Rockit Online Đào Thu Hiền, một cựu phóng viên hãng tin AP cho biết từ văn phòng tại Hà Nội. “Đây là cơ hội cho những công ty như chúng tôi tham gia và giúp đỡ sinh viên”.

Chính vì những lỗ hổng về giáo dục này nên mới xuất hiện những người như Phạm Khoa, người được nhắc đến ở đầu bài khi hướng dẫn những người khác xây dựng các ứng dụng trên di động.

Trở lại lớp học của Khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, các học viên đã ỏi tôi trong gần một giờ đồng hồ với những câu hỏi về Apple, Samsung và những điều liên quan đến ngành công nghệ tại Mỹ. Họ chia sẻ với tôi lý do tại sao họ dành thời gian rảnh rỗi quý giá của mình, hai giờ một ngày và ba ngày một tuần, để học cách viết ứng dụng cho iPhone và iPad.

Trịnh Minh, 54 tuổi, học viên già nhất của lớp học, đã đăng ký tham gia khóa học với học phí 183USD để mở rộng kiến thức vượt qua công việc IT bình thường của mình. Ông cũng quyết định ghi danh cho đứa con trai 15 tuổi của mình, Trịnh An, tham gia lớp học để trang bị cho con mình kiến thức về thế giới công nghệ sau khi kết thúc khóa học.

“Tôi muốn học nhiều hơn nữa và trở thành tấm gương cho mình noi theo”, ông Minh chia sẻ.

T.Thủy
Theo Cnet
Vẻ nhếch nhác bên ngoài nhà máy của Jabil ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc Phan
Quốc Phan